Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

TP.Hồ Chí Minh mạnh tay thay máu đàn bò sữa

TP.Hồ Chí Minh mạnh tay thay máu đàn bò sữa
Tác giả: Hữu Ký - Trần Đáng
Ngày đăng: 09/02/2017

Mới đây, sau buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), việc “thay máu” đàn bò sữa trên địa bàn thành phố sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.

Trong ảnh: Anh Nguyễn Trung Lập (Củ Chi) đang chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: Trần Đáng

Tại buổi làm việc, với lộ trình phía Vinamilk đưa ra để nâng chất đàn bò sữa, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu ngay trong quý I năm 2017, Ban cán sự Đảng UBND thành phố phải hoàn thành đề án cơ cấu lại đàn bò sữa. Trong đó, nêu rõ phần việc của chính quyền từng cấp, sự phối hợp cụ thể giữa chính quyền và phía Vinamilk trong việc hỗ trợ nông dân cải tạo đàn bò sữa theo công nghệ của Vinamilk.

Vinamilk tham gia sâu rộng…

Tại buổi làm việc với Công ty Vinamilk, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng mặc dù tỷ trọng  nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 0,84% giá trị sản phẩm của thành phố và đóng góp chỉ 0,04% (trong 8,5%) mức tăng trưởng của thành phố, nhưng có ý nghĩa rất lớn do thành phố còn 23.000 hộ đang sống ở ngoại thành, đồng thời là căn cứ kháng chiến cũ của thành phố. Đề án “thay máu” đàn bò sữa là một trong những phần việc mà thành phố phải làm để hỗ trợ  nông dân.

Theo Tổng Giám đốc Vinamilk - bà Mai Kiều Liên, hiện sản lượng sữa bò do nông dân nuôi chỉ đạt khoảng 18 lít/con/ngày, trong khi giống bò mới của Vinamilk mỗi con đạt 30 lít sữa/ngày. Vì thế, để nâng chất đàn bò sữa của thành phố, sắp tới phải thay giống đàn bò sữa, đồng thời áp dụng các kỹ thuật trong chăn nuôi, nguồn nguyên liệu mới… Ngành bò sữa cần phải thay đổi để tăng năng suất nhằm giảm giá thành.

Theo đề nghị của bà Liên, trong quý I, Vinamilk sẽ thực hiện thí điểm mô hình đưa giống bò sữa mới vào chăn nuôi ở huyện Củ Chi. Nếu thành công trong việc nâng sản lượng sữa từ 17 lên 30 lít/con/ngày sẽ nhân rộng mô hình. Để làm được điều này, bà Liên cho rằng, thành phố phải có những chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, như chính sách hỗ trợ vốn vay…

Ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành vùng phát triển nguyên liệu Vinamilk cho biết, Vinamilk sẽ giúp nông dân thay đàn bò hiện có bằng đàn bò ngoại nhập cho sản lượng cao, thức ăn, chăm sóc, thậm chí phối giống... Về giá thành, giống bò sữa mới nhập về giá khoảng 80 – 100 triệu đồng/con. Tuy nhiên, giống đã được thuần hóa giá chỉ khoảng 50 – 55 triệu đồng/con. Một con bò giống nuôi khoảng 3 năm thì khấu hao hết chi phí.

Bí thư Đinh La Thăng tán thành lộ trình của Vinamilk trong việc hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa. Ông cũng khẳng định, thành phố sẽ cho nông dân vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để thực hiện được kế hoạch này.

Hiện tại, 30% nguồn nguyên liệu của Vinamilk thu mua trong nước. Riêng tại Củ Chi, Vinamilk đang thực hiện thu mua khoảng 65% sản lượng sữa từ các hộ nông dân. Doanh nghiệp này đang thực hiện chính sách trợ giá, hỗ trợ kỹ thuật cho khoảng 4.000 hộ nuôi bò sữa tại Củ Chi.

Chuyển sang nuôi bò thịt

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thời gian tới, thành phố sẽ có 2 chương trình phát triển đàn bò khác nhau, đó là thải dần những con bò sữa năng suất thấp, từng bước giảm đàn bò sữa từ gần 150.000 con xuống còn khoảng 100.000 con và phát triển đàn bò thịt.

Trước tình hình này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho những hộ nuôi bò sữa của thành phố, Giám đốc Sở NNPTNT thành phố Nguyễn Phước Trung trong buổi họp về chương trình bò thịt của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 đã khuyến cáo, nông dân nên đồng thời chuyển sang nuôi bò lai hướng thịt từ tinh giống cao sản nhập khẩu.

Theo ông Trung, khi người dân tham gia chương trình sẽ được thành phố hỗ trợ 100% giá trị 2 liều tinh và chi phí để phối giống cho 1 bò cái. Các hộ chăn nuôi có nhu cầu cần liên hệ với UBND xã hoặc phường để biết thêm thông tin về chương trình và đăng ký tham gia với Hội Nông dân, có xác nhận của UBND xã, phường.

Theo anh Nguyễn Trung Lập – một nông dân đang nuôi 24 con bò sữa ở huyện Củ Chi, nuôi bò sữa phải có kế hoạch nâng chất đàn bò để chất lượng sữa luôn đạt năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, việc nông dân đầu tư con giống một lúc là bất khả thi do giống khá đắt. Vì thế, theo anh Lập, các hộ nuôi nhỏ lẻ vài con nên nghĩ đến việc chuyển sang nuôi bò thịt – một hướng đi vừa khả năng và đang được ngành nông nghiệp thành phố khuyến khích, hỗ trợ.

Nghề nuôi và vỗ béo bò thịt đã manh nha tại huyện Củ Chi nhiều năm. Theo Hội Nông dân huyện, thời gian qua có khoảng 1.200 hộ nuôi bò sữa chuyển sang nuôi bò thịt. 


Có thể bạn quan tâm

Cấp trên 4,46 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân Cấp trên 4,46 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân

Đây là tổng khối lượng nước đã cấp từ các hồ thủy điện phía Bắc (cập nhật đến 12h ngày 7.2) trong cả 3 đợt lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân

08/02/2017
Thời tiết thất thường, nhiều vườn lan thất thu trước lễ Valentine Thời tiết thất thường, nhiều vườn lan thất thu trước lễ Valentine

Nhiều vườn lan ở TP.HCM đã chuẩn bị xong nguồn hàng nhưng cũng không ít nhà vườn lo lắng vì thời tiết thay đổi đột ngột.

08/02/2017
Nông dân lại chặt bỏ chuối vì không xuất khẩu được Nông dân lại chặt bỏ chuối vì không xuất khẩu được

Nông dân trồng chuối già hương giống cấy mô trên địa bàn 2 huyện Trảng Bom, Thống Nhất gặp cảnh khốn đốn khi vào vụ thu hoạch nhưng thương lái không thu mua

08/02/2017
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.