Trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn cực ngặt nghèo tại Ninh Thuận
Hai năm trở lại đây, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng dần được mở rộng về diện tích tại Ninh Thuận.
Trang trại chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt Isreal, cùng với các loại phân hữu cơ chuyên dụng, các chất dinh dưỡng đều được định lượng chính xác, hòa tan trong nước và theo đường nước đến tận gốc cây.
Nhiều nông dân và doanh nghiệp có điều kiện đã đầu tư nhà màng để trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao.
Công ty Cổ phần Nắng và Gió Ninh Thuận tọa lạc tai thôn Phú Nhuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn có một nông trại chuyên trồng và cung cấp các cây trái đặc sản của Ninh Thuận như: nho, táo, nha đam, dưa lưới đầu tiên tại tỉnh đạt chuẩn Quốc tế.
Với tổng diện tích 50 ha đất đồi, được công ty hợp đồng với nông dân từ năm 2016, mục đích ban đầu mở rộng vùng nguyên liệu nha đam cho Công ty Cánh Đồng Việt Ninh Thuận.
Đến năm 2018, công ty bắt đầu xây dựng hệ thống GlobalGAP trên các cây trồng đặc thù Ninh Thuận là nha đam, nho, táo. Đến cuối năm 2019, xây dựng những nhà màng trồng dưa lưới đầu tiên. Đến nay, đã xây dựng 38 nhà màng trồng dưa lưới và đang tiếp tục mở rộng thêm 5.000 m2 trong thời gian tới
Trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với những quy định khắt khe, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch, các công đoạn được ghi chép sổ sách theo từng ngày, từng công việc cụ thể. Sản phẩm dưa lưới được cấp mã QR và đã được các tổ chức chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.
Công nhân đang chăm sóc dưa lưới giống TL3 tại Công ty Cổ phần Nắng và Gió Ninh Thuận.
Hiện nay, người tiêu dùng coi vấn đề an toàn thực phẩm là thước đo quan trọng nhất của sản phẩm cây ăn quả. Đặc biệt, đối với người tiêu dùng quốc tế, chất lượng sản phẩm càng đòi hỏi cao hơn. Chính vì vậy, để có đầu ra ổn định thì người sản xuất phải tạo ra các sản phẩm đặc biệt các tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Đó là cách để tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định.
Anh Hoàng Xuân Hậu, Giám đốc điều hành công ty cho biết: “Mục tiêu chính của trang trại là xuất khẩu sang các nước Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…Để được công nhận GlobalGAP công ty đã vượt qua 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ đúng 100%, 127 tiêu chuẩn có thể tuân thủ đến mức 95% và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện”.
Hiện công ty áp dụng 2 cách trồng: Trồng trong bọc nilong 30x35cm và trồng trực tiếp trên luống (kích thước luống trồng 2 hàng đôi: luống rộng 1m, cao 30cm, khoảng cách giữa 2 hàng chiều dài tùy theo chiều dài của vườn. Trồng hàng đôi, cây cách cây 38-40cm; khoảng cách giữa 2 hàng trên một luống là 40cm, khoảng giữa tim luống này đến tim luống kia là 1,8m.
Khi dưa bắt đầu cho trái, mỗi gốc dưa lưới chỉ để lại 1 trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi trái tròn đẹp đạt loại nhất. Về hiệu quả kinh tế, dưa lưới trồng ngắn khoảng 70 ngày có thể cho thu hoạch, với 1 nhà màng 1.000m2 sau khi trừ chi phí, có thể thu lãi từ 30-35 triệu đồng/vụ.
Có thể bạn quan tâm
Lúa khỏe được hiểu là cây có sức sinh trưởng tốt ở các giai đoạn, không bị dịch hại tấn công, có sức chống chịu trước áp lực của thời tiết khí hậu.
Nhờ chuyển đổi gần 1 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hoa hồng, chị Trương Thị Hoa (Hà Giang) có thu nhập khá.
Việc lựa chọn giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện tự nhiên, phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương là vô cùng quan trọng.