Tôm tăng giá, nông dân chờ vụ cuối năm
Sau gần 3 tháng giá tôm chạm đáy, hiện giá tôm nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại. Nhiều hộ nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bắt đầu thả giống cho vụ nuôi mới.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng năm 2023 tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn. Từ tháng 8-2023 đến nay, thị trường xuất khẩu bắt đầu có những tín hiệu tốt, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các thị trường lớn dần tăng trở lại. Dự báo những tháng cuối năm 2023, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các nước sẽ tăng để phục vụ dịp lễ giáng sinh và năm mới.
Trên địa bàn Kiên Giang, các doanh nghiệp gia tăng công suất chế biến để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào dịp cuối năm, do đó nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu tăng trở lại, giá tôm trên thị trường tăng nhẹ.
So với thời điểm cách đây 3 tháng, hiện giá thu mua nhiều loại tôm sú, tôm thẻ chân trắng tăng với mức dao động từ 20.000-35.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 92.000 đồng, tôm thẻ chân trắng loại 40-50 con/kg giá 105.000-116.000 đồng.
Giá tôm tăng nhưng lượng tôm không còn nhiều, do trong thời gian giá tôm giảm nhiều hộ lo lỗ vốn nên chưa thả giống vụ mới. Ông Nguyễn Văn Sơn, ngụ ấp Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cho biết: “Mấy tháng qua giá tôm giảm mạnh nên tôi “treo ao” chờ giá tăng mới thả nuôi vụ mới. Thương lái hỏi mua tôm với giá cao nhưng không có tôm để bán”.
Giá tôm phục hồi phần nào giải tỏa áp lực rủi ro đối với các hộ nuôi tôm. Nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu cải tạo, thả nuôi vụ mới với nhiều kỳ vọng đến cuối năm giá tôm tiếp tục tăng, người dân có thể gỡ lại phần nào chi phí đầu tư cho vụ trước.
Anh Nguyễn Văn Vũ, ngụ ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương cho biết: “Vụ nuôi vừa qua, giá tôm giảm mạnh kéo dài, chi phí đầu tư cao trong khi giá bán quá thấp, tôi lỗ gần 200 triệu đồng, nợ đại lý tiền thức ăn. Vụ này tôi thả 400.000 con giống, hy vọng giá tôm tăng để gỡ lại chi phí đầu tư vụ trước”.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, tính đến ngày 6-10, toàn tỉnh thả 135.430ha tôm nước lợ với nhiều mô hình nuôi khác nhau như tôm quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm thâm canh và bán thâm canh. Sản lượng tôm nuôi ước đạt 111.818 tấn. Các doanh nghiệp, người dân đang tích cực cải tạo, thả nuôi để đảm bảo sản lượng tôm nuôi đề ra theo kế hoạch năm 2023 là 120.500 tấn.
Trong bối cảnh giá thức ăn, các loại thuốc thú y thủy sản phục vụ nghề nuôi tôm vẫn còn ở mức cao, để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiết kiệm chi phí và tối đa hóa lợi nhuận, người nuôi tôm tuân thủ những khuyến cáo về lịch thời vụ thả tôm của ngành chuyên môn, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.
Khuyến cáo trong nuôi tôm thâm canh, chi phí thức ăn chiếm hơn 50% tổng giá thành sản xuất, do đó người nuôi nên chọn loại thức ăn có chất lượng tốt, phù hợp với cỡ tôm, cân đối lượng thức ăn phù hợp với sản lượng tôm có trong ao tránh cho ăn thừa gây lãng phí và tốn chi phí xử lý nước.
Các hộ nuôi tôm lựa chọn con giống chất lượng tốt và sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi để nâng tỷ lệ sống, góp phần thành công đáng kể trong vụ nuôi. Chọn quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn (2-3 giai đoạn) và mật độ thích hợp góp phần giảm chi phí sử dụng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang Nguyễn Sỹ Minh cho rằng đang vào mùa mưa, thời tiết bất lợi tôm nuôi, tôm dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm cần thường xuyên theo dõi diễn biến để bổ sung các loại khoáng chất, vitamin nhằm tăng cường dinh dưỡng và khả năng đề kháng giúp tôm chống chịu lại thời tiết bất thường; sử dụng men vi sinh vào môi trường nước nuôi giúp phân hủy bùn bã hữu cơ và ổn định môi trường nước trong ao.
- Dải áp suất và lưu lượng rộng
- Độ rung thấp, vận hành êm ái
- Trục vít 2 thùy nằm ngang
- Đơn giản, cấu trúc gọn
- Cung cấp không khí hoàn toàn sạch
- Hệ nén trục vít mạnh mẽ
- Roto được thiết kế đặc biệt
- Hoạt động liên tục, bền bỉ