Trồng mè trên nền đất lúa
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa, nhiều năm qua, nông dân huyện Châu Thành đã mạnh dạn thực hiện mô hình trồng luân canh cây màu trên nền đất lúa, theo mô hình 2 lúa – 1 màu. Thực tế cho thấy, cây mè rất phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng tại địa phương. Năng suất khá ổn định, có triển vọng hơn so với các loại cây trồng khác.
Trong vụ Xuân Hè 2017, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã thực hiện mô hình trình diễn giống mè đen Đài Loan tại hộ ông Huỳnh Văn Nguyên, thị trấn An Châu, huyện Châu Thành. Theo ông Nguyên, ước tính năng suất mè có thể đạt 120kg/công. Với tổng chi phí đầu tư cả vụ là 1.775.000 đồng/công. Nếu bán với giá giá 30.000 đồng/kg như hiện nay thì một công mè mang lại lợi nhuận 1.825.000 đồng.
Sau hơn 2 tháng thực hiện mô hình, ông Nguyên chia sẽ về quá trình thực hiện mô hình trình diễn như sau: “Cây mè là cây dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng ít nước tưới, ít sâu bệnh, công chăm sóc và chi phí đầu tư cho cây mè cũng ít hơn so với các loại cây trồng khác. Hơn nữa, giá mè trên thị trường khá ổn định, thương lái đến mua tận ruộng nên rất thuật lợi cho nông dân. Đặc biệt, lựa chọn cây mè để gieo trồng trong vụ Xuân Hè là hoàn toàn thích hợp, vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, vừa nâng cao thu nhập. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác nên mô hình trình diễn đạt hiểu quả cao và cũng được rất nhiều sự đồng tình của người dân xung quanh.
Trước đây, cây mè chỉ được trồng xung quanh nhà hay tận dụng bờ kênh để trồng. Bà con nông dân ở đây chủ yếu trồng giống mè đen. Chưa có nông dân nào dám trồng mè với số lượng lớn vì đầu ra không có. Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ trồng màu cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Kỹ sư Phan Thị Cẩm Thúy - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành cho biết, chủ trương và chính sách của huyện rất ủng hộ và khuyến khích bà con nông dân áp dụng mô hình trồng mè trên nền đất lúa vì cắt được mầm bệnh lưu tồn trong đất, tăng độ phì, tăng vòng quay của đất.
Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân. Ngoài ra, nông dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm trồng cây mè, một trong các đối tượng cây trồng ngắn ngày.
Có thể bạn quan tâm
Xưa, cà na là loại cây hoang dại, ít ai trồng vì trái cà na có giá trị kinh tế không cao. Nay, loại trái cây này trở thành mặt hàng được nơi phố thị ưa chuộng
Việc chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang trồng luân canh lúa - sen mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Bởi vì sen là loài cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khi ứng dụng, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, chọn sản phẩm đáp ứng thị trường, thu hoạch hiệu quả mới cao, lợi nhuận gấp 2 – 3 lần so với lúa.