Trồng mướp rắn trên đảo Lý Sơn
Trên những cánh đồng cát ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), xưa nay vẫn chỉ trồng độc nhất 2 loại nông sản là hành và tỏi. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc trồng hành, tỏi đang khiến túi nước và nguồn cát nhiễm mặn ở đảo dần cạn kiệt. Một người dân đã tìm về đất liền mang giống mướp rắn (hay còn gọi là mướp rồng, mướp Nhật Bản) về đảo trồng xen canh với hành, tỏi, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.
Ông Thống đưa mướp rắn vào đảo Lý Sơn
Người dân đó là ông Nguyễn Văn Thống (65 tuổi, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn). Hai năm trước, ông Thống vào đất liền tìm giống mới để mong có thể giúp bà con chuyển đổi giống cây trồng. Ban đầu, ông mang về các giống cây, như: nho, phật thủ, hoa ly…, nhưng đến mướp rắn thì đã cho hiệu quả rất bất ngờ.
Mỗi vụ, ông Thống gieo 50 hạt giống mướp rắn, trồng xen canh quanh ruộng hành, tỏi. Chỉ sau 50 ngày gieo hạt cây cho trái rất dài, có trái dài hơn 1m. Ông Thống nói: “Mướp rắn trồng trên đảo cho trái nặng từ 2-3kg. Mỗi hạt mướp rắn lên cây, cho ra khoảng 30 - 40kg trái. Giá bán cho người dân và đặc biệt là các nhà hàng từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trồng mướp rắn vừa tiết kiệm đất cát, nước vừa cho hiệu quả gấp đôi hành, tỏi. Loại này nhà hàng rất ưa chuộng, dùng để trộn gỏi hoặc ăn sống rất thơm, giòn và ngon...”.
Nếu như lời ông Thống, cả vựa mướp rắn 50 hạt giống của ông cho ra khoảng 1,8 tấn, bán với giá 20.000 đồng/kg, thu về 30 - 35 triệu đồng/vụ (50 ngày).
Lão nông này chia sẻ thêm: “Tôi còn nhờ con cháu lên mạng xã hội tìm các giống cây độc lạ khác về đảo để trồng. Qua mạng xã hội, tôi thấy có nhiều giống cây khác có thể sinh trưởng tốt trên đất cát ở đảo. Trồng những giống cây này vừa tiết kiệm đất, vừa đỡ công chăm sóc, tiêu tốn ít nước và đặc biệt, mỗi vụ không phải mua cát hút dưới biển lên trải thảm, trồng như hành tỏi, rất cực và tốn kém, giá lại bấp bênh”.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện trên đảo có trên 300ha đất nông nghiệp, người dân sử dụng để trồng hành, tỏi. Việc trồng hành, tỏi ở đảo này đang gặp nhiều vướng mắc… Ngoài ra còn phải gánh chịu nhiều rủi ro về giá cả, thị trường. Tới đây, địa phương sẽ cố gắng bằng nhiều cách để giảm diện tích trồng hành, tỏi xuống còn 200ha. Việc người dân tự chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng là cách làm rất cần được nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Các địa phương khu vực Đông và Tây Nam bộ cần tập trung cao độ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi khi khu vực này đang bắt đầu vào mùa mưa…
Tổ chức chuyến tham quan các mô hình sản xuất rau ăn lá theo quy trình VietGAP tại các tỉnh miền Tây (Long An, Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ).
Phương pháp làm lúa sinh học được áp dụng nhất quán trong từng khâu canh tác, cũng như chăm sóc ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.