Tóm lược tình hình thị trường thức ăn chăn nuôi thế giới tháng 8/2020 và dự báo
Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN & NL) thế giới tháng 8/2020 tăng so với tháng trước đó và cùng tháng năm ngoái. Trái với xu hướng đó, giá TĂCN & NL trong nước duy trì ổn định so với tháng trước do nhu cầu giảm bù đắp chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển tăng.
Giá TĂCN & NL thế giới tháng 8/2020 tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong 8 tháng đầu năm 2020 so với tháng trước đó và tăng so với cùng tháng năm ngoái. Nguyên nhân chính do nhu cầu toàn cầu tăng, cùng với đó là thông tin điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng ngô, đậu tương và lúa mì tại Mỹ, Brazil và Ukraine. Dự kiến sản lượng ngô của Mỹ – nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới – niên vụ 2020/21 sẽ giảm do cơn bão đổ bộ vào khu vực trồng ngô trọng điểm – Iowa – chiếm hơn 1/2 diện tích trồng ngô của nước này. Trong khi đó, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hơn 1/2 số lượng đàn lợn của Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN & NL hàng đầu thế giới - bị tiêu hủy, song ngành chăn nuôi của nước này đã dần hồi phục đẩy nhu cầu TĂCN & NL tăng và hỗ trợ giá.
Ngô: Trong tháng 8/2020, giá ngô tại Chicago ở mức 155,4 USD/tấn, tăng 1,87% so với tháng 7/2020, song giảm 5,01% so với tháng 8/2019. Trong phiên giao dịch ngày 13/8/2020, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Chicago tăng lên 3,4-3/4 USD/bushel (136,8 USD/tấn) – cao nhất hơn 1 năm, sau khi cơn bão đổ bộ vào khu vực sản xuất ngô trọng điểm của Mỹ - bang Iowa – chiếm hơn 1/2 diện tích trồng ngô của nước này. Nguyên nhân chính là do nhu cầu tăng, cùng với đó là giá dầu thô tăng mạnh khiến nhu cầu ethanol sản xuất từ ngô tăng.
Lúa mì: Giá lúa mì biến động trái chiều, tăng tại thị trường Chicago song giảm tại thị trường EU và Nga, mặc dù nguồn cung toàn cầu suy giảm bởi hạn hán tại Nga và Ukraine, thời tiết bất lợi tại Đức và Pháp ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì. Trên sàn Chicago, giá lúa mì trong tháng 8/2020 tăng 1,67% so với tháng 7/2020 và tăng 9,51% so với tháng 8/2019 lên 216,3 USD/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu lúa mì loại 12,5% protein của Nga kỳ hạn tháng 9/2020 trong tuần tính đến ngày 14/8/2020 giảm 4 USD xuống 201 USD/tấn, FOB, mặc dù dự báo sản lượng lúa mì Nga niên vụ 2019/20 ước đạt 73,61 triệu tấn và Ukraine ước đạt 29,17 triệu tấn – thấp hơn nhiều so với dự kiến của các nhà phân tích. Đồng thời, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Euronext (Pháp) giảm 1,5 euro tương đương 0,8% xuống 181 euro/tấn, giảm trở lại từ mức cao nhất 3 tuần (185 euro/tấn) hồi đầu tháng 8/2020, do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì tại Pháp.
