Trồng rau thủy canh – Mô hình mới ở huyện Châu Thành
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành đang triển khai thí điểm mô hình trồng rau thủy canh, nhằm tiếp tục đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn.
Kiểm tra độ phát triển bộ rễ của rau trồng theo mô hình thủy canh.
Đặc điểm của trồng rau thủy canh là cung cấp nguồn nước có chứa chất dinh dưỡng xuyên suốt cho bộ rễ của rau thông qua ống dẫn nước. Với cách trồng này, hạt giống được ươm khoảng 1 tuần trong mút xốp, sau đó cây con được đặt vào cốc và để vào hệ thống giá đỡ gồm các ống nhựa trồng cây chuyên dụng được kết nối với nhau, đảm bảo cho dung dịch dinh dưỡng khi bơm vào sẽ chạy dọc suốt chiều dài của hệ thống ống để nuôi cây, trước khi hồi lưu về thùng chứa thành vòng tuần hoàn khép kín.
Với mô hình này, bộ rễ cây sẽ hút dinh dưỡng trực tiếp từ nước thay vì từ đất như cách trồng thông thường. Nước cung cấp cho rau được hòa với các dưỡng chất phù hợp, trong đó không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Ông Nguyễn Văn Hận, Phó Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết: “Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới rất an toàn vì cây không tiếp xúc với đất, không nhiễm vi sinh, người trồng kiểm soát được những chất dinh dưỡng giúp cây phát triển tốt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm rất an toàn”.
Nông dân chia sẻ cái lợi của mô hình trồng rau thủy canh.
Do được kiểm soát về chế độ dinh dưỡng nên thời gian trồng rau thủy canh so với trồng rau thông thường dài hơn khoảng 1 tuần. Ông Nguyễn Văn Hận, cho biết thêm: “Trồng rau trong dung dịch thủy canh, chất dinh dưỡng cho cây được pha cân đối giữa các chất, nên cây rau hấp thu từ từ. Do trồng trong nhà lưới ít ánh sáng nên lượng quang hợp ánh sáng của cây rau cũng ít hơn, cây chậm phát triển hơn”.
Mô hình đang được thực hiện tại khu hành chính huyện trên diện tích 70m2, với các loại xà lách, cải ngọt, rau muống và sản phẩm được cung cấp cho quầy nông sản sạch của huyện. Mô hình này có thể triển khai cho nông hộ vì thực hiện cho những diện tích nhỏ quanh nhà, với cách làm này, bà con có thể tự trồng rau để tạo nguồn sản phẩm an toàn cung cấp cho bữa ăn gia đình./.
Có thể bạn quan tâm
Bước đầu, quyết định này của Nam đã bị gia đình phản đối khá quyết liệt vì cho rằng gia đình cho Nam ăn học là mong có tấm bằng và tìm được công việc ổn định
Sau thời gian mưa lũ kéo dài, dịp này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nhân dân huyện Đô Lương gieo trồng cây hành tăm.
Khi hỏi người trồng gấc thì ai cũng biết đó là ông Mười Hai - tên thường gọi của ông Đức ở địa phương.