Trang chủ / Thống kê / Thống kê chăn nuôi

Tổng quan thị trường thịt lợn 7 tháng đầu năm 2020

Tổng quan thị trường thịt lợn 7 tháng đầu năm 2020
Tác giả: Thủy Chung
Ngày đăng: 27/08/2020

Giá lợn hơi liên tục tăng trong 5 tháng đầu năm, có thời điểm trên 100.000 đ/kg, tháng 6/2020 giảm 6- 8%; Tuy nhiên, tháng 7/2020 giá tăng trở lại

Giá lợn hơi trên cả nước liên tục tăng trong 5 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho nguồn cung sụt giảm, có thời điểm lên trên 100.000 đ/kg. Sang tháng 6/2020 khi có thông tin nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về Việt Nam thì giá giảm 6- 8%. Tuy nhiên, tháng 7/2020 giá tăng trở lại, miền Bắc lên 88.000 - 92.000 đ/kg; miền Trung 86.000 - 88.000 đ/kg; miền Nam 88.000 - 90.000 đ/kg.

Nguyên nhân, nguồn cung trong nước hạn hẹp và lượng nhập khẩu từ Thái Lan ít, do giá thịt lợn tại Thái Lan tăng mạnh sau khi dỡ bỏ biện pháp phong tỏa sau dịch Covid-19, nhu cầu của các nhà hàng và khách sạn tăng; việc mở lại các trường học cũng kích thích nhu cầu về thịt lợn. Bộ Thương mại Thái Lan đang cân nhắc việc hạn chế xuất khẩu lợn sau khi giá thịt tại nước này đã lên tới 170 - 180 baht/kg (5,37- 5,68 USD/kg), tương đương khoảng 124.000 - 132.000 đồng/kg, tăng trung bình khoảng 75 baht/kg so với hồi đầu năm 2020, giá thịt xuất khẩu đã tăng lên 86-87 baht/kg cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Nguồn cung lợn giống cũng khan hiếm, lợn đực giống sau dứt sữa, trọng lượng 7 - 8 kg/con giá 2 triệu đồng/con, lợn giống cỡ 17 - 18 kg/con giá 3 triệu đồng/con. Riêng lợn hậu bị trên 60 - 80 kg/con không có hộ chăn nuôi nào bán, dành để nuôi thương phẩm. Việc tái đàn, tăng đàn gặp nhiều khó khăn bởi dịch tả lợn Châu Phi rất nguy hiểm, virus có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp, chưa có vắc xin phòng bệnh.

Cung cầu

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, cả nước đã có gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, tương đương sản lượng 9,6%. Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu trên 5.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Dự kiến, trong năm 2020, Việt Nam sẽ nhập tổng cộng 10.000 con lợn ông bà, cụ kỵ để phục vụ công tác phục hồi đàn lợn trong nước.

Đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 25 triệu con, tương đương gần 81% tổng đàn lợn trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Hiện tổng đàn lợn nái cả nước đạt trên 2,9 triệu con, tăng xấp xỉ 7% so với đầu năm 2019, đạt 99,8% so với kế hoạch của quý 2/2020, trong đó có 115.000 con lợn cụ kỵ, ông bà. Cả nước hiện có trên 64.000 con lợn đực giống, đủ phối giống cho tổng đàn nái.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, dự kiến quí 3/2020 đạt hơn 1 triệu tấn; quí 4/2020 đạt gần 1,1 triệu tấn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhu cầu lợn thịt xuất chuồng trung bình mỗi quí năm 2018 (trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi) khoảng 920.000 tấn, như vậy đến cuối quí 3, đầu quí 4 sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn. Đến nay có 9 tỉnh tăng đàn lợn đạt trên 100% so với trước dịch; 9 tỉnh, thành tái đàn được trên 90%; 23 tỉnh tái đàn trên 70% và 22 tỉnh tái đàn dưới 70%. Riêng đàn lợn thịt của 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn tính đến hết tháng 6/2020 đạt trên 4,16 triệu con, tăng so với trước lúc xảy ra dịch tả lợn châu Phi là trên 66%, tăng so với 1/1/2020 xấp xỉ 31%.

Theo thông tin từ báo Công Thương, trong ngày 8/7/2020, lô 1.000 con lợn sống từ Thái Lan đã được Công ty Thùy Dương Phát nhập khẩu về đến Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Đến hết tháng 8, dự kiến công ty sẽ nhập khoảng 120.000 con lợn thịt từ Thái Lan, với trọng lượng 80 - 100 kg/con. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 12/6/2020, có 8 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, với số lượng dự kiến nhập khẩu hơn 1,9 triệu con.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Thương mại Thái Lan đang cân nhắc hạn chế xuất khẩu lợn sau khi giá thịt lợn tại nước này đã lên cao nhất trong 10 năm trở lại đây do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng. Như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ nguồn cung khan hiếm, đến rủi ro của dịch tả lợn châu Phi và cả nguy cơ khó khăn trong nhập khẩu lợn ngoại vốn được kì vọng sẽ "giải cứu" giá lợn đang ở mức cao .

