Triển vọng từ cây dứa Cayenne
Dứa Cayenne có nguồn gốc từ Lâm Đồng, được nông dân Khánh Vĩnh gây trồng đã khá lâu. Ông Trần Nhãn (thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú) cho biết, thấy giống dứa này thơm, ngon, nên ông gom nhặt giống đem về trồng, số lượng khoảng 5.000 gốc. Đến nay, vườn dứa đã đến độ thu hoạch. Ông Nhãn trồng dứa xen với chuối, sả để lấy ngắn nuôi dài. Với đất rẫy như Khánh Vĩnh, cách trồng này có ưu thế hơn hẳn trồng chuyên canh bởi giảm được cỏ dại, cho thu nhập đồng thời của nhiều loại cây.
Theo ông Nhãn, dứa Cayenne dễ trồng, chỉ cần đất ẩm là cây lên nhanh, không cần bỏ phân, xịt thuốc. Cây dứa sau 8 đến 12 tháng có thể cho trái, quả nặng từ 1,5 - 4kg. Hiện tại, giá thu mua của thương lái tại vườn là 5.000 đồng/kg, nếu đưa tới các chợ lớn ở TP. Nha Trang có giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Với 1ha dứa xen canh, ông Nhãn thu được khoảng 20 triệu đồng và dự kiến còn thu thêm 40% nữa (tương ứng khoảng hơn 30 triệu đồng/ha). Đó là chưa kể nguồn thu từ cây sả, chuối và chồi giống dứa với giá hiện nay là 2.500 đồng/chồi.
Theo ông Lưu Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, dứa Cayenne du nhập vào Lâm Đồng từ rất lâu và được canh tác tại thị trấn Dran - Đơn Dương. Cây trồng này phát triển tốt trên nhiều loại đất, cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn. Vì thế, dứa Cayenne là cây đặc thù của vùng Đơn Dương, đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Dứa Cayenne Đơn Dương” và được UBND tỉnh Lâm Đồng ủy quyền cho huyện Đơn Dương quản lý, sử dụng nhãn hiệu này.
Được biết, Khánh Vĩnh giáp Lâm Đồng, có nhiều thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển loại dứa này, phù hợp với trình độ thâm canh của đồng bào miền núi, vốn đầu tư không cao. Thời gian qua, người dân các xã: Liên Sang, Khánh Thượng, Khánh Phú đã mang giống dứa Cayenne về trồng cho quả to 3 - 5kg/quả (vùng Đơn Dương - Lâm Đồng bình quân 1,5kg/quả), hình dáng quả đẹp, chất lượng thơm ngon, không đủ cung cấp cho thương lái.
Hiện huyện Khánh Vĩnh đã đề xuất với tỉnh xây dựng mô hình phát triển loại dứa này. Huyện nghiên cứu 2 giống khác nhau tại Đơn Dương và Khánh Vĩnh, xây dựng 2 mô hình thực tế tại các xã Khánh Thượng và Sông Cầu theo phương thức trồng hàng kép, mỗi mô hình có diện tích 5.000m2, trồng 2 giống có xuất xứ khác nhau để kiểm chứng. Theo ông Nguyên, các số liệu thu thập từ mô hình cho thấy, với suất đầu tư dự kiến cho năm đầu 100 triệu đồng/ha, có đầu ra cho sản phẩm, giá cả ổn định thì đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cần được phát huy, nhân rộng trong thời gian tới.
Được biết, hiện đề tài đã được Hội đồng tư vấn chuyên ngành xét tuyển và thống nhất cho phép triển khai.
Có thể bạn quan tâm
Khi nghe lãnh đạo xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết hộ ông Lê Minh ở thôn Đông Lâm mỗi năm xuất bán 2 triệu con cá giống, hơn 300 tấn cá thịt thương phẩm và hàng chục con bò, tổng doanh thu 12 - 14 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 1,3 - 1,5 tỷ đồng, ai trong chúng tôi cũng bán tín bán nghi.
Ngày 3/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Dũng họp chỉ đạo một số sở, ngành tỉnh, huyện liên quan xúc tiến đầu tư các dự của Công ty TNHH MTV Việt - Úc trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Việt - Úc xin đầu tư 4 dự án gồm: Ðầu tư xây dựng khu sản xuất tôm sú và thẻ chân trắng bố mẹ tại đảo Hòn Khoai; Khu sản xuất giống thuỷ sản tập trung (giai đoạn II) và trung tâm giống cấp I tại huyện Ngọc Hiển; Nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao; Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thuỷ sản tại Khu Công nghiệp Khánh An, huyện U Minh.
Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều chuyển biến tích cực nhờ ngư dân đã chủ động bám biển đánh bắt, khai thác thủy sản; các mô hình cộng đồng tham gia quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai có hiệu quả…
Trong 2 ngày 5 và 6/9, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An đã tiến hành thả rạn nhân tạo tại vùng biển xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu và Quỳnh Long, Quỳnh Lưu.
Bức xúc trước tình trạng nước thải ô nhiễm của các nhà máy xả trực tiếp ra sông làm chết cá, người nuôi cá mang cá chết đến đổ tại doanh nghiệp.