Trồng táo trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao
Trước tình trạng ruồi vàng đục quả và các loại côn trùng phá hoại cây trồng có dấu hiệu gia tăng, thời gian gần đây, một số hộ trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận bắt đầu áp dụng phương pháp trùm lưới cho giàn táo, phương pháp mới này vừa giúp phòng ngừa các đối tượng dịch hại nguy hiểm vừa giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Sản phẩm táo trồng trong nhà lưới đang được các thương lái ưu tiên thu mua với giá cao.
Ông Đỗ Văn Thảo (trú tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương ứng dụng thành công kỹ thuật bao lưới cho gần 1 ha táo chia sẻ, những năm trước, tình trạng ruồi vàng đục quả cùng với côn trùng phá hoại khiến sản lượng táo thu hoạch thấp, có thời điểm thu hoạch 1 tấn táo có khi phải bỏ từ 3 đến 4 tạ vì trái bị hư.
Sau khi tìm hiểu các phương pháp hạn chế ruồi vàng, sâu đục quả, đầu năm 2017, gia đình mạnh dạn áp dụng phương pháp bao lưới cho toàn bộ giàn táo, nhờ đó tỷ lệ cây táo ra hoa, đậu quả cao hơn, tỷ lệ ruồi vàng đục quả giảm đi rất nhiều, tỷ lệ táo phải loại thải chỉ vài chục ký không đáng kể. Việc bao lưới vườn táo giúp bà con yên tâm để trái táo chín lâu hơn khi không còn lo ruồi vàng phá hoại, chất lượng táo ngon hơn nên giá bán cũng cao hơn.
Cách đó không xa, ông Đỗ Thành Thanh (ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cũng đang áp dụng bao lưới cho toàn bộ vườn táo 3 sào. Theo ông Thanh, ruồi vàng là loại côn trùng rất nguy hiểm cho cây táo, khi ruồi vàng chích vào trái, sinh trứng và nở ra ấu trùng sống bên trong khiến trái thối, rụng. Để hạn chế thiệt hại, bà con thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ruồi vàng sinh sản rất nhiều, phun thuốc cũng không thể tiêu diệt triệt để. Do đó, thay vì dùng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, gia đình quyết định mua lưới bao giàn táo vừa tránh được ruồi vàng và các loại côn trùng xâm nhập, vừa giúp đảm bảo sức khỏe vì không còn phải xịt thuốc, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất sạch nên giá táo bán vì thế cũng cao hơn.
Theo các hộ trồng táo, chi phí lắp đặt lưới trùm chỉ khoảng khoảng 12 đến 20 triệu đồng/sào táo, thời gian sử dụng lưới có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm tùy theo chất lượng lưới, nhiệt độ của môi trường và chi phí thiết kế thi công.
Việc sử dụng lưới che chắn côn trùng bao quanh vườn táo đem lại rất nhiều ưu điểm như: Lưới giúp che chắn không cho côn trùng, đặc biệt là ruồi vàng đục quả xâm nhập, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm sản xuất an toàn.
Ngoài ra, màn lưới sẽ cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào trái táo, bảo vệ trái bớt bị rám vỏ và sậm màu. Lưới còn có tác dụng che bớt sương muối, gió bấc làm thui lá, gẫy cành, mưa gió gây rụng quả. Tại vườn táo đối chứng (không có lưới ngăn côn trùng) năng suất thu hoạch bình quân từ 35 – 40 tấn/ha/năm, trong khi đó, nếu áp dụng phương pháp bao trùm lưới cho vườn táo năng suất có thể đạt từ 70 – 80 tấn/ha/năm.
Táo hiện là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 ha táo được trồng chủ yếu tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Được biết, hiện nay có khoảng trên 10 ha táo đang được áp dụng phương pháp bao lưới trùm. Táo Ninh Thuận khi chín vỏ táo ngả dần sang màu phớt vàng, ăn giòn, ngọt mát, có hương vị đặc trưng.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, phương pháp bao lưới trùm cho giàn táo vừa giúp bảo vệ mùa màng, vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán vì thế cũng được nâng cao. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp các địa phương khuyến khích, nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình sản xuất bao giàn lưới, tư vấn kỹ thuật lắp đặt, chăm sóc vườn táo.
Ngoài làm nhà lưới chống côn trùng cho cây táo, bà con nông dân cũng có thể tham khảo bao lưới cho một số loại cây trồng, cây ăn quả khác để phòng ngừa các loại sâu bệnh, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị thu nhập.
Có thể bạn quan tâm
Bưởi da xanh ưa nước nên thích hợp trồng ở những khu trũng. Đến nay, gần 3.000 gốc bưởi được anh trồng theo phương pháp cây cách cây 5m
Mô hình nuôi giun quế vừa đi vào hoạt động nhưng đã mang lại giá trị kinh tế và góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường với chất thải của đàn bò sữa
Mọt đục thân, cành (Polyphagous shot hole borer): Gây hại cho nhiều loại cây trồng: Bơ, sầu riêng, ca cao, điều...