Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Tôm thẻ và thực vật phù du: Bạn hay thù?

Tôm thẻ và thực vật phù du: Bạn hay thù?
Tác giả: Hà Tử
Ngày đăng: 06/07/2020

Hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm để thiết lập điều chỉnh hợp lý để hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống.

Thực vật phù du là mắt xích quan trọng trong ao nuôi thủy sản

Cộng đồng thực vật phù du có mặt trong nhiều môi trường nước khác nhau và ao tôm là một trong những môi trường thuận lợi nhất để chúng tồn tại và phát triển. Được xem là mắt xích quan trọng trong các hệ sinh thái nuôi thủy sản, nhân tố không thể thiếu để duy trì dòng năng lượng và chu kỳ dinh dưỡng. Trong quá trình nuôi, thức ăn dư thừa, phân của tôm và các chất hữu cơ nhờ vi khuẩn sẽ chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng. Và những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ được những thực vật phù du trong nước sử dụng, giúp chúng tăng sinh. Đổi lại sự tăng trưởng này, những thực vật đó sẽ làm giảm hàm lượng amoniac và nitrat có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch của tôm. Các chất hữu cơ do thực vật phù du sinh ra sẽ ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển trong ao. Do đó, thực vật phù du có thể được xem là một nhân tố quản lý môi trường, nhờ vào mật độ của chúng mà đánh giá được mức độ ô nhiễm của nước.

Mỗi loài thực vật phù du khác nhau cũng đòi hỏi những điều kiện dinh dưỡng khác nhau để phát triển khỏe mạnh. Cùng với sự tăng trưởng của tôm nuôi thì các chỉ tiêu chất lượng nước và điều kiện dinh dưỡng trong ao nuôi cũng sẽ thay đổi, điều này làm cho thành phần của cộng đồng thực vật phù du cũng thay đổi theo một cách linh hoạt. Với những lợi ích mang lại như vậy, cho nên cộng đồng phù du này đã góp mặt trong khá nhiều nghiên cứu và mang lại lợi ích rất khả quan. Tuy nhiên về thành phần của cộng đồng này, sự gia tăng sinh khối, sự trao đổi giữa các thành phần trong cộng đồng và khả năng hoạt động của từng thành phần riêng lẻ vẫn chưa được làm rõ.

Tôm thẻ chân trắng, loài nuôi có sản lượng cao nhất trong ngành thủy sản, với những lợi ích mà cộng đồng thực vật phù du mang lại thì người ta bắt đầu nghiên cứu sự phát triển của cộng đồng này trong ao tôm thẻ. Trong đó sẽ khám phá quá trình phát triển của các thành phần trong cộng đồng, mối quan hệ giữa cộng đồng này với môi trường, sự tăng sinh khối của chúng và cuối cùng là tiềm năng phát triển của chúng đối với hiệu suất của tôm.Từ đó bổ sung thêm kiến thức về ý nghĩa của hệ sinh thái đối với các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Thông qua việc sử dụng công nghệ để phân tích, người ta thấy rằng cấu trúc của cộng đồng thực vật này sẽ thay đổi theo thời gian, tháng thứ nhất, tháng thứ 2 và tháng thứ 3 của chu kỳ nuôi là hoàn toàn khác biệt nhau. Và sự khác biệt này được giải thích là do có mối tương quan chặt chẽ với những biến đổi của môi trường. Tổng cộng có 85 loài (hoặc chi) đã được xác định trong tất cả các mẫu được phân tích, sinh khối dĩ nhiên cũng tăng lên theo thời gian canh tác, cụ thể ngày thứ 77 so với ngày thứ 7 đã tăng gấp 10 lần. Sự ảnh hưởng của các yếu tố thủy lý hóa trong môi trường lên cấu trúc của cộng đồng thủy sinh này đã được khám phá và cho ra những kết luận hết sức bất ngờ. Ở tháng đầu tiên trong chu kỳ nuôi tôm, tuy mật độ thực vật phù du này còn thấp nhưng thành phần lại phức tạp nhất và có sự cạnh tranh gay gắt với nhau trong cộng đồng. Còn khi tôm đã nuôi đến tháng thứ 3 thì mật độ cộng đồng này lớn, nhưng ổn định và cấu trúc lại tương đối đơn giản.

