Trồng Dưa Chuột Bao Tử
Dưa chuột bao tử dùng để dầm dấm hoặc muối mặn để xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Để việc trồng dưa bao tử đạt năng suất cao, bà con chú ý một số điểm sau :
* Giống: Thường các giống dưa để trồng dưa bao tử là các giống dưa F1 của Nhật, Mỹ, Thái Lan, Hà Lan (Ninja 179, Marinda, Happy 02, Mummy 331 ...) có đặc điểm sinh trưởng khỏe, năng suất cao, nhiều hoa cái (khoảng hơn 95% số hoa), qủa lớn nhanh, mỗi chùm 2 - 3 quả. 1 sào Bắc Bộ (360m2) giao hết 30 – 35 gam hạt.
* Thời gian trồng: có thể gieo từ 15/9 đến 10/10. Nhưng tốt nhất là từ 15/9 đến 25/9. Nếu trồng cây dưa trên đất 2 vụ lúa sẽ cho năng suất cao và ổn định hơn.
* Cách trồng:
+ Chọn đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ ; nơi chủ động tưới tiêu. Phải làm kỹ.
+ Bên luống rộng khoảng 1,1m – 1,2m cao khoảng 30cm. Hạt gieo thành 2 hàng trên luống cách nhau 60cm, gốc nọ cách gốc kia 40cm. Các gốc trên 2 hàng nên bố trí so le nhau để tận dụng tốt ánh sáng mặt trời.
* Phân bón: Một sào Bắc Bộ (360m2) cần phân chuồng ủ mục 7 – 8 tạ, đạm Urê 5 – 6kg, Kali Sunfat 7 – 8kg, Lân 12 – 15kg. Nếu đất chua thêm 20 – 25kg vôi bột.
Cách làm: vôi bột rắc đều trước khi cày bừa. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân, 50% đạm và Kali, bón ở giữa 2 gốc cách hạt dưa từ 10 đến 15 cm; gieo xong phủ một lớp rơm rạ băm nhỏ hoặc trấu lên bề mặt luống.
* Chăm sóc:
- Khi cây có 4 – 5 lá, lúc dưa mọc tua cuốn thì xới vun kết hợp bón thúc. 25% đạm và kali. Bón thúc cách gốc khoảng 25cm.
- Cắm giàn cho dưa leo, mỗi gốc cần từ 1 – 2 cây cắm xéo (hình chữ x, còn gọi là chéo cánh sẻ). Khi cắm giàn cần phải cột chắc, sau đó dùng dây mềm cột ngọn dưa đưa lên giàn - cứ 3 – 5 ngày cột một lần cho đến khi cây ngừng sinh trưởng (khi đã thu 3 – 4 lức quả). Khi dưa được 10 – 12 lá bón lót hết lượng phân đạm, kali còn lại. Tỉa bỏ lá già, lá bệnh, làm sạch cỏ dại để gốc dưa luôn luôn thoáng. Hàng ngày, dùng nước sạch để tưới. Sau mỗi đợt hái qủa nên tưới cho dưa bằng nước phân chuồng đã ủ hoại mục.
- Dùng các loại thuốc nam như hạt củ đậu, lá thuốc lào, thuốc lá hoặc vi sinh như BT, Delfin, Dipen để trừ sâu xanh, sâu khoang cắn lá, sâu đục qủa. Dùng thuốc Actara để trừ các loại rầy rệp. Trừ nhện đỏ, nhện trắng bằng Daniton, Pegasus, Dany. Nếu dưa bị lở cổ rễ, phấn trắng, chạy dây, héo xanh thì dùng Tilt, Tilt – Super, Canvin. Chú ý xem kỹ cách sử dụng từng loại thuốc đã ghi trên bao bì gói thuốc.
* Thu hoạch:
Thường thì hái vào lúc quả dài 3 – 4cm, đường kính 2 – 2,5cm, khoảng 2 ngày 2 một lần. Nên chế biến ngay trong ngày để dưa tươi ngon.
Có thể bạn quan tâm
Thường tập trung gây hại nặng trên cây dưa ở giai đoạn cây con đến khi cây ra hoa kết trái non. Bọ trĩ tập trung gây hại các bộ phận non của cây, gây hại ở bộ phận gần gân lá, mặt dưới lá làm cho lá xoăn có mầu vàng.
Dưa chuột thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp với sinh trưởng của dưa chuột là 30 độ C về ban ngày và 18-21 độ C về ban đêm. Ánh sáng nhiều làm quả lớn nhanh, mập, chất lượng quả tốt. Trong điều kiện ngày ngắn, dưa chuột thường có nhiều lá và sai quả.
Mấy năm gần đây, vấn đề liên quan đến quả dưa chuột bị đắng đang ngày càng trở nên bức thiết, đã kìm hãm sự phát triển ngành trồng dưa. Trong quá trình sản xuất, phát sinh tập trung vào gốc dưa thời kỳ ra hoa và thân cây thời kỳ kết quả. Vị đắng của quả dưa chuột phát sinh ở gần vùng cuống quả, còn phần đỉnh quả rất ít xuất hiện triệu chứng này.
Hiện nay, trên một số vùng trồng dưa chuột bao tử phổ biến ở miền Bắc nước ta điển hình như huyện Kim Bảng và huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bệnh sương mai giả đang xuất hiện phá hại khá nghiêm trọng. Đây là một bệnh truyền nhiễm do nấm gây ra trên cây dưa chuột.
Nguyên nhân phát sinh là do bón quá nhiều phân đạm khiến thân cây mọc dài quá, vị trí quả mọc không được gọn gàng, các quả ra ở phần nhánh cây hoặc phần thân cây yếu thì dễ bị đắng.