Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh hồi lưu

Trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh hồi lưu
Tác giả: Phúc Lập - Trang Hương
Ngày đăng: 01/08/2016

Đó là mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh hồi lưu ở xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, Bình Phước.

Đến vườn rau của gia đình anh Hoàng Phú Hồi, ấn tượng của chúng tôi khi tận mắt chứng kiến phương thức trồng rau thủy canh ăn lá là sự bài bản và chuyên nghiệp. Vườn rau của gia đình anh Hội rộng gần 7.000m2, được chia thành từng tầng, giống ruộng bậc thang, các tầng rau cách mặt đất khoảng 1 - 1,5m thay thế luống đất trồng, để thuận tiện cho chăm sóc và thu hoạch.

Hiện vườn rau nhà anh Hồi có tầng rau đang chờ cắt, có tầng mới xuống cây, ươm mầm. Để bắt đầu thực hiện mô hình trồng rau thủy canh đối với gia đình anh Hội là cả một quá trình dài, từ ý tưởng, đến việc đầu tư kinh phí.

Anh Hồi cho biết: “Năm 2003 đi xuất khẩu lao động, tôi đã có thời gian làm việc, học tập thực tiễn thật quý giá tại công ty rau sạch với vai trò là chăm sóc và thu hoạch sản phẩm.

Tại đây, tôi được tiếp cận với phương thức trồng rau chuyên nghiệp và tiên tiến. Khi được các công ty chuyên sản xuất rau sạch ở Malaysia và New Zealand đặt vấn đề làm việc lâu dài và hỗ trợ thủ tục định cư ở nước ngoài để tiếp tục sản xuất rau sạch, nhưng tôi không đồng ý mà dành dụm tiền gửi về Việt Nam nhờ người thân mua đất tại Bình Phước.

Với tôi, lúc nào cũng hướng về quê hương và ước mơ trồng được rau sạch luôn ấp ủ, tôi chưa bao giờ thôi nghĩ đến việc, một ngày nào đó, mô hình rau sạch này sẽ được đến gần với người dân Việt Nam”.

Năm 2013, anh Hồi và gia đình về thôn Bình Điền, xã Bình Sơn sinh sống. Từ miền đất hứa này, anh bắt đầu thực hiên ước mơ mang kiến thức đã học từ ngành nông nghiệp của các nước tiên tiến về phục vụ đất nước. Cũng từ đây, anh Hồi bắt đầu chinh phục ước mơ trồng rau thủy canh với diện tích ban đầu hơn 3.000m2. Sau khi thực hiện thành công và tìm được đầu ra cho sản phẩm, anh chị mở rộng diện tích lên 7.000m2 với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng.

Trồng rau bằng mô hình thủy canh hồi lưu có rất nhiều ưu điểm. Anh Hoàng Văn Thịnh (25 tuổi), người quản lí và trực tiếp chăm sóc cho biết: “Sau 2 tuần, khi đặt hạt vào vỉ xốp, cây được đưa ra cấy trên luống. Bộ rễ phát triển dính chặt vào giá đỡ xơ dừa được xay nhuyễn trong vòng 20 ngày, cứ vậy mà hút dinh dưỡng trực tiếp”.

Theo anh Thịnh, phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Đồng thời, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian thu hoạch nhanh (giảm 10 - 15 ngày so với trồng bình thường). Sau 5 tuần xuống giống, rau cho thu hoạch mà không phải phun bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Đặc biệt, rau trồng trong nhà kính, thêm hệ thống lưới phủ bên trên nên không bị các loại côn trùng gây hại vào phá.

Một ưu điểm khác hẳn với cách trồng truyền thống là khi thu hoạch rất dễ bởi cây có rễ sạch, không dính chất bẩn hay đất, chỉ việc rút cây khỏi hộp nhựa, cắt gốc, sau đó mang bán.

Về hiệu quả kinh tế, rau ăn lá canh tác theo phương pháp thủy canh hồi lưu đạt năng suất bình quân khá cao. Vượt qua những khó khăn về sự khác biệt thời tiết, vốn đầu tư cao, đầu ra cho sản phẩm, hiện gia đình anh Hồi đã sản xuất thành công 9 loại rau ăn lá cao cấp được nhập hạt giống từ Hà Lan (1.000 đồng/hạt), như: Romaine, Lollo Rossa, Green head, Red Batavia, Big Batavia, Green Coral, Green Oakleaf.

Hiện gia đình anh Hồi đang xuất bán 2 ngày một lần nhưng 7 công nhân phụ trách sản xuất, thu hoạch cũng phải làm việc liên tục. Anh Hồi chia sẻ: Thời gian đầu tìm chỗ đứng cho sản phẩm rau sạch gặp nhiều khó khăn, nhưng hiện gia đình đã ký hợp đồng cung cấp rau sạch cho 7 công ty có hệ thống siêu thị lớn, bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh với giá bình quân 7.500 đồng/cây (tùy loại), nếu đóng bao bì cao cấp thì giá 9.000 đồng/cây, siêu thị bán ra với giá gấp đôi. Người địa phương đến mua lẻ để có được rau sạch, bán với giá 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, năm 2015 gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Thời gian đầu, vợ chồng anh Hồi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong tỉnh bằng cách đưa ra chợ bán và cung cấp cho Siêu thị Co.op Mart Đồng Xoài. Nhưng do sản phẩm mới, người dân lại chưa hiểu rõ về giá trị của rau thủy canh, trong khi giá cao nên sức mua ít, anh chị phải tìm thị trường mới. Hiện sản phẩm đã có đầu ra ổn định.

Tại hội chợ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành nông nghiệp Việt Nam, tổ chức tại Đồng Xoài vào tháng 11.2015, những sản phẩm rau sạch của cơ sở được người tiêu dùng quan tâm, mỗi ngày gia đình anh Hồi trưng bày 100 cân rau và đều bán hết trong thời gian ngắn. Sắp tới, nếu thị trường trong tỉnh có nhu cầu và sức tiêu thụ mạnh, cơ sở sẵn sàng phục vụ với mong muốn người dân được tiếp cận với rau sạch.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi ấp chim cu, nghề công phu nhưng thu rất khá Nuôi ấp chim cu, nghề công phu nhưng thu rất khá

Cu gáy là loại chim ưa thích của dân chơi chim, trong khi số lượng chim cu trong tự nhiên ngày càng hiếm, vì thế ông Nguyễn Quang Trung (thôn Hồng Thượng, Nam Trực, Nam Định) đã tự mày mò và nuôi ấp thành công chim cu gáy, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.

01/08/2016
Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây tăng giữ nước, giảm trồng lúa... Kỳ tích khai phá rốn phèn miền Tây tăng giữ nước, giảm trồng lúa...

Khi biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn trở nên gay gắt chưa từng có, theo các nhà khoa học, chuyên gia thì Tứ giác Long Xuyên (TGLX) cần phát huy vai trò quan trọng không thể thay thế là “túi nước” (hồ chứa nước) của vùng ĐBSCL.

01/08/2016
Bỏ nuôi bò sang gà Đông Tảo, kiếm hàng trăm triệu đồng/năm Bỏ nuôi bò sang gà Đông Tảo, kiếm hàng trăm triệu đồng/năm

Bỏ nuôi bò, ông Nguyễn Văn Thi ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa (Phú Yên) chuyển sang nuôi gà Đông Tảo. Nhờ học hỏi những mô hình đi trước, ông đã nuôi gà thành công, kiếm hàng trăm triệu đồng/năm.

01/08/2016