Đậu tương: Cùng với xu hướng giá ngô và lúa mì, giá đậu tương trên sàn Chicago trong tháng 8/2020 tăng 0,9% so với tháng 7/2020 và tăng 6,01% so với tháng 8/2019 lên 384,5 USD/tấn. Trong phiên ngày 20/8/2020, giá đậu tương tăng lên 9,19-1/2 USD/bushel – cao nhất gần 8 tháng. Nguyên nhân chính do thời tiết khô tại một số khu vực Trung tây Mỹ và nhu cầu của Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN hàng đầu thế giới – tăng khi nước này nới lỏng các hạn chế sau nhiều tháng đóng cửa do virus corona gây ra. Cùng với đó, số đàn lợn của Trung Quốc đã dần hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi bùng phát làm giảm hơn 1/2 số đàn lợn của nước này. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ giá. Trong tháng 8/2020, Trung Quốc đã hủy mua đậu tương Brazil thay vì Mỹ do chênh lệch giá giữa 2 nước ngày càng nới rộng. Giá đậu tương Brazil tăng do nguồn cung cạn kiệt, trong khi đó vụ thu hoạch của Mỹ đang cận kề và các thương nhân dự đoán Mỹ sẽ có vụ thu hoạch bội thu – đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2016. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 7,3 tỉ USD hàng nông sản sang Trung Quốc, chỉ đạt 20% mục tiêu 36,5 tỉ USD đề ra trong thỏa thuận thương mại đã ký hồi đầu năm 2020.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 7/2020 tăng lên 10,09 triệu tấn, so với 8,63 triệu tấn tháng 7/2019, song thấp hơn mức cao kỷ lục 11,16 triệu tấn tháng 6/2020. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu đậu tương Trung Quốc đạt 55,14 triệu tấn, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng đậu tương Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt 18,1 triệu tấn, không thay đổi so với ước tính tháng trước đó song tăng 13,3% so với năm trước đó, trong khi khối lượng đậu tương nghiền ở mức 90,5 triệu tấn. Tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng đều đặn và tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu trong 10 năm tới.
Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc trong năm 2021 dự kiến sẽ đạt 96 triệu tấn, tăng lên 96,62 triệu tấn năm 2025 và 99,52 triệu tấn năm 2029. Trung Quốc là nước mua và tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, thường nhập khẩu hàng triệu tấn đậu tương mỗi năm để nghiền thành khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.
Bột cá: Giá bột cá tại thị trường Peru trong tháng 8/2020 tăng 0,29% so với tháng 7/2020 và tăng 3,78% so với tháng 8/2019 lên 1.491,23 USD/tấn. Nguyên nhân chính do nhu cầu bột cá tăng trở lại, sau khi dịch tả lợn châu Phi đã khiến một số lượng lớn đàn lợn ở hầu hết các châu lục suy giảm mạnh. Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới đã dần mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 cũng khiến nguồn cung bột cá không bị gián đoạn.
Cung – cầu: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang trở thành mối đe dọa không chỉ với kinh tế của hai nước này, mà còn với phần còn lại của thế giới. Mới đây, Trung Quốc đẩy mạnh mua nông sản của Mỹ như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại đã ký hồi tháng 1/2020, song mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ. Số liệu của USDA cho biết, trong nửa đầu năm nay, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 7,3 tỉ USD hàng nông sản sang Trung Quốc, chỉ mới đạt 20% của mục tiêu 36,5 tỉ USD đề ra trong thỏa thuận thương mại.
Cùng với đó là dịch bệnh tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới mặc dù đã được kiểm soát, song lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai gia tăng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và kéo nhu cầu giảm. Tuy nhiên, lũ lụt tại khu vực phía nam Trung Quốc, khiến nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng lương thực và làm gia tăng nhu cầu sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy nhu cầu TĂCN & NL. Trong khi đó, hạn hán tại Nga và Ukraine, thời tiết bất lợi tại Pháp và Đức ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì, kéo sản lượng giảm và tác động đến nguồn cung lúa mì toàn cầu.
Dự báo: Giá TĂCN & NL thế giới tháng 9/2020 sẽ tiếp tục tăng, mặc dù đại dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể kéo dài đến hết năm 2020. Tuy nhiên, mới đây các công ty dược phẩm Anh và Nga công bố sản xuất thành công vắc xin có thể ngăn chặn virus corona. Điều này đã làm giảm bớt suy thoái kinh tế toàn cầu, thúc đẩy nhu cầu sản phẩm chăn nuôi tăng cũng như nhu cầu TĂCN & NL tăng.
Có thể bạn quan tâm
Giá lợn hơi ngày 1/9/2020 tiếp tục giảm mạnh trên cả nước, hiện dao động trong khoảng 75.000 - 81.000 đồng/kg.
Theo tieudung.vn, ngày 2/9/2020 giá lợn hơi tiếp tục giảm trên cả nước, dao động trong khoảng 1.000-3.000 đồng/kg, nhiều địa phương giá chỉ còn 74.000 đồng/kg
Thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới 03/09/2020: Giá đậu tương tăng phiên thứ 9 liên tiếp