Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Tôm đỏ Argentina: Đối thủ của tôm nuôi

Tôm đỏ Argentina: Đối thủ của tôm nuôi
Tác giả: Thủy Sản Việt Nam
Ngày đăng: 09/02/2018

Nếu như ngành thủy sản thế giới có một danh sách những sản phẩm thuộc hàng ngũ “ngôi sao mới” thì chắc chắn tôm đỏ của Argentina sẽ đứng đầu. Do đâu sản phẩm này luôn được người tiêu dùng săn đón?

Khai thác tôm ở Argentina 

Hút khách

Nhờ tiến bộ trong công nghệ khai thác, chế biến và quản lý mà sản lượng tôm khai thác ngày càng tăng trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho sự tấn công dồn dập của một số sản phẩm tôm tự nhiên vào các thị trường toàn cầu. Trong năm qua, tôm đỏ Argentina đổ bộ thị trường Trung Quốc và Mỹ; dù không cạnh tranh về khối lượng với tôm nuôi, nhưng về độ hút khách hơn hẳn nên chúng được đánh giá là đối thủ nặng ký của tôm nuôi. 

Ngoài ra, các nhà quản lý tại Argentina cũng nỗ lực quản lý khai thác theo các tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ nguồn lợi tôm đỏ suốt nhiều năm qua. Chính phủ cũng xây dựng nhiều quy định về khai thác bền vững và thực hiện 2 dự án cải thiện nghề cá (FIPs) để hỗ trợ ngành khai thác tôm đỏ, nâng cấp hình ảnh sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Matt Fass, Giám đốc hãng thủy sản quốc tế Newport News, bang Virginia, trực thuộc tập đoàn Maritime, Mỹ cho biết, khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, tôm đỏ Argentina thực sự là một “ngôi sao mới” trong làng thủy sản. Trước đây, sản phẩm này không được nhiều hãng kinh doanh để ý đến vì họ luôn cho rằng tôm đỏ không ngon, mềm và xốp hơn các loại tôm khác nên rất khó chế biến. Nhưng ngày nay, tôm đỏ có một sức hút lạ kỳ bởi chất lượng của con tôm này đã được cải thiện rất nhiều do ngư dân Argentina thu hoạch cũng như chế biến đúng phương pháp để biến tôm đỏ thành một sản phẩm “độc nhất vô nhị”.

Tôm đỏ khác biệt do đây là sản phẩm của một nghề truyền thống lâu đời qua nhiều thế hệ tại Argentina với khởi đầu từ các hộ ngư dân khai thác thủ công theo quy mô nhỏ trên Đại Tây Dương. Khi thưởng thức tôm đỏ, người tiêu dùng thường liên tưởng tới tôm hùm bởi màu sắc bắt mắt và lôi cuốn của sản phẩm. Chính điều này cũng tạo ra sức hấp dẫn riêng cho sản phẩm tôm đỏ Argentina, Fass chia sẻ.

Chất lượng

Ban đầu, sự thiếu đồng nhất về chất lượng do có nhiều loại tôm đỏ được khai thác và bảo quản theo các phương pháp khác nhau khiến người tiêu dùng và các hãng bán lẻ khó đánh giá được giá trị thực của sản phẩm. Hãng Maritime chế biến tất cả các sản phẩm tôm đỏ tại Argentina sau đó bán cho khách hàng ở Mỹ. Fass nhấn mạnh, chất lượng của các sản phẩm cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực chế biến của từng đơn vị sản xuất. Maritime chọn cách thức hợp tác độc quyền với một hãng sản xuất tại Argentina là Grupo Veraz để nâng cao chất lượng tôm đỏ bởi Grupo sở hữu hai dây chuyền chế biến tôm đỏ khép kín đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Giám đốc kinh doanh của Grupo Veraz là Federico Angeleri cho biết, đa số người mua hàng luôn quan tâm chất lượng hàng đầu vì đặc tính của khai thác tôm đỏ là đạt sản lượng lớn trong thời gian khai thác ngắn – bình quân 12 giờ làm việc trong 1 ngày ngư dân thường thu được 18 tấn tôm. Bởi vậy khâu quản lý khai thác cực kỳ quan trọng và góp phần đảm bảo sản phẩm được chế biến chuẩn ngay từ đầu.

Do các hộ khai thác tôm đỏ Argentina là ngư dân hoạt động độc lập nên đã mang lại sự độc đáo cho sản phẩm nhưng lại đặt ra một thách thức cho nhà sản xuất trong thu gom và chế biến nguyên liệu. Một vài hãng sản xuất phải mất 7 tiếng đồng mới gom đủ mẻ hàng để đưa về nhà máy chế biến.

