Trồng chanh không hạt - 1 vốn 4 lời
Ở xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành), chị Nguyễn Thị Kim Xuyến - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) trồng chanh không hạt là một trong những người “tiên phong” trong việc đưa cây chanh không hạt về trồng tại địa phương và hiện rất thành công.
Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến - Tổ trưởng THT trồng chanh không hạt khoe vườn chanh không hạt cho thu nhập cao.
Chủ tịch Hội LHPN xã Trần Thị Thu Sương nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tham quan vườn chanh không hạt của chị Nguyễn Thị Kim Xuyến. Theo chị Xuyến, THT hiện có tổng số 10 hộ, diện tích canh tác 3ha. Sản lượng ước 40 tấn/năm do chanh còn ở giai đoạn mới lấy trái, giá chanh bình quân từ 2.000 đồng đến 25.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Với giá bán nêu trên thì người trồng chanh lợi nhuận tầm 10 triệu đồng - 15 triệu đồng/năm/công.
Như vậy so cây lúa, cây chanh lợi nhuận cao gấp vài lần, lại nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí đầu tư. Do vậy, nhiều hội viên rất hăng hái mở rộng diện tích trồng nhằm nâng cao thu nhập. Chị Xuyến chia sẻ: “Tôi có 15 công đất trồng chanh không hạt, đây là đất lúa tôi chuyển sang. Dù trước đây tôi áp dụng mô hình lúa - cá, lúa - tôm nhưng vẫn không hiệu quả, lợi nhuận từ cây lúa bấp bênh. Có năm được mùa thì mất giá và ngược lại, còn cá cũng phụ thuộc phần lớn vào thị trường nên nguồn thu chẳng đáng bao nhiêu so công sức mình bỏ ra. Tôi trăn trở suy nghĩ việc sẽ chuyển đổi đất lúa sang vườn cây ăn trái nhưng vấn đề chính là phải chọn được giống cây trồng phù hợp với vùng đất, giá cả thị trường đầu ra lâu dài. Dịp tình cờ, đến nhà người quen ở Hậu Giang chơi, nhận thấy cây chanh không hạt dễ trồng, năng suất tốt, phù hợp vùng đất phèn, tôi quyết định chuyển 15 công đất lúa sang trồng chanh, trong đó 5 công chanh đã thu hoạch trái. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, tôi đã thu hoạch 2,4 tấn trái, giá bán bình quân 13.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 20 triệu đồng”.
Giờ đây chị Xuyến không còn lo lắng cho đầu ra của trái chanh, vì đã có đơn vị bao tiêu hơn 6 tháng qua. Giá họ đưa ra đảm bảo người canh tác lợi nhuận hơn 70% và chanh được phân loại theo từng kích cỡ rõ ràng, nếu giá thị trường ở mức 5.000 đồng/kg thì bên bao tiêu sẽ thu mua 10.000 đồng/kg. Cũng theo chị Xuyến, ngoài việc mua giá cao, họ còn có nhiều chính sách ưu đãi như cộng thêm tiền nếu hộ dân sản xuất đạt năng suất cao và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật do họ chuyển giao, đảm bảo chanh đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. “Trong quá trình chăm sóc cây, tôi nhận thấy nếu áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP năng suất trái tăng khoảng 20%, thời gian thu hoạch trái rút ngắn xuống còn 5 ngày so với trước, chi phí đầu tư giảm 50%. Cụ thể, như lúc trước thì 3 tháng với 15 công chanh phải tốn 10 triệu đồng tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật và giờ 6 tháng chỉ tốn 10 triệu đồng tiền phân, thuốc, chủ yếu phân vi sinh nên cây luôn tăng trưởng tốt. Dự kiến cuối năm nay, 15 công chanh sẽ thu hoạch trái đồng loạt, khi đó sản lượng sẽ tăng lên đáng kể. Để đáp ứng tốt thị trường tiêu thụ, tôi tiếp tục chuyển đổi 15 công đất lúa còn lại để trồng chanh không hạt” - chị Xuyến phấn khởi cho biết thêm.
Cũng là thành viên THT trồng chanh không hạt, chị Trương Thị Đông, ấp Cống Đôi đưa chúng tôi tham quan vườn chanh đang độ thu hoạch. Theo chị Đông, chị trồng được cây chanh là nhờ vào chị Xuyến hướng dẫn. Sản xuất lúa bao năm không khấm khá, thấy chị Xuyến có nguồn thu nhập ổn định từ cây chanh nên chị học hỏi làm theo. Ban đầu chị trồng thử nghiệm 1,5 công chanh, thu hoạch năng suất cao, giá bán tốt, lợi nhuận cao. Từ đó, chị quyết định chuyển 8,5 công đất lúa sang trồng chanh. Hiện vườn chanh đã bắt đầu cho lứa trái đầu tiên, khoảng 2 năm nữa cho trái rộ, khi đó thu nhập ổn định và không còn lo việc bán chanh ra thị trường vì đã có doanh nghiệp bao tiêu trái và hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Còn đối với chị Trương Thị Mãnh, cũng ngụ ấp Cống Đôi, dù chỉ mới tham gia trồng chanh không hạt, chưa thu hoạch trái đợt nào nhưng cũng được doanh nghiệp lựa chọn sản xuất theo quy trình VietGAP. “Tôi thấy các chị trong THT trồng chanh hiệu quả nên quyết định chuyển đổi 8 công đất canh tác lúa trồng cây chanh. Ngay từ đầu xuống giống cây, doanh nghiệp tới tham quan khu vực vườn của gia đình, ưng ý nên bao tiêu chanh khi đến lúc thu hoạch. Do vậy, tôi rất yên tâm là chanh chắc chắn đem về nguồn thu đáng kể” - chị Mãnh tâm tình.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hồ Đắc Kiện Trần Thị Thu Sương cho biết: “Cây chanh không hạt phát triển nhiều tại ấp Cống Đôi, phần đông tập trung vào hội viên phụ nữ canh tác. Đây là vùng đất phèn thích hợp cho cây chanh sinh trưởng và chanh ăn trái thời gian dài, có thể trên 10 năm. Chính vì vậy, hội đang định hướng tuyên truyền nếu hội viên có điều kiện mở rộng thêm diện tích, sau khi có sự liên kết cùng doanh nghiệp thu mua. Riêng việc áp dụng quy trình VietGAP chỉ có 3 hội viên được doanh nghiệp chọn lựa, các hội viên còn lại cũng đã đăng ký thực hiện quy trình này nhằm tạo đầu ra ổn định cho trái chanh không hạt”.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2017, cây và lá mật cật (còn gọi là trúc mây) đã đem lại cho gia đình tôi nguồn thu trên 400 triệu đồng. 3 tháng đầu năm 2018, lá trúc mây bán được với giá
Nhà có sẵn hai tấm thiếc cũ (mỗi tấm dài 3m, rộng 1m), chị Chín xuất ra một ít tiền để mua thêm “vật tư” như 6 chiếc bình nhựa (loại 20 lít) để làm bè nổi
Dự án không chỉ đưa năng suất lúa tăng bình quân gần 10 tạ/ha so với cùng kỳ mà còn tạo ra sản phẩm an toàn, môi trường sống thân thiện.