Về nguồn cung lợn giống: Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước nhập khẩu 11.411 con lợn giống các loại (tăng 32,6 lần so cùng kỳ 2019), trị giá gần 8,1 triệu USD (tăng 15,3 lần), chủ yếu từ các thị trường: Thái Lan (chiếm 50,6%), Canada (33,2%), Mỹ (15,8%)...; nhập khẩu chủ yếu qua các cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị (chiếm 50,6%), sân bay Tân Sơn Nhất (38,8%) và Nội Bài (10,6%). Giá lợn giống nhập khẩu bình quân đạt 707 USD/con, giảm 52,9% (tương đương giảm 795,1 USD/con). Giá lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan chỉ bằng 62% so với giá bình quân chung của các nước. Nguyên nhân chủ yếu là do sự khác biệt về phẩm cấp giống. Các doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống bố mẹ, ông bà từ nhiều nước, trong khi nhập lợn nái lai F1 (Yorkshire X Landrace) từ Thái Lan .

Dự báo

Dựa trên phân tích thị trường thế giới và dịch bệnh, các chuyên gia nhận định người chăn nuôi còn rất e dè trong việc tái đàn, có thể đến năm 2021 tình hình mới khả quan hơn. Do đó, giai đoạn 2020-2021 giá thịt lợn sẽ có những khoảng biến động nhưng vẫn giữ ở mức cao, khả năng giá sẽ hạ nhiệt bắt đầu từ giữa năm 2021, giảm trong năm 2022 và ổn định trong những năm tiếp theo .

Dự báo giá thịt lợn tháng 8 vẫn ở mức cao do nguồn cung trong nước vẫn thiếu, hơn nữa nguồn nhập khẩu từ Thái Lan cũng hạn chế. Theo tính toán, sớm nhất quý 4/2020, nguồn cung mới tương đương trước khi có dịch.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO), nhập khẩu thịt lợn của toàn thế giới dự báo sẽ tăng 12%, trong đó của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 42% (thêm 1,2 triệu tấn, đạt 4,1 triệu tấn và tương đương 40% tổng khối lượng thịt lợn thương mại trên toàn cầu), Việt Nam tăng 65%, Philippines tăng 26%, Chile tăng 15% và Ukraina tăng 55%. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ giảm nhập khẩu vì tiêu thụ thực phẩm trong nước giảm sút.

Những nước dự báo sẽ tăng xuất khẩu thịt lợn trong năm nay là Mỹ (mặc dù sản lượng trong nước gặp khó khăn), EU (và Anh), Brazil, Canada, Mexico và Chile. Tiêu thụ ở các nước phương Tây giảm sẽ giúp bổ sung nguồn cung cho xuất khẩu trên toàn cầu. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm nay dự báo sẽ tăng 13%, phần lớn sang Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và Australia. Ở EU và Anh, nguồn cung nội địa tăng do tiêu thụ thịt lợn trong nước giảm mà sản lượng lại tăng. FAO cho rằng điều này có thể dẫn tới xuất khẩu tăng trong bối cảnh giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại, hiện gần sát mức cao kỷ lục lịch sử, dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt thế giới và lũ lụt nguy cơ làm bùng phát trở lại dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc.


Có thể bạn quan tâm

Giá lợn hơi ngày 25/8/2020, dao động trong khoảng 79.000-86.000 đồng/kg Giá lợn hơi ngày 25/8/2020, dao động trong khoảng 79.000-86.000 đồng/kg

Giá lợn hơi ngày 25/8/2020, trên cả 3 miền giảm từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg, hiện đang dao động trong khoảng 79.000 - 86.000 đồng/kg.

26/08/2020
Thị trường nguyên liệu - Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp Thị trường nguyên liệu - Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới 26/08/2020: Giá ngô tăng phiên thứ 4 liên tiếp

26/08/2020
Giá lợn hơi ngày 26/8/2020, tiếp tục giảm ở hai miền Bắc- Nam Giá lợn hơi ngày 26/8/2020, tiếp tục giảm ở hai miền Bắc- Nam

Giá lợn hơi ngày 26/8/202 tại hai miền Bắc- Nam tiếp tục giảm ở mức 1.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi miền Trung đi ngang so với phiên giao dịch hôm qua

27/08/2020