Trồng cây thủy sinh trong hồ kiếng
Cây thủy sinh có nhiều hình dáng và màu sắc tuyệt đẹp, làm cho ngôi nhà phố thêm lung linh và xanh mát. Bạn có thể chọn cây thủy sinh bố trí, mô phỏng thế giới tự nhiên với “khu rừng” lá đỏ, ngập tràn sắc vàng kiểu châu Âu hay khu rừng xanh rậm nhiều tầng kiểu Amazone… Trồng và chăm sóc cây thủy sinh không khó, đơn giản hơn rất nhiều so với chăm sóc hồ cá cảnh nên thu hút nhiều người.
Cây thủy sinh có nhiều giống và chủng loại trong nước và nhập khẩu, giá cây thủy sinh dao động từ 10.000 - 300.000 đồng/cây. Để bắt đầu sở hữu một hồ cây thủy sinh đẹp, đầu tiên cần có ý tưởng theo sở thích, không gian trưng bày, loại cây chăm sóc phù hợp với thời gian và công việc… Theo hướng dẫn của Cửa hàng hồ thủy sinh Lâm Kim Chi, tùy loại cây thủy sinh cụ thể mà chọn cách trồng phù hợp, cũng như chọn kích thước hồ trồng tạo không gian đẹp. Việc bố trí, tổ chức, sắp xếp từng loại cây trồng đòi hỏi khả năng cảm nhận và tính thẩm mỹ…
Người chơi cần phác thảo để xếp đặt từng nhóm cây, vật bám, đá sỏi cho cây. Đá sỏi và cát phải được rửa sạch để tránh gây ô nhiễm nguồn nước trong hồ. Có thể dùng đất sét trộn lẫn với cát tạo thành một lớp nền ở đáy hồ làm chỗ đính cây thủy sinh vào. Trồng cây bằng cách đặt rễ và đất dinh dưỡng hay cát, phủ rễ lại, xếp một hay nhiều hạt sỏi bao quanh gốc cây để ngăn cho chúng khỏi bị bật rễ và nổi lên, nhất là đối với các loài có cổ rễ không được ấn sâu. Cũng có thể buộc gốc cây vào đá rồi lấp sỏi cát lên để che gốc và rễ, gắn cây trên hòn non bộ hoặc có thể gắn trên một mảnh gỗ, gốc cây… Sau một thời gian, chúng sẽ phát triển trên đáy bể. Có thể tạo đồi cao thấp như khu rừng ngoài tự nhiên.
Môi trường thủy sinh là một môi trường thu nhỏ, mô phỏng lại thế giới ngoài tự nhiên do đó việc cố gắng tái tạo cho gần giống nhất với môi trường thiên nhiên là quan trọng nhất. Cách chiếu sáng rất quan trọng cho hồ thủy sinh. Cách chiếu sáng mà những người chơi thủy sinh hay áp dụng là chiếu sáng liên tục hoặc không liên tục. Khoảng thời gian trung bình chiếu sáng từ 8 - 12 giờ/ngày (bật từ 8 giờ hoặc 9 giờ sáng cho tới 8 hay 9 giờ tối, 12 giờ/ngày). Chiếu sáng giảm khả năng tăng rêu hại vì rêu hại thường thích nghi sáng chậm hơn cây thủy sinh.
Thay nước cho hồ thủy sinh 30 - 50% nước hồ (1 - 2 tuần/lần). Lưu ý kiểm tra để chắc chắn rằng thứ nước bạn dùng để thay cho hồ thủy sinh có cùng nền nhiệt độ. Sự thay đổi nhiệt độ quá đột ngột với biên độ lớn sẽ gây sốc và stress. Không nên dùng nước máy trực tiếp, chlorin và chloramin có thể giết chết cá (nếu có thả cá) và hại cây nếu không được khử trước khi sử dụng, có thể cho nước máy ra xô chậu để dưới ánh nắng 24 giờ. Nơi đặt hồ thông thoáng, có ánh sáng điều hòa tự nhiên hoặc dùng đèn nuôi cây, tránh quá tối do kéo rèm hoặc phòng không có ánh sáng tự nhiên.
Cây thủy sinh yếu thường do bộ rễ bị tổn thương, có thể rửa bằng nước vôi trong mỗi ngày suốt một tuần, sau mỗi lần rửa, lại cho vào nước dinh dưỡng theo định lượng. Thỉnh thoảng bổ sung phân cho cây bằng cách bón phân hữu cơ (dạng hạt) vào phần gốc cụm cây giúp cây ra chồi khỏe, xanh tốt hơn. Khi cây thủy sinh phát triển mạnh, rậm rạp thì tách bụi và lấy bớt ra, hoặc cần cắt tỉa thưa, loại bỏ bớt thân già, lá úa. Cắt sát gốc cây để cho các chồi non lại mọc lên tạo thành cây mới, duy trì “mô hình” như ban đầu, không nên để um tùm.
Có thể bạn quan tâm
Kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra trong tháng 9/2019 tiếp tục giảm sâu tại nhiều thị trường trọng điểm.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Diễn Trung (Diễn Châu, Nghệ An) bỏ tiền ra đầu tư nuôi tôm trong bể tròn nổi. Đây là mô hình đầu tiên ở miền Bắc và miền Trung
Bệnh u nang bã đậu ở ruột cá chép do bào tử sợi gây ra, làm cho cá chậm lớn, tiêu tốn thức ăn, giảm giá thương phẩm và gây chết.