Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Tránh Nắng Nóng Cho Tôm Nuôi

Tránh Nắng Nóng Cho Tôm Nuôi
Ngày đăng: 10/08/2014

Nắng nóng kéo dài, kéo theo nhiệt độ nước tăng cao vượt ngưỡng giới hạn sẽ gây stress cho tôm nuôi và phát sinh dịch bệnh gây chết tôm hàng loạt. Người nuôi tôm cần có giải pháp chống nóng.

Tác động của nắng nóng

Nhiệt độ nước tăng cao làm cho quá trình phân hủy vật chất hữu cơ cũng tăng, sinh ra nhiều khí độc dưới tầng đáy, làm tăng nguy cơ nhiễm độc của tôm khi di chuyển xuống đáy tránh nắng.

Đồng thời, khi trời nắng nóng, hàm lượng dinh dưỡng trong ao nhiều, tạo điều kiện cho các loài tảo phát triển; nhất là các loài tảo lam, tảo giáp khi phát triển mạnh sẽ tiết ra độc tố và khi tàn lụi đồng loạt gây thiếu ôxy, ô nhiễm nước ao, làm chết tôm hàng loạt.

Thân nhiệt của tôm thay đổi theo nhiệt độ nước. Thêm nữa, tôm là loài giáp xác tiến hóa thấp, sinh trưởng và phát triển qua các lần lột xác, vậy nên sức đề kháng của tôm đối với sự thay đổi của nhiệt độ rất kém và dễ bị dịch bệnh tấn công ở giai đoạn lột xác.

Theo kết quả nghiên cứu, chỉ cần nhiệt độ nước tăng từ 10C trở lên, sẽ kích thích dây thần kinh trên cơ thể tôm, làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, phát sinh bệnh và gây chết tôm. Sức đề kháng kém cộng với mật độ thả nuôi cao thì vấn đề mẫn cảm của tôm đối với nhiệt độ càng nhạy cảm hơn. Tôm sinh trưởng và phát triển phù hợp ở nhiệt độ 26 - 320C.

Trong giới hạn cho phép, khi nhiệt độ tăng sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tôm tăng. Tuy nhiên, khi nhiệt độ nước tăng quá giới hạn thì tôm sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp; nếu việc cung cấp ôxy không đủ thì tôm sẽ yếu dần, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

Kỹ thuật chống nóng

Chuẩn bị ao, đầm

Đối với những ao đầm nuôi quảng canh diện tích rộng, cần gia cố bờ, cống chắc chắn, nhằm giảm lượng nước rò rỉ. Cần đào các mương trong đầm, dọc theo cống, sâu 0,5 - 0,8 m; rộng 2 - 3 m và cứ cách 5 m đào một mương; khi trời nắng nóng tôm sẽ di chuyển xuống tránh nóng.

Ao đầm nên được tẩy dọn sạch sẽ, rải vôi (tập trung nhiều ở các mương); nếu có thể thì nên trồng một số cây như sú vẹt, bần, đước… (1 cây/3 - 4 m2) trên mặt trảng đầm để tạo tán cho tôm tránh nắng nóng. Nước lấy vào đầm được duy trì độ sâu 0,5 m trở lên, ở mương từ 1 m trở lên.

Đối với ao nuôi tôm bán thâm canh hoặc thâm canh, cần nạo vét hết lớp mùn bã hữu cơ (bùn đen) lắng đọng từ vụ trước trong ao, san đáy bằng phẳng hoặc lót bạt đáy và gia cố bờ ao, cống bọng chắc chắn. Nên thiết kế ao lắng có độ sâu lớn (2 - 3 m) trữ nước mát cấp cho ao tôm trong những ngày nắng nóng. Dùng vôi tẩy ao và phơi đáy, sau đó xử lý nước và cấp vào ao đạt độ sâu 1,2 - 1,4 m.

Bố trí hệ thống quạt khí phù hợp và nên sử dụng dàn quạt lông nhím để có thể cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan xuống tầng đáy và tránh phân tầng nhiệt độ trong ao.

Thả giống

Để tăng sức chống chịu của tôm, nên chọn thả tôm cỡ lớn (Pl12 trở lên) hoặc thiết kế vèo ương tôm có mái che, thả giống nuôi ở mật độ cao (200 - 300 con/m3), sau một tháng mới chuyển tôm ra ngoài nuôi tiếp. Tôm nên thả nuôi trong ao với mật độ vừa phải để giảm stress cho tôm khi trời nóng (tôm sú 15 - 20 con/m2; tôm TCT 50 - 60 con/m2).

