Trồng cồng xen keo
Cây cồng có nơi gọi là cây còng, là cây gỗ nhỡ, cao trên 20m, đường kính thân 40cm, cành phân cao và mọc hơi ngang. Gỗ của cây cồng có màu đỏ đến nâu hồng, thớ chéo hoặc xoắn.
Cây cồng là loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao nên người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Gỗ cây khá bền, dễ gia công nhưng khó sấy, có thể sử dụng trong ngành xây dựng, đóng tàu, làm ván dán, ván sàn và đồ mộc...
Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng cũng như mang lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2014 Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình trồng cây cồng xen canh cây keo tại thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn) và bước đầu đã khẳng định được hiệu quả.
Mô hình được thực hiện tại Tổ hợp tác trồng rừng thị trấn Tây Sơn, có 25 hộ dân tham gia với tổng diện tích 45 ha. Hiện cây sinh trưởng, phát triển tốt. So với cây keo lai thì cây cồng có chu kỳ dài hơn, từ khi trồng đến khi khai thác phải mất 15 năm. Tuy nhiên, cây cồng không chỉ cải thiện môi trường, chất lượng rừng trồng mà còn mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người trồng.
Anh Phạm Hùng Mạnh, xã viên Tổ hợp tác trồng rừng thị trấn Tây Sơn cho biết: “Cây cồng đã xuất hiện ở thị trấn Tây Sơn từ năm 2004 nhưng do thấy chu kỳ khai thác dài, một số hộ dân đã không kiên nhẫn và chuyển đổi sang trồng keo lai. Trên khu rừng này còn sót lại khoảng 0,5 ha cây cồng được trồng từ thời điểm đó vừa mới đến kỳ khai thác. Cây keo sau 11 - 12 năm cho khai thác gỗ lớn nhưng lợi nhuận thu được trung bình chỉ khoảng 500 - 800 triệu đồng/ha. Trong khi đó, cây cồng có thể thu tới 1,5 - 2 tỷ đồng/ha sau 15 năm".
Ông Trần Viết Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rừng thị trấn Tây Sơn, cho hay: Riêng gia đình ông nhận khoán trồng 25 ha rừng, trước đây chỉ trồng keo lai nhưng từ năm 2014 đến nay, sau khi thu hoạch keo, ông chuyển sang trồng keo xen cây cồng. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ về giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, ông trồng xen vào mỗi ha keo khoảng 400 cây cồng. Là cán bộ lâm nghiệp về nghỉ hưu nên ông Hùng khá am hiểu về các loại gỗ, ông cho biết: Gỗ cồng có giá trị thương phẩm cao, làm đồ dùng đẹp, ít bị cong, nứt nên được khách hàng ngày càng ưa chuộng.
Từ năm 2014 đến nay, mô hình đã trồng được 45 ha cây cồng trồng xen cây keo và giao khoán cho dân chăm sóc. Với những lợi ích của cây cồng mang lại, đó là không chỉ góp phần bảo vệ đất, bảo vệ sinh thái, mà còn làm tăng năng suất trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đồng thời giúp cho việc bảo vệ chăm sóc rừng được thực hiện một cách tốt hơn.
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đang xây dựng kế hoạch, tạo điều kiện mở rộng mô hình với mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng rừng trồng, đồng thời mang lại giá trị từ trồng rừng cho người dân nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng đậu nành rau được thực hiện tại ấp Tân Bình, xã Tân Long, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) với 5 hộ tham gia trên diện tích 3,3 ha
Đây là cây trồng trên đất đồi dốc, nhanh cho thu hoạch, sau trồng một năm bắt đầu ra măng, năm thứ hai thu hái, trung bình trong ba năm giai đoạn
Nông dân các xã Thanh Bình, Quới Thiện, Quới An (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) phấn khởi vì giá lá cau tăng giá.