Thêm một phát hiện nữa là những loài đầu tiên hình thành trong cộng đồng này là những loài tiên phong, có khả năng phản ứng nhanh chóng với các thay đổi bất ngờ của môi trường, chúng cung cấp nhiều “nguyên liệu” xử lý môi trường với áp lực cạnh tranh ít hơn. Một cộng đồng thực vật phù du tốt phải có đầy đủ các “phẩm chất” bao gồm sự đa dạng các loài cao, sinh khối lớn, ít cạnh tranh và những điều này phù hợp nhất với tháng thứ 2 trong chu kỳ nuôi. Tại tháng thứ 2 này, đa dạng nhất trong cộng đồng là tảo khuê, loài tảo có lợi trong ao nuôi. Khi mật độ cộng đồng thực vật phù du này trong ao giảm xuống thì áp lực lại được đặt lên hệ vi sinh vật đường ruột, buộc chúng phải làm việc nhiều hơn, cạnh tranh với những vi khuẩn cơ hội trong ao.

Trên thực tế các chất dinh dưỡng trong những ao nuôi tôm thâm canh rất nhiều thậm chí là quá mức trong suốt quá trình nuôi nên sẽ không trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của cộng đồng thực vật phù du được. Cấu trúc của cộng đồng này thay đổi được xác định là do các động vật phù du, vì hai cộng đồng này sẽ cạnh tranh trực tiếp về không gian sống chật hẹp và các “nguyên liệu sống” trong tự nhiên. Tuy nhiên khi cộng đồng thực vật phù du giải phóng “năng lượng” sẽ tạo điều kiện cho động vật phù du phát triển.

Chúng ta đều biết sự phú dưỡng của tảo sẽ làm tôm nuôi giảm tốc độ tăng trưởng hoặc nặng hơn là tử vong. Nguyên nhân chính được giải thích là do phá vỡ sự ổn định của cộng đồng sinh vật, từ đó tạo những “lỗ hổng” cho những loại tảo này phát triển quá mức và bên cạnh đó là không gian kín của ao nuôi làm một loạt các yếu tố môi trường thay đổi cùng lúc sau thời gian dài cuối cùng là sự “bùng nổ” của thực vật. Do đó, sự ổn định của cộng đồng thực vật phù du phải là sự quan tâm hàng đầu trong quá trình nuôi tôm, sự bất ổn của cộng đồng này sẽ gây ra hiện tượng tảo nở hoa và dẫn tới sự phát triển của các mầm bệnh cơ hội cho tôm.

Thú vị hơn là cộng đồng động vật phù du sẽ có nhiều biến động hơn cộng đồng thực vật trong ao. Điều đó có thể là do sự thích nghi tốt của vi khuẩn ở nhiều môi trường khác nhau làm cho chúng  phân tán rộng rãi. Nhưng cộng đồng thực vật phù du lại thể hiện sự mạnh mẽ hơn rất nhiều trước những thay đổi của môi trường. Đã có thêm một sự hiểu biết rõ hơn về hệ sinh thái ao nuôi tôm, từ đó những điều chỉnh hợp lý sẽ được thiết lập hướng tới sự ổn định của toàn hệ thống. Và cung cấp những hướng tiềm năng nhằm mục đích tối ưu hóa và phát triển các chiến lược quản lý những nguồn tài nguyên có sẵn trong ao.


Có thể bạn quan tâm

Biện pháp xử lý ao nuôi tôm thiếu oxy Biện pháp xử lý ao nuôi tôm thiếu oxy

Thiếu ôxy trong ao nuôi tôm do rất nhiều nguyên nhân gây ra như: Do áp suất khí quyển giảm, nhiệt độ và độ mặn tăng

30/06/2020
Khoáng vi lượng - “chất liệu sống” của tôm thẻ chân trắng Khoáng vi lượng - “chất liệu sống” của tôm thẻ chân trắng

Khoáng chất là thành phần dinh dưỡng quan trọng tham gia trực tiếp vào những quá trình sinh lý của động vật thủy sản trong đó có tôm thẻ chân trắng.

04/07/2020
Tăng trưởng bù ở tôm thẻ sau bất lợi về nhiệt độ và dinh dưỡng Tăng trưởng bù ở tôm thẻ sau bất lợi về nhiệt độ và dinh dưỡng

Đánh giá tăng trưởng bù ở tôm thẻ trong hệ thống biofloc sau khi stress nhiệt độ thấp và hạn chế về dinh dưỡng.

06/07/2020