Trồng nghệ vàng theo quy chuẩn VietGAP
Nông dân huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã cải tạo đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng cây nghệ vàng mang lại doanh thu cao.
Nghệ thu hoạch tại vườn ở xã Chí Tân.
Nằm ven sông Hồng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có có 8.779 ha, trong đó đất canh tác là 7.280,9 ha chiếm 82,94% đất nông nghiệp, đất phù sa màu mỡ và thời tiết thuận lợi rất thích hợp để cây nghệ phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Khoái Châu: "Trồng nghệ công chi phí thấp, dễ chăm sóc, thu lãi ổn định, mỗi ha đạt sản lượng 30 tấn, cho lãi 150 triệu đồng; cùng với thu nhập từ trồng xen canh lạc, đỗ sẽ cho tổng mức lãi khoảng hơn 200 triệu đồng, hiệu quả gấp 4 lần cấy lúa. Chính vì vậy, từ năm 2016 trở lại đây nhiều hộ chuyển sang trồng nghệ, đặc biệt xã Chí Tân 90% số hộ đều chuyển sang trồng nghệ".
Cô Vũ Thị Xuân, một hộ trồng nghệ ở Chí Tân, huyện Khoái Châu cho biết: "Vài năm trước gia đình đã đầu tư hơn 20 triệu đồng mua đất phù sa cải tạo hơn 1.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ. Diện tích này cho năng suất gần 4,5 tấn nghệ vàng. Nếu tính giá bán bình quân từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về trên 60 triệu đồng".
Để hỗ trợ người dân, các cấp, các ngành chức năng đã tạo điều kiện cho bà con tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nghệ; áp dụng quy trình trồng VietGAP; vay vốn ưu đãi sản xuất và tạo cơ chế để bà con cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng nghệ.
Nông dân cải tạo diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để trồng nghệ vàng.
Ngoài ra, ngày 29/3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ban hành Quyết định số 20443/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Nghệ Chí Tân cho sản phẩm nghệ của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người trồng nghệ lâu dài.
Cũng nhằm hỗ trợ nông dân, ông Hoàng Văn Tựu, Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các cơ sở kinh doanh, chế biến, đồng thời tìm đầu ra cho cây nghệ, xây dựng và quảng bá thương hiệu Nghệ Khoái Châu đến khắp các thị trường trong và ngoài nước, tổ chức các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn VietGap nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo uy tín với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Khoái Châu hiện đã có hơn 20 cơ sở thu mua, sản xuất, sơ chế, bảo quản, kinh doanh nghệ, trong đó có nhiều cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở này quy mô còn nhỏ, cơ sở vật chất còn hạn chế, rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, để nâng tầm chất lượng và giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi lươn không bùn được anh Hồ Văn Nông và khoảng 40 nông dân ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) áp dụng từ 3 năm nay rất thành công
ông Phạm Minh Đức ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định luôn trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế làm giàu ngay trên quê hương mình.
Nuôi rắn đẻ cũng giống như nuôi rắn thịt. Rắn sau 1 năm nuôi bắt đầu đẻ, được đem ra bồn riêng nuôi. Bình quân một năm rắn đẻ một lần