Trồng Đậu Cô Ve Leo
Trong những năm gần đây, việc xuất khẩu đậu cô ve leo dưới dạng hàng tươi và hàng lạnh đông cho các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông…đã được mở rộng và đưa lại giá trị kinh tế khá cao cho cả người trồng lẫn các đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu. Đậu cô ve leo dễ trồng, nhanh cho thu hoạch (vụ xuân hè chỉ 50-55 ngày, vụ thu đông 55-60 ngày).
- Giống: Cô ve leo có 2 giống là đậu bở và đậu trạch, trong đó đậu trạch thường được trồng để ăn quả xanh. Mới đây Viện Nghiên cứu Rau quả TW mới chọn lọc được giống đậu cô ve leo TL1 có nguồn gốc từ Trung Quốc cho năng suất ổn định trong các vụ và các năm, chất lượng tốt. Giống đậu cô ve leo TL1 sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khí hậu Việt Nam, khả năng thích ứng rộng, trồng được 3 vụ/năm: Cho năng suất cao ổn định qua các năm; vụ đông-xuân (ĐX) (chính vụ) đạt 27-30 tấn/ha, vụ thu-đông (TĐ) đạt 16-18 tấn/ha, đặc biệt là vụ xuân-hè (XH) đạt 18-22 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với giống trạch lai và nhiều giống địa phương khác. Giống TL1 có nhiều ưu điểm hơn hẳn các giống cô ve leo hiện đang trồng phổ biến ở nước ta: Quả ít xơ, lâu hoá già, chậm lứa hái 1-2 ngày chất lượng quả vẫn tốt.
- Thời vụ: Các tỉnh miền Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra): Vụ XH gieo từ 20/1 đến 15/2; vụ TĐ gieo từ 20/8 đến 10/9; vụ ĐX gieo từ 15/10 đến 15/11.
- Chọn và làm đất: Có thể trồng được trên nhiều loại đất, nhưng ở các loại đất giữ ẩm tốt cho năng suất cao và bền cây. Độ pH thích hợp 6-6,5, nếu đất chua dưới 5 cần phải bón thêm vôi khi làm đất. Đất được cày bừa kỹ, lên luống cao 25-30cm, rãnh luống rộng 30cm, mặt luống rộng 70cm, trên mặt luống trồng 2 hàng với mật độ, khoảng cách hợp lý là vụ TĐ: 60 cm x 15 cm; vụ ĐX và XH: 60 cm x 20 cm hoặc 60 cm x 30 cm x 2 cây. Mỗi hốc gieo 3 hạt để khi mọc thì nhổ tỉa chỉ giữ lại 2 cây mọc khoẻ.
- Bón phân, phủ bạt nilon và gieo hạt: Lượng phân bón thích hợp cho 1ha là 20 tấn phân chuồng + 100 kg N + 80 kg P2O5 + 100 kg K2O. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân trước khi gieo hạt bằng cách trộn đều rồi bỏ vào các hốc cuốc sẵn, lấp một lớp đất mỏng rồi phủ bạt nilon loại có 2 mặt đen và xám bạc. Dùng cuốc vét đất dưới rãnh chèn 2 mép nilon cho khỏi bị gió bay và dùng ống bơ có cắt thành hình răng cưa đục lỗ rồi mới gieo hạt nhằm tránh cho cây mới mọc bị chết do xót rễ. Gieo xong phủ đất bột dày 2cm với vụ hè 1cm với vụ Xuân. Chú ý: Nếu đất khô thì tưới cho đất ẩm rồi mới gieo hạt thì hạt sẽ mọc đều và mọc nhanh.
- Chăm sóc: Khi đậu đã mọc đều, kiểm tra để dặm lại những cây mất khoảng nhằm đảm bảo mật độ. Tưới đủ nước cho đậu vào các thời kỳ cây ra hoa và nuôi quả lớn. Chú ý: Chỉ nên tháo nước vào rãnh cho ngấm dần rồi rút hết nước đi, tránh để cây bị úng ngập. Lượng phân đạm và kali được chia đều bón thúc làm 3 lần: Khi cây có 2-3 lá thật, trước khi cắm giàn (có 5-6 lá thật) và khi cây ra quả rộ (sau thu hái lần thứ 2). Có thể phun thêm các loại phân bón lá và tưới thêm phân lân + đạm và kai li sau vài ba đợt thu quả để giúp cho cây bền lâu, cho năng suất cao. Thường xuyên xới xáo, vun gốc, hái bớt lá già ở gốc cho vườn thông thoáng hạn chế được sâu bệnh. Khi cây có 5-6 lá thật thì tiến hành cắm giàn theo kiểu chữ nhân hoặc chữ X cao 1,8-2m cho cây leo thì mới cho năng suất cao.
Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phun thuốc phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại. Nên dùng các loại thuốc trừ sâu bệnh vi sinh, thuốc thảo mộc và đảm bảo thời gian cách ly...
Có thể bạn quan tâm
Đặc tính chung của các giống đậu cove lùn là thấp cây 50 – 60 cm nên không cần làm giàn, cho thu hoạch sớm 40 – 50 ngày sau khi gieo, thời gian thu hoạch 30 – 45 ngày, trái dài, thẳng, màu xanh trung bình đến xanh đậm hoặc vàng.
Đậu que, đậu ve hay đậu cô ve, còn gọi là: đậu a ri cô ve do biến âm từ tiếng Pháp: haricot vert, danh pháp khoa học Phaseolus vulgaris. Có nhiều giống khác nhau được trồng với hương vị và màu sắc khác nhau: từ vàng tới lục nhạt hoặc hơi tím. Quả đậu cô ve có thể được bán ở dạng đóng hộp, đông lạnh hoặc tươi.
Đậu cô ve là cây trồng mẫn cảm với nhiều loài sâu bệnh hại chính như: Ruồi đục lá, rệp, nhện đỏ, sâu đục quả, bệnh lở cổ rễ, thán thư...
Kỹ thuật trồng cây đậu Hà Lan cũng không quá khó bởi chúng rất thích hợp với điều kiện thời tiết ở nước ta. Trồng cây đậu Hà Lan tại nhà
Quy trình và kỹ thuật bón phân trong quá trình gieo trồng mới là yếu tố quan trọng quyết định năng suất của đậu Hà Lan.