Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trồng rau sạch trái vụ tại Tuyên Quang

Trồng rau sạch trái vụ tại Tuyên Quang
Tác giả: Đào Thanh - Đồng Thưởng
Ngày đăng: 27/11/2020

Mô hình trồng rau trái vụ theo chuẩn VietGAP tại xã Khâu Tinh giúp người nông dân nơi đây có thu nhập 7,8 triệu/sào, hướng tới sản xuất sạch cho giá trị cao.

Trồng bắp cải trái vụ giúp người nông dân ở Khâu Tinh thu lãi hơn 7 triệu đồng/sào. Ảnh: HĐ.

Do nằm trên độ cao gần 1.000m so vớ mực nước biển nên xã Khâu Tinh, huyện Na Hang (Tuyên Quang) có điều kiện thời tiết khí hậu quanh năm mát mẻ, lượng mưa tương đối ổn định là điều kiện thuận lợi cho cây trồng ưa lạnh sinh trưởng phát triển tốt.

Nhằm khai thác lợi thế này đồng thời mong muốn người dân có nguồn sinh kế ổn định nâng cao đời sống, tháng 2/2020, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang và UBND xã Khâu Tinh triển khai mô hình trồng rau bắp cải trái vụ tại thôn Khâu Tinh.

Tham gia mô hình có 10 hộ dân với quy mô 2 ha. Nguồn giống được lựa chọn sử dụng là giống bắp cải (F1Tropical Queen) hạt được nhập  khẩu từ Nhật Bản, là giống lai F1 thế hệ mới, ngắn ngày, chịu nhiệt tốt thời vụ trồng quanh năm. Thời gian sinh trưởng kể từ khi gieo hạt cho đến khi thu hoạch 90 ngày. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các hộ thực hiện trồng chăm sóc rau theo đúng quy trình kỹ thuật.

Tham gia các lớp tập huấn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình anh La Văn Phương, xã Khâu Tinh đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1.000m2 đất trồng ngô sang trồng bắp cải trái vụ. Quá trình thực hiện cho thấy cây rau phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển tốt, năng suất cao, gia đình anh có nguồn thu nhập ổn định hơn. 

Anh Phương cho biết, do khá phù hợp với đồng đất và điều kiện thời tiết nên cây bắp cải phát triển tốt, cuốn bắp nhanh, chặt, mẫu mã đẹp, năng suất cao, tính trên 1 sào cho thấy hiệu quả kinh tế của cây bắp cải trồng trái vụ cao hơn nhiều so với trồng cây ngô. Hiện nay, cây bắp cải trồng trái vụ có giá trên thị trường từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Với diện tích hiện có, vụ vừa qua, gia đình anh thu lãi trên 20 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm sẽ được thu hoạch thêm 1 vụ nữa. Như vậy từ trồng rau sạch, trừ các khoản chi phí, gia đình sẽ thu lãi khoảng 40 triệu đồng, hơn hẳn so với trồng ngô và các cây rau màu khác.

Do sản xuất theo chuẩn VietGAP nên rau ở Khâu Tinh được doanh nghiệp tiêu thụ kịp thời. 

Qua tổng kết đánh giá mô hình của Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho thấy, mô hình trồng bắp cải trái vụ theo chuẩn VietGAP ở Khâu Tinh phát triển khá tốt. 1 sào rau mô hình được thâm canh theo quy trình kỹ thuật cho thu lãi 7,83 triệu đồng. Trong khi đó trồng 1 sào rau bình thường (không thực hiện thâm canh, không liên kết) cho thu lãi 3,42 triệu đồng.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cho  biết, đối với rau trồng trong mô hình cùng với năng suất cao thì giá bán cũng cao hơn giá rau người dân tự trồng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng trên 1 kg. Bởi rau mô hình được sản xuất theo quy trình kỹ thuật, từ khâu gieo giống, trồng, bón phân chăm sóc và phòng trừ sâu hại; sản phẩm được ghi chép sổ sách theo dõi nguồn gốc và được công nhận rau VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc nên người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, thời gian triển khai thực hiện mô hình đã kết thúc, nhưng Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang vẫn tiếp tục phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang và UBND xã Khâu Tinh khuyến khích người dân duy trì và mở rộng mô hình.

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang cũng đã phối hợp với Công ty TNHH Vật tư nông sản Trần Vũ tổ chức thu mua được trên 12 tấn rau cho các hộ trồng rau ngoài mô hình thuộc xã Khâu Tinh và xã Hồng Thái huyện Na Hang, với giá 8.000 đồng/kg, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm rau được ổn định, nâng cao hiệu quả kinh tế tăng thu nhập.

Trong quá trình sản xuất rau, Công ty luôn đồng hành cùng Trung tâm Khuyến nông giám sát mô hình từ khâu giống, gieo trồng, quy trình chăm sóc nhằm đảm bảo rau đạt tiêu chuẩn VietGAP bước đầu đem lại niềm tin cho người sản xuất và cho người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Giáo sư Đại học Kyoto gợi ý giải pháp cải thiện sức khỏe đất Giáo sư Đại học Kyoto gợi ý giải pháp cải thiện sức khỏe đất

Để cải thiện sức khỏe đất và quản lý dịch hại từ đất, canh tác hữu cơ tạo môi trường lợi khuẩn là một giải pháp quan trọng, đang được áp dụng ở nhiều nơi.

24/11/2020
Mô hình CSA nâng cao nhận thức của nông dân Mô hình CSA nâng cao nhận thức của nông dân

Hiệu quả của mô hình nông nghiệp thông minh đã thấy rõ.Tuy vậy, các địa phương cần tiếp tục truyên truyền, vận động người dân để áp dụng ngày càng nhiều

24/11/2020
Lưu ý trong chuyển đổi cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long Lưu ý trong chuyển đổi cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh. Một số nông dân thường nghĩ đất có thể trồng bất cứ cây gì, đấy là hiểu sai.

27/11/2020