Trồng cải củ trên rơm, mỗi sào đạt 22 triệu đồng/năm
Với kinh nghiệm canh tác rau màu lâu năm, bà con nông dân xã Nghi Thuận sử dụng rơm, rạ làm phân hữu cơ và làm vật liệu thay thế các loại giấy ni lông, lưới màu… để che phủ mặt luống sau khi gieo trồng.
Sử dụng phương pháp này chi phí thấp, chống được nóng, được lạnh, nâng đỡ cây non và là nguồn bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng phát triển.
Theo đó, rơm, rạ sau khi thu hoạch, được cắt ngắn khoảng 2-3cm dùng để che phủ luống sau khi đã gieo hạt rau giống và cắt dài khoảng 20-25cm để che phủ đối với diện tích trồng cây rau thương phẩm.
Che như thế này vừa giữ ấm và ngăn nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm, vừa che mát giúp cho hạt giống nảy mầm bình thường trong điều kiện nắng nóng.
Lớp rạ cũng giúp đất luôn tơi xốp, đủ ẩm, không bị xói mòn hoặc bị nghẹt khi gặp mưa to, nắng rát, giúp cây rau phát triển tốt.
Rau cải củ trồng trên rơm hạn chế phân bón hóa học và rất năng suất.
Chị Phạm Thị Hằng – xóm 5 – Nghi Thuận cho biết: “Rơm, rạ tích trữ từ 4-5 sào lúa của gia đình dùng để che phủ 2 sào rau màu được 2-3 lứa là sẽ hoai mục hết.
Việc sử dụng rơm rạ phục vụ sản xuất rau màu, tái tạo chất mùn hữu cơ, làm tơi xốp đất góp phần nâng cao năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rau”.
Vụ này, toàn xã Nghi Thuận có 80ha diện tích rau màu các loại.
Trong đó có 20ha chuyển đổi từ diện tích đất hai lúa sản xuất kém hiệu quả do thiếu nước.
Từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 1 tháng nhưng người dân cũng thu hoạch được 3,6 triệu đồng/sào.
Thị trường chủ yếu ở các xã của huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh.
Các loại rau chủ yếu là cải rễ, cải ngọt...
Trên cùng diện tích này, sau khi thu hoạch rau, nông dân lại trồng hành tăm.
Như vậy, trong khoảng thời gian 9 tháng, người nông dân có đến 3 nguồn thu nhập là rau, ngô và hành tăm.
Tổng cộng mỗi sào thu về 22 triệu đồng.
20 ha đất lúa ở Nghi Thuận đã được chuyển sang trồng rau hiệu quả.
Anh Nguyễn Đình Phương – Cán bộ khuyến nông xã Nghi Thuận cho biết: “Những năm gần đây UBND xã Nghi Thuận có chủ trương vận động bà con sản xuất rau màu trên các diện tích đất màu truyền thống và đất hai lúa sản xuất kém hiệu quả.
Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con mở rộng ở các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả”.
Có thể bạn quan tâm
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, HTX chọn rau muống nước làm sản phẩm chủ đạo để xây dựng thương hiệu vì nhu cầu tiêu thụ loại rau này rất lớn.
Từ 2 bàn tay trắng với ý chí, quyết tâm làm giàu đã giúp ông Đặng Anh Tuấn (60 tuổi) vượt qua khó khăn để thành “vua trang trại” ngay trên mảnh đất quê hương (xóm 7, xã Xuân Sơn, Đô Lương).
Ở Sơn La, không chỉ cây nhãn mà xoài, bơ, cam quýt, hồng, mận…, gần như cứ trồng loại cây ăn quả nào cũng có thể giúp nông dân kiếm bộn tiền.