Tôm Việt hướng tới 10 tỷ USD: Con tôm Việt đang ở đâu?
LTS: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc tái cơ cấu ngành thủy sản, trong đó quyết đưa kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt giá trị 10 tỷ USD vào năm 2025. Sau chỉ đạo đó, Bộ NNPTNT đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025”, xác định tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm. Con đường nào đưa tôm Việt đến với ngưỡng 10 tỷ USD?
Trong ảnh: Thu hoạch tôm thẻ trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại Bạc Liêu.. Ảnh: Thanh Cường
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đến năm 2016, sản phẩm tôm của Việt Nam đã chính thức có mặt ở 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3,15 tỷ USD, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Tuy nhiên, theo phân tích ngành tôm cũng đang tồn tại hàng loạt vấn đề lớn như: Chưa chủ động được con giống tôm bố mẹ, thức ăn, thuốc thú y thủy sản và vật tư do các doanh nghiệp nước ngoài nắm 100%...
100% thức ăn cho tôm do doanh nghiệp nước ngoài nắm
Theo Bộ NNPTNT, mỗi năm nước ta đang phải nhập khẩu từ 180.000-260.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên, chỉ có tôm giống sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có giống sạch bệnh cho nuôi quảng canh, sinh thái. Mặt khác, cơ sở hạ tầng hệ thống thủy lợi đầu tư cho nuôi tôm cũng chưa được đầu tư thích đáng.
Đặc biệt, chuỗi quan trọng nhất trong giá trị ngành tôm là: Thức ăn, thuốc thú y thủy sản và vật tư thiết yếu phục vụ nhu cầu nuôi tôm chưa hoàn toàn chủ động sản xuất được. Thức ăn cho tôm hiện chiếm tới 60-70% giá thành sản xuất, nhưng có nghịch lý là hầu như 100% lượng thức ăn nuôi tôm do các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài kiểm soát, dẫn đến khả năng bị động và khó điều tiết về giá. Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, chúng ta mua thức ăn cho tôm với giá cao hơn vì buôn bán qua rất nhiều trung gian, đại lý cấp 1, 2, 3, 4… mỗi cấp thêm vài ngàn đồng, nên đẩy giá tăng lên. “Chỉ có những đại lý cấp dưới sát với người nuôi tôm nhất mới có thể thu được tiền thức ăn. Họ cộng thêm 5.000 – 6.000 đồng/kg, thậm chí 10.000 đồng/kg tôm để bù vào tình trạng không thu được tiền thức ăn”- ông Quang nói.
Một tồn tại nữa là tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của con tôm Việt. Đây cũng là vấn đề khiến các nhà sản xuất tôm Việt Nam rất bức xúc. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiệm- Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) lên tiếng: “Vấn đề bơm tạp chất phần lớn không phải nông dân mà đại lý mua về bán kiếm lời vì lợi nhuận cao. Nhà nước cần xử lý mạnh tay vì con tôm này nếu bán ra nước ngoài sẽ làm hình ảnh con tôm Việt Nam trở nên rất xấu xí, khó mở rộng thị trường. Từ đó mục tiêu đạt được 10 tỷ USD là khó thực hiện, theo tôi cần xử lý luôn người mua tôm về bơm tạp chất”.
Xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm công nghệ cao
Một trong những mục tiêu của Bộ NNPTNT đề xuất là sẽ xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm công nghiệp tôm công nghệ cao của cả nước. Quy hoạch các vùng nuôi tôm sinh thái, quảng canh, quy mô lớn tập trung tại các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh. Phát triển tôm càng xanh tại: Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau…
Hai giai đoạn cho mục tiêu 10 tỷ USD
Theo nội dung kế hoạch hành động phát triển ngành tôm của Bộ NNPTNT, mục tiêu đưa con tôm Việt đạt giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD sẽ được chia ra làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 2017-2020: Tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm thông qua áp dụng các tiến bộ về KHCN, tạo giá trị khác biệt của sản phẩm tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu giai đoạn này sẽ dừng ở mức 4,5 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 9,5%/năm. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 tấn với sản lượng đạt 850.000 tấn.