Nếu mua giống ở xa, cần vận chuyển tôm trong bao nilon bơm ôxy đóng kín trong thùng xốp, duy trì nhiệt độ 20 - 240C; nên chọn thời điểm nhiệt độ hạ (như buổi sáng sớm hoặc chiều tối) để thả giống.

Trước khi thả giống cần gây màu nước cho ao, hạn chế ánh sáng mặt trời chiếu xuyên xuống đáy vừa tăng nhiệt độ nước vừa làm cho tảo đáy phát triển.

Chăm sóc, quản lý

Ở nhiệt độ bình thường nên cho tôm ăn đúng quy trình phù hợp sức ăn, tránh dư thừa thức ăn; khi trời nắng nóng tôm sẽ giảm ăn, do vậy chỉ cho tôm ăn lượng thức ăn bằng 70 - 80% lượng thức ăn hằng ngày và tăng lượng thức ăn vào cữ ăn trời mát.

Sau khi thả tôm 10 ngày nên dùng chế phẩm sinh học té xuống ao để tạo hệ vi khuẩn có lợi, chế át vi khuẩn có hại, đồng thời tiêu thụ bớt dinh dưỡng trong nước ao, giảm tảo phát triển, ổn định pH và độ kiềm trong nước. Khi trời nắng nóng nên mua màn lưới đen, chống nắng căng phía trên mặt ao để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt nước ao, tránh gây sốc cho tôm.

Cần tăng cường sục khí trong ao để hàm lượng ôxy được cung cấp đủ ở mọi tầng nước. Hạn chế dùng chài, nhá vó lội mò bắt kiểm tra tôm vào ngày nắng nóng để hạn chế hiện tượng đục cơ trên tôm. Định kỳ xiphông nền đáy ao (3 ngày/lần) nhằm giảm lượng mùn bã hữu cơ trong ao, hạn chế sinh ra các chất độc ảnh hưởng đến tôm.

Vào mùa nắng nóng, trời ít mưa, nước bốc hơi, bờ ao rò rỉ làm ao cạn nước, độ mặn tăng và độ trong thấp, tôm dễ bị bệnh khó lột xác, đóng rong chậm lớn. Do vậy cần bổ sung nước mát (ở tầng đáy) của ao lắng vào ao nuôi để duy trì độ sâu và giảm độ mặn nước ao.

Thu hoạch

Khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch tôm vào buổi sáng bằng lưới vét; nên thu hoạch tôm trong thời gian ngắn (1 - 2 ngày/ao) để giảm hao hụt.


Có thể bạn quan tâm

Diệt hến, vẹm trong ao tôm Diệt hến, vẹm trong ao tôm

Phòng ngừa các loài hai mảnh vỏ gây hại trong ao tôm bằng cách: Cải tạo ao nuôi hút bùn, rải vôi và phơi ao, lấy nước qua túi lọc, diệt tạp, diệt khuẩn đúng kỹ thuật.

21/07/2015
Quản lý đáy ao và cho ăn trong nuôi tôm Quản lý đáy ao và cho ăn trong nuôi tôm

Ðiều kiện nền đáy ao nuôi tôm có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước ao nuôi tôm như Oxy hoà tan, độ trong của nước, sự phát triển của tảo, sự tạo ra các khí độc, sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh,v.v. Ðáy ao tốt hay xấu phụ thuộc vào chất đất và sự lắng tụ chất thải trong quá trình nuôi tôm mà đặc biệt là chất thải hữu cơ.

21/07/2015
Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản Lưu ý độ trong, độ đục ao nuôi thủy sản

So với các chỉ tiêu môi trường khác, độ trong, độ đục không ảnh hưởng một cách trực tiếp và tức thì đến sự sinh trưởng của các loài thủy sản nuôi mà tác động một cách âm thầm…

20/07/2015
Một số giải pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cá giống khi vận chuyển Một số giải pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cá giống khi vận chuyển

Vận chuyển cá giống là một khâu đóng vai trò quan trọng quyết định phần lớn đến hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống của cá giống trong quá trình vận chuyển.

21/07/2015
Những tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh Những tác nhân gây bệnh đen thân ở cá rô đồng nuôi thâm canh

Cá rô đồng (Anabas testudineus Bloch, 1792) là loài cá nước ngọt, phân bố rộng ở nhiều nước như Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines…

20/07/2015