Triệu phú cá lóc
Không chỉ là thủ lĩnh thanh niên, Nguyễn Minh Nhựt còn là chủ trang trại nuôi cá lóc trong ao lót bạt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Làm giàu từ cá lóc lót bạt. Anh Nguyễn Minh Nhựt đang cho cá lóc ăn. Ảnh: MẠNH CƯỜNG
Nguyễn Minh Nhựt (30 tuổi, ở khối phố 2, TT.Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) thường xuyên tìm tòi, tham khảo mô hình kinh tế. Năm 2014, tận dụng mảnh đất trống sau nhà, anh xây 3 bể (tổng diện tích 45 m2) rồi lót bạt, mua cá lóc giống ở miền Tây về thả nuôi thử nghiệm. Cá sinh trưởng tốt, nhưng đến gần kỳ thu hoạch bỗng dưng chết hàng loạt. Thế là vụ cá đầu coi như mất trắng 50 triệu đồng do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc, khiến cá bị dịch bệnh...
Nhưng Nguyễn Minh Nhựt vẫn không bỏ cuộc. Qua một lần thất bại, anh tự rút tỉa kinh nghiệm, tìm quy trình nuôi phù hợp và tiếp tục vay mượn thêm 100 triệu đồng đầu tư vụ mới. Những lúc rảnh rỗi, anh lên mạng internet tham khảo cách thức nuôi hoặc tìm đến các mô hình nuôi cá lóc thành công để học hỏi. Nhờ vậy, ở vụ cá thứ 2, chỉ sau 6 tháng chăm sóc anh đã thu được 8 tấn thịt cá. Anh kể, cá lóc nuôi trong vòng 6 - 7 tháng có thể xuất bán. Hiện nay, mỗi năm anh xuất bán 2 vụ, với hơn 15 tấn cá. Với giá khoảng 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí giống, thức ăn... anh thu hơn 300 triệu đồng/năm.
Bạn bè có lý do để đặt cho anh biệt danh "triệu phú cá lóc". Không chỉ làm giàu cho riêng mình, Nguyễn Minh Nhựt chủ động nhân rộng mô hình cho thanh niên khác và nhiệt tình cung cấp giống, hỗ trợ đầu ra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.... Theo anh Nhựt, thức ăn chủ yếu của cá lóc là cá tạp và bột. Cá lóc nuôi trong ao lót bạt có thể chủ động được nguồn nước, kiểm soát được dịch bệnh nên ít rủi ro hơn. Tuy nhiên quá trình nuôi thì nguồn nước trở thành khâu quyết định, phải thay nước 2 - 3 lần trong ngày.
Khi được hỏi về những trở ngại, anh Nhựt cho biết: “Cá lóc là loài rất khó tính, phải cho ăn đúng giờ, nếu lệch giờ chúng sẽ bỏ bữa. Nếu phát hiện cá bị tróc da, phải loại bỏ ngay vì lúc đó cá dễ bị bệnh nấm da và lây lan cho cả đàn. Chưa kể, người nuôi còn phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ”.
Có thể bạn quan tâm
Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) có nửa năm nước mặn, nửa năm nước ngọt, rất khó khăn trong vấn đề phát triển giống cây
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Enzim (EM) tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản của chị Nguyễn Thị Thủy, thôn Hợp Phố
Lồng lưới hợp kim đồng được tăng cường sức mạnh và duy trì lợi thế, nhưng có lẽ đòi hỏi thêm yêu cầu kỹ thuật đặc biệt để tích hợp với các cơ sở hiện có.