Tôm sinh thái: Lựa chọn đúng đắn
Việt Nam là một trong 6 quốc gia (Bangladesh, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines) có cung cấp sản phẩm tôm sú cho thị trường thế giới. Việc khơi dậy và phát triển tôm sú với hình thức nuôi sinh thái đang là hướng đi được nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi tôm tại Việt Nam lựa chọn phát triển.
Giữ vững thế mạnh
Khái niệm tôm sinh thái xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2015, tôm sinh thái là một sản phẩm ngon, bổ dưỡng và đặc biệt là góp phần bảo vệ và giữ gìn môi trường nuôi.
Năm 2018, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP. Mục tiêu của dự án là phát triển mô hình nuôi tôm sú bền vững không lạm dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo ATTP, gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm. Theo dự án, sẽ xây dựng 24 mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh đảm bảo ATTP, quy mô 5 ha/mô hình đạt các chỉ tiêu kỹ thuật: Năng suất vùng hạ trên 1 tấn/ha, vùng trung và cao triều năng suất đạt trên 2 tấn/ha; cỡ thu hoạch đạt từ 40 con/kg; tỷ lệ sống trên 60%. Quá trình nuôi theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới đảm bảo ATTP…
Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đang duy trì thế mạnh về phát triển con tôm sú, đặc biệt chúng ta có lợi thế về chứng nhận tôm sú sinh thái, tôm sú hữu cơ đã có vị trí trên thị trường. Thời gian vừa qua, trong định hướng thị trường ngành tôm, ngoài nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng hình thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, thì tôm sú sinh thái, tôm - rừng, tôm - lúa và tôm quảng canh là thế mạnh của ngành tôm.
Lựa chọn của tương lai
Trong khi nuôi tôm ngày một khó khăn hơn do môi trường nuôi ngày một ô nhiễm, những chất thải trong quá trình nuôi tôm chưa được xử lý triệt để, tình trạng các lô tôm xuất khẩu còn phát hiện dư lượng hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép… thì nuôi tôm theo hình thức sinh thái là một giải pháp cần được quan tâm hơn cả. Bởi, tôm sinh thái có nhiều ưu việt từ chất lượng sản phẩm đến vấn đề bảo vệ môi trường và nhất là được nhiều thị trường ưa chuộng. PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết, môi trường dưới tán rừng trong lành nên con tôm ít bị dịch bệnh. Người nuôi không phải chi phí cho thuốc hay thức ăn nên lợi nhuận cũng cao hơn. Dĩ nhiên, giá bán của tôm cũng cao hơn so với tôm nuôi các hình thức khác.
Cà Mau là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nuôi tôm nói chung và đặc biệt là phát triển các diện tích nuôi tôm sinh thái. Hiện, tỉnh được các tổ chức quốc tế chứng nhận sản phẩm tôm sinh thái với diện tích trên 11.000 ha; phấn đấu đến năm 2020, xây dựng chứng nhận cho tất cả diện tích tôm - rừng tại địa phương lên 30.000 ha.
Theo nghiên cứu của ICAFIS, giá tôm sinh thái cao hơn tôm công nghiệp trong khoảng 0,86 - 1,3 USD/kg. Năm 2016, đã có 2.000 hộ nông dân được cấp chứng chỉ xác nhận nuôi tôm sinh thái và sẽ có thêm khoảng 3.000 hộ khác được cấp phép cho đến năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh đốm đỏ là một dịch bệnh theo mùa kèm theo điều kiện về tầm quan trọng của cá nuôi nước ngọt và cá hoang dã ở các cửa sông
Cà Mau có một lợi thế lớn trong việc phát triển các mô hình kinh tế thủy sản, nhất là nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và siêu thâm canh
Bệnh thận do vi khuẩn (BKD) là bệnh do vi khuẩn mạn tính được báo cáo đầu tiên ở quần thể cá hồi Đại Tây Dương ở các sông Spey và Dee ở Scotland năm 1933