Giai đoạn 2021-2025: Hình thành ngành công nghiệp sản xuất tôm công nghệ cao và nuôi sinh thái quy mô lớn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt trên 12%/năm. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha với sản lượng đạt 1,1 triệu tấn; trong đó sẽ có 3.000 tấn tôm hùm xuất khẩu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ NNPTNT đã đề xuất các giải pháp: Tổ chức, rà soát và quy hoạch lại các vùng nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh ven biển miền Trung; sản xuất đủ giống tôm sạch bệnh với 600.000-800.000 con bố mẹ và 150-200 tỷ con tôm giống.
Đối với “gói” giải pháp về cơ chế, chính sách, Bộ NNPTNT đề xuất: Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào các khâu của chuỗi sản xuất tôm; giao, cho thuê sử dụng diện tích mặt nước; tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất lớn, tập trung, trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Đồng thời miễn, giảm thuế đất, thuế môn bài, phí môi trường, thủy lợi cho đầu tư nuôi tôm; có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đầu tư phát triển ngành tôm. Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị sẽ thành lập Hiệp hội Tôm Việt Nam.
Thị trường tới 7 tỷ dân
Trên thế giới, không có vật nuôi nào lại có thị trường rộng lớn như con tôm với 7 tỷ người sử dụng, các nước, các dân tộc đều ăn tôm được mà không cần phải ăn kiêng hay hạn chế sử dụng. Trong nước, chúng ta còn rất nhiều dư địa để phát triển cho ngành tôm, vì thế mục tiêu của chúng ta là phải biến Việt Nam trở thành công xưởng tôm của thế giới, thành trung tâm công nghiệp tôm lớn nhất khu vực.
Tôi nhận 2 tỷ USD
Vấn đề cần giải quyết của tôm Việt Nam là làm sao phải có nguyên liệu dồi dào đủ đáp ứng công suất nhà máy đạt 70% trở lên và làm sao giá thành con tôm Việt phải cạnh tranh được Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan... Hiện tại giá thành của ta cao hơn các nước trên. Chúng tôi làm việc với nhà nhập khẩu tôm của Việt Nam, họ nói rằng: Giá tôm của Việt Nam chỉ còn cao hơn Ấn Độ, Malaysia 5.000 đồng/kg, các nước sẽ dồn hết sang mua tôm Việt Nam, thì 10 tỷ USD xuất khẩu là trong tầm tay. Tôi nói thật, các nhà máy của Minh Phú mà hoạt động hết công suất 100% thì mỗi năm cũng mang về 1,5 tỷ USD rồi. Trong số 10 tỷ USD, Minh Phú sẽ nhận góp 2 tỷ USD.
3 khó khăn của người nuôi
Khó khăn lớn nhất của người nuôi tôm hiện nay là thông tin về thị trường, thông tin về KHKT. Thứ hai, hạ tầng nuôi tôm trong đó có môi trường ngày một kém. Lý do là một phần biến đổi khí hậu, một phần do sự thành công của các ngành nghề khác có lượng thuốc bảo vệ thực vật mà không phân hủy hết gây ảnh hưởng tới nguồn nước, tồn lưu và nằm dọc bờ biển. Thứ 3 là thiếu vốn đầu tư sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Trong tuần qua, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục ổn định ở mức giá cao, do nguồn cung từ các ao nuôi của người dân
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi với hướng đi an toàn và đúng hướng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp
Theo thạc sĩ Bùi Đức Đồng: “Chìa khoá thành công là phải làm sao để cá đủ ăn, đủ thở từ đó có sức đề kháng, dinh dưỡng tốt đảm bảo tăng trưởng nhanh...