Trái cam bén rễ trên đất đồi gò ở Huyện Ba Vì
Cuối năm nay, bà con sẽ được thu hái những trái ngọt đầu tiên sau nhiều năm chăm bẵm.
Là địa phương vùng dân tộc miền núi, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Mường xã Khánh Thượng gặp khá nhiều khó khăn. Ông Đặng Quang Quý ở thôn Gò Đá Chẹ cho biết, trước đây gia đình chỉ trông vào những diện tích trồng sắn hoặc dong giềng. Tuy nhiên, thu nhập mang lại không cao.
Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Quý bắt tay vào trồng cam. Quy tụ đất của một số hộ lân cận và họ hàng được gần 2 ha, ông đầu tư cây giống, chăm sóc với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cơ sở. Điều đáng mừng khi những diện tích cam của gia đình ông Quý hiện phát triển khá tốt; dự kiến cho mùa bội thu.
Chị Đinh Thị Hạnh - Cán bộ khuyến nông xã Khánh Thượng cho biết, ngoài hộ ông Quý, trên địa bàn xã còn hàng chục gia đình khác cũng đã chuyển đổi đất canh tác sắn, dong giềng sang trồng cam. Toàn xã hiện có khoảng 25 ha trồng cam, trong đó có hơn 20 ha sẽ cho thu hoạch trong những tháng cuối năm 2021.
“Do chưa thu hoạch vụ nào nên hiện chúng tôi chưa thể kết luận về giá trị của cây cam. Tuy nhiên, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển những năm qua cho thấy cây cam phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại xã Khánh Thượng. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh. Đồng thời, tỷ lệ đậu quả cao…” - chị Hạnh chia sẻ.
Với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, một số diện tích trồng cam của các hộ dân xã Khánh Thượng đã chuyển đổi sản xuất sang tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước chuyển nhận thức, bước đi làm tiền đề để địa phương phát triển cam thành sản phẩm OCOP và mở rộng đầu ra cho loại trái cây này.
Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Chìu cho biết, trước khi cây cam bén rễ trên mảnh đất này, địa phương đã phát triển gần 150 ha các loại cây ăn quả khác như: Bưởi, mít, chuối… Nhìn chung các loại cây ăn quả đều cho năng suất tốt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn qua từng năm…
Sự phát triển tốt của cây cam giúp nhiều nông hộ nơi đây có thêm hy vọng mới để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, để cây cam mang lại giá trị ổn định và bền vững, chính quyền và nhân dân địa phương mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ban ngành, nhất là trong việc phát triển cam trở thành sản phẩm OCOP chủ lực và tìm kiếm đầu ra cho loại trái cây này./.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, nhiều loại cây ăn quả ở khu vực Nam Bộ đang thu hoạch nhưng do xuất khẩu gặp khó khăn, giá xuống thấp khiến nhiều nhà vườn trong cảnh "được mùa.
Qua việc thực hiện một nghiên cứu do Quỹ NAFOSTED tài trợ về cây cà phê, TS. Trần Minh Định (Viện Công nghệ sinh học và Môi trường, ĐH Tây Nguyên)
Sau 3 năm đưa vào trồng thử nghiệm, cây nho hạ đen cho thấy tiềm năng to lớn, được nhiều nông hộ tại huyện Đan Phượng quan tâm, phát triển.