Trồng Chuối Tiêu Hồng Trên Đồi Cao Cho Thu Nhập Cao
Sau nhiều năm làm thuê mướn nhiều nơi, anh Diệu thấu hiểu nỗi vất vả và khó khăn nơi đất khách quê người. Năm 2010, anh quyết định về quê hương lập nghiệp trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Qua nhiều ngày trăn trở, anh Diệu quyết định chọn cây chuối tiêu hồng để đầu tư trên mảnh đất khô cằn.
Anh Lương Văn Diệu (sinh năm 1983) ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế là con út trong gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em. Tuổi thơ của anh gắn liền với đồng ruộng và đồi bãi. Anh yêu đồng ruộng, yêu nông nghiệp và luôn ấp ủ ước mơ sẽ thành người nông dân sản xuất giỏi trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh Diệu phá toàn bộ diện tích vải thiều của gia đình, cải tạo thêm diện tích đất trống, sỏi đá và đất trồng keo, bạch đàn không hiệu quả thay bằng 2.000 gốc chuối tiêu hồng. Cây giống được anh mua từ cơ sở tin cậy tại Hưng Yên. Do là cây trồng mới nên ban đầu anh gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự năng động, ham học hỏi, vườn chuối nhà anh sinh trưởng phát triển tốt, buồng chuối to, quả nhiều, tỷ lệ cây ra buồng gần như 100%. Sau 2 năm canh tác, hiện nay gia đình anh có trên 10.000m² trồng chuối tiêu hồng. Theo anh, giống chuối tiêu hồng dễ trồng, phù hợp thổ nhưỡng, thích nghi với điều kiện bất thuận của thời tiết, chỉ cần một số kỹ thuật cơ bản, đủ nước và chăm bón dinh dưỡng đầy đủ là cây khoẻ mạnh và phát triển nhanh. Cây chuối tiêu hồng cho quả quanh năm, mẫu mã quả đẹp, chất lượng ngon, ngọt, giá cả phù hợp với người tiêu dùng nên rất dễ bán.
Đưa chúng tôi đi tham quan vườn chuối ngút ngàn màu xanh với những buồng trĩu nặng, anh Diệu vui vẻ chia sẻ, nhờ Hợp tác xã, cán bộ khuyến nông tư vấn và hỗ trợ kiến thức khoa học kỹ thuật, anh mạnh dạn đầu tư vốn để trồng chuối tiêu hồng. Vừa làm ,vừa rút kinh nghiệm đến nay anh đã nắm chắc kỹ thuật và xử lý được các đối tượng sâu bệnh trên cây trồng với điều kiện thời tiết bất thường.
Trao đổi kinh nghiệm với chúng tôi, anh Diệu cho biết: Không thể trồng chuối theo lối cổ truyền rồi thu hoạch, như vậy chỉ được 2 năm là chuối không ra buồng nữa. Anh đã ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và làm theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt thường xuyên giữ độ ẩm, tạo nguồn nước cho chuối; phun thuốc chống sương, dưỡng lá thì chuối sẽ ra buồng đều, quả chuối đẹp và ngọt. Sau khi thu hoạch xử lý chế phẩm phụ của cây và lá vứt xuống giữa rãnh luống để tạo độ ẩm tránh cỏ mọc và tăng thêm chất hữu cơ cho vụ sau. Để đạt hiệu quả cao, mỗi năm chỉ để 1 cây mẹ và 2- 3 cây con mập xung quanh, sau khi thu hoạch xong chặt cây mẹ đi và rắc vôi bột vào gốc sẽ hạn chế được mầm bệnh mà không cần cuốc gốc lên.
Hiện nay, ngoài chuối tiêu hồng, gia đình anh còn trồng thêm giống chuối tiêu xanh. Cây giống được anh chọn và sàng lọc lấy những cây tốt nhất trồng cho vụ sau. Anh cho biết giống chuối tiêu xanh cho buồng to hơn, khung đẹp hơn, số lượng nải khoảng 12 nải/buồng, nhờ đó mà giá bán cao hơn chuối tiêu hồng. Năm 2011, với giá bán từ 70.000- 120.000 đồng/buồng, gia đình anh thu lãi trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng thu nhập và cung cấp nước tưới cho vườn chuối anh còn đào một mẫu ao thả cá đồng thời kết hợp chăn nuôi lợn để tận dụng nước thải từ hầm biogas tưới cho cây chuối, nhờ đó mà giảm được lượng phân bón NPK tiết kiệm chi phí và cung cấp độ ẩm thích hợp cho cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt. Anh cho biết thêm: từ khi trồng chuối không lo mất mùa, thu hoạch nhanh, giảm sức lao động, một buổi sáng có thể thu một ô tô tải.
Thời điểm này, vườn chuối nhà anh đã có hàng trăm buồng sắp cho thu hoạch. Ước tính, dịp tết Nguyên đán 2013, gia đình anh Diệu sẽ có khoảng hơn 1000 buồng chuối cho thu hoạch. Với giá bán từ 70.000- 120.000 đồng/buồng, anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Trong thời gian tới, để tăng hiệu quả kinh tế và tận dụng diện tích, anh Diệu thí điểm trồng 1 vạn cây đinh lăng dưới tán cây chuối. Đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, ưa bong mát, phù hợp với chất đất và khí hậu, sản phẩm được dùng làm thuốc và có thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Mô hình trồng chuối tiêu hồng của gia đình anh Lương Văn Diệu đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương và phong trào xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay
Có thể bạn quan tâm
Gia đình tôi có trồng một vườn chuối già, những năm đầu cây phát triển rất tốt cho nhiều trái, trái lớn. Nhưng không rõ tại sao sau khi trồng vài năm thì cây chuối thường có hiện tượng cây còi cọc, trái nhỏ, lá bị gẫy rủ xuống và héo, có khi cả khóm chuối bị chết rũ, quầy chuối dễ bị gẫy, cây chuối dễ bị đổ ngã
Khi chọn giống, dùng dao sắc cắt 1/4 củ chuối, thấy thân có màu trắng tinh là cây không bị bệnh, nếu có vòng vàng, trắng đen phải bỏ ngay.
Dùng ống sắt hoặc thép làm giàn che nắng theo kiểu mái nhà. Để tiện lợi cho việc tưới tiêu và chống gió lớn, mái giàn thường làm theo hình tam giác hoặc hình vòm cong. Sau khi làm xong giàn bằng ống sắt thép, dùng lưới 50-75 phủ lên trên giàn, dùng dây thừng hoặc dây kẽm cố định lại giàn
Chuối là loại trái cây thông dụng ở Việt Nam, từ quả chuối, hoa chuối, thân chuối. Có thể chế biến ra nhiều món ăn như chuối khô, chuối sấy, mứt chuối, rượu chuối, nước cốt chuối, bột chuối...
Tiêu hồng thuộc nhóm chuối tiêu vừa, thân giả cao 2,1- 2,5m, sinh trưởng khỏe, lá xanh sáng, bản lá rộng, số lá hoạt động khi trỗ buồng thường đạt từ 10- 12 lá. Buồng hình trụ, bình quân có 10- 12 nải, nặng khoảng 45 kg/buồng. Là giống cho năng suất cao, trung bình đạt 40-45 tấn/ha