Trồng sachi - mô hình nhiều hứa hẹn trên vùng đất khô hạn Địch Giáo
Cây sachi lần đầu tiên được đưa vào trồng ở xã Địch Giáo, huyện Tân Lạc, Hòa Bình với diện tích 1,5ha cho hiệu quả kinh tế khá cao và mở ra hướng phát triển đầy triển vọng.
Bà con xã Địch Giáo chăm sóc sachi
Sau khi tìm hiểu và học tập một số mô hình ở các địa phương khác, xã Địch Giáo đã ký hợp đồng với Cty cổ phần Inca Việt Nam, chi nhánh tại Hòa Bình để trồng và tiêu thụ sachi. Đây là loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ thuộc họ thầu dầu; là cây đa tác dụng, các bộ phận của cây từ hạt, thân, lá, rễ đều được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.
Cty Inca Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật và giống cây trả chậm. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, sau 6 - 8 tháng trồng và chăm sóc cây đã cho lứa quả bói đầu tiên. 1ha cho thu 2 - 3 tấn quả, với mức giá 80.000 đồng/kg lá khô, 30.000 đồng/kg quả khô và 50.000 đồng/kg hạt. Cây cho thu hoạch quanh năm, khi quả khô và lá già là thu hoạch. Năng suất cao dần từ năm thứ 2 đến năm thứ 7 và trồng một lần thu trong 10 năm. Ước tính ban đầu 1ha sachi có thể cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng.
Gia đình ông Đinh Văn Thọ, xóm Khạng là hộ trồng nhiều sachi nhất ở xóm với hơn 500 gốc, trên diện tích 3.000 m2. Ông Thọ chia sẻ: "Trước đây, trên diện tích ruộng này, vụ nào mưa thuận gió hòa, cây lúa, cây ngô đạt năng suất cao cũng chỉ đem lại thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/năm. Thế nhưng, sau một năm đưa cây sachi vào trồng, đã cho hiệu quả vượt trội. Khả năng chống hạn, chống rét tốt.
Năm 2017 sachi đem lại thu nhập cho gia đình 30 triệu đồng. So với các cây hoa màu khác thì trồng sachi nhàn hơn nhiều. Sachi rất dễ trồng, chỉ cần bón phân chuồng hoặc NPK là phát triển tốt. Ít bị sâu bệnh, không phải phun thuốc BVTV. Đầu ra được Cty Inca Việt Nam bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi đặt niềm tin sachi sẽ nâng cao thu nhập".
Quả thật, cây sachi chịu hạn khá tốt. Mặc dù vừa trải qua mấy tháng khô hạn nhưng những vườn sachi ở xóm Khạng phát triển khá tốt. Những quả sachi căng tròn chờ bà con thu hoạch. Những trận mưa vừa qua như tiếp sức để sachi vươn mình, ra những chùm hoa sai trĩu.
Nông dân ở bản Khạng, xã Địch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) thu hoạch quả sachi (Ảnh: Trang Trại Việt)
Bà Hà Thị Hạnh, Trưởng xóm Khạng cho biết: Sau một năm gieo trồng, sachi cho năng suất bình quân lá 8 tạ/ha; quả 1,6 tấn/ha; tổng số tiền từ bán lá, bán quả, bán hạt đạt 112 triệu đồng. Dự kiến năm thứ 2 sachi cho năng suất lá 8 tạ/ha; quả 3,2 tấn/ha, đem lại nguồn thu nhập khoảng 160 triệu đồng.
"Mới trồng được một năm nhưng sachi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với lúa, ngô. Cây cho thu hoạch quanh năm, đầu ra có doanh nghiệp bao tiêu nên bà con rất phấn khởi và mong muốn mở rộng diện tích trồng. Hiện xóm đang trồng mới thêm 2ha. Tuy nhiên, giá cây giống khá cao (20 nghìn đồng/cây) nên chúng tôi rất mong muốn được cấp trên quan tâm, hỗ trợ để chuyển đổi cây trồng", bà Hạnh chia sẻ thêm.
Năm 2018 xã Địch Giáo phấn đấu trồng mới trên 10ha sachi, các xóm tự đánh giá và chủ động nhân rộng mô hình từ 1 - 2ha/xóm. Tuy nhiên để mở rộng diện tích, cần phải tìm hiểu kỹ về giống cây này, về nhu cầu sản xuất, chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp để tránh rủi ro.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng lượng bèo lục bình trên sông Bàn Thạch, nhiều nông dân ở phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) đã sử dụng làm phân vi sinh, vừa bảo vệ môi trường vừa phát triển
Với chi phí đầu tư thấp, thời gian chăn nuôi ngắn, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm sạch và giúp anh thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ.
Liên kết các tổ hợp tác, HTX để có sản lượng trái cây với số lượng lớn, an toàn và SX theo cùng quy trình, hướng đến thị trường xuất khẩu.