Trước thực tại đó, các nhà quản lý ngành tôm đỏ tại Argentina đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, liên kết các hộ ngư dân cùng khai thác và bao tiêu sản phẩm, chú trọng bền vững và khuyến khích nhà máy nâng cao chất lượng sản phẩm trên phạm vi toàn cầu. Trung tâm phát triển nghề cá bền vững phi lợi nhuận (CeDePesca) đã đứng ra tổ chức nhiều hội thảo và tạo cơ hội cho các hãng sản xuất cùng thảo luận để tìm ra cách phát triển ngành tôm đỏ. Thông qua các dự án cải thiện nghề cá (FIPs), các thành viên tham gia sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận chứng nhận bền vững. Cuộc họp  gần đây nhất được tổ chức vào tháng 9/2017 đã quy tụ nhiều nhà quản lý tại Argentina, ngư dân, hãng chế biến tôm, các hãng nhập khẩu nước ngoài cùng bàn bạc và đưa sáng kiến xây dựng chuỗi liên kết bền vững, hiệu quả song song bảo vệ nguồn lợi nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức.

Mục tiêu vươn xa

Nhu cầu tiêu thụ tôm đỏ Argentina trên toàn cầu vẫn đang tăng cao suốt 10 năm qua. Riêng thị trường Mỹ đã nhập khẩu gần 200 tấn tôm đỏ Argentina từ nhiều nhà chế biến trong năm 2011 nhưng nhập khẩu trực tiếp từ thị trường Argentina đã tăng lên 4.500 tấn vào năm 2016.

Cách đây 10 năm, nước nhập khẩu tôm đỏ Argentina lớn nhất là Tây Ban Nha với khối lượng chỉ khoảng 50.000 tấn. Những năm sau đó, khối lượng nhập khẩu tăng trung bình 15% nhưng tôm đỏ vẫn không được chú ý tại châu Âu do thị trường lúc đó quá nhiều tôm nuôi nhập khẩu giá rẻ làm giá tôm đỏ cũng sụt giảm liên tục.

Nhận thấy thị trường Mỹ mới và tiềm năng hơn, các hãng chế biến tôm đỏ Argentina chuyển hướng sang thị trường này. Gần đây, Trung Quốc trở thành một thị trường nhập khẩu tôm đỏ với sức tiêu thụ khổng lồ. Trong khi phần lớn tôm đỏ được nhập về chế biến để tái xuất nhưng thực tế, tiêu thụ tại nội địa Trung Quốc cũng đang tăng rất mạnh.

Tại Mỹ, hãng Maritime phân phối sản phẩm tôm đỏ cho cả chuỗi cửa hàng bán lẻ và dịch vụ thực phẩm. Theo Fass, đại diện Maritime, tôm đỏ vào thị trường Mỹ sau nhiều sản phẩm tôm nuôi nhưng tới nay đã nổi tiếng khắp thế giới, không riêng thị trường Mỹ. Công ty cũng đặt mục tiêu năm tới sẽ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tôm nguyên con và quảng bá như một sản phẩm truyền thống.

Nhờ quản lý tốt, sản lượng khai thác tôm năm 2017 của Argentina đạt kỷ lục 220.000 tấn, tăng 25% so năm 2016. Dù nguồn cung tăng, nhưng giá sản phẩm này chưa khi nào hạ nhiệt bởi tôm đỏ Argentina được khẳng định bằng chất lượng đỉnh cao, hình ảnh sản phẩm bắt mắt và được đón nhận tại tất cả các thị trường trên thế giới. 


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cá trên lòng hồ sông Đà: Hiệu quả cao nhờ khai thác đúng hướng Nuôi cá trên lòng hồ sông Đà: Hiệu quả cao nhờ khai thác đúng hướng

Nhiều hộ dân trên lòng hồ sông Đà và các công ty khai thác nuôi trồng thủy hải sản đã gặt hái được nhiều thành công trong việc nuôi cá trên lòng hồ sông Đà.

09/02/2018
Vào vụ mới nuôi tôm nước lợ Vào vụ mới nuôi tôm nước lợ

Năm nay nhiều hộ nuôi đầu tư ao nuôi bài bản, liên kết sản xuất và chọn mua con giống chất lượng về thả nuôi.

09/02/2018
Xuất khẩu tôm 2017: Kỳ tích! Xuất khẩu tôm 2017: Kỳ tích!

Với kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, tăng 22,3% so với năm 2016, ngành tôm Việt Nam đã tạo ra cột mốc mới về sản xuất, xuất khẩu đồng thời chuyển mạnh

09/02/2018
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.