Tôm chết hàng loạt: Bộ tư vấn, địa phương chủ động hỗ trợ
Hiện nay tại nhiều tỉnh, đặc biệt là Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu đang diễn ra tình trạng tôm chết hàng loạt, nguyên nhân của tình trạng này là gì thưa ông?
- Từ tháng 4 đến nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua đợt hạn mặn khốc liệt do hiện tượng El Nino, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản ở nhiều tỉnh. Cũng trong thời gian đó, Bộ NNPTNT đã tổ chức rất nhiều đoàn công tác đến các địa phương để nắm bắt tình hình. Gần đây nhất là giữa tháng 5, đoàn công tác do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã đến tìm hiểu tình hình tại nhiều tỉnh ĐBSCL như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.
Tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nhất là Cà Mau, diện tích nuôi tôm bị ảnh hưởng tới trên 52.000ha, trong đó trên 17.000ha bị thiệt hại trên 70%, còn Kiên Giang và Bạc Liêu mỗi tỉnh có khoảng 12.000ha bị ảnh hưởng. Thời điểm đoàn đi kiểm tra tình hình, có những nơi độ mặn lên đến 50g/l, thậm chí 60g/l, cá tôm chết hết. Làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị tỉnh Cà Mau phải nhanh chóng công bố thiên tai đối với tôm đồng thời có giải pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, đặc biệt là các hộ dân sống dựa vào con tôm.
Ngày 31.5 tỉnh Cà Mau gửi báo cáo thiệt hại mới nhất lên Bộ NNPTNT, con số thiệt hại là 53.000ha, ước tính kinh phí hỗ trợ người nuôi tôm khoảng 142 tỷ đồng. Tỉnh đã công bố thiên tai cấp độ 2 đối với nuôi tôm (trước ngày 18.5 tỉnh này cũng có công bố thiên tai trên cây lúa). Đây là cơ sở để chính quyền có phương án hỗ trợ cho người dân theo quy định.
Trước tình hình khó khăn ở các tỉnh ĐBSCL, Bộ NNPTNT đã có những chỉ đạo và những sự hỗ trợ như thế nào để địa phương khắc phục thiên tai, người dân sớm ổn định sản xuất?
- Hiện nay Tổng cục Thủy sản đã có một đoàn công tác luôn thường trực ở 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu nhằm nắm bắt tình hình, hướng dẫn, giúp đỡ địa phương thống kê thiệt hại, giải quyết khó khăn cho các hộ, tổng kết các mô hình hay và các kinh nghiệm quý từ thực tiễn để trên cơ sở đó phổ biến, nhân rộng.
Bên cạnh các vùng bị thiệt hại, chúng tôi cũng nhận thấy có một số hộ dân có cách làm rất hay như sử dụng các chế phẩm vi sinh, sử dụng các biện pháp tạo nơi cư trú cho tôm, có những mô hình làm gièo giống (sử dụng diện tích nhỏ trong ao lớn để ương con giống). Đến khi điều kiện thời tiết thuận lợi họ sẽ thả con giống ra nuôi, từ đó rút ngắn thời vụ. Đây là mô hình rất hay cần được tổng kết và nhân rộng.
Về hỗ trợ, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng những hộ dân bị thiệt hại và chỉ sống dựa vào nuôi tôm là đối tượng khó khăn nhất, vì vậy nhà nước, chính quyền địa phương phải có giải pháp hỗ trợ ngay đối tượng này. Đối với các vùng tôm-lúa rất phụ thuộc vào mùa vụ, thường vào tháng 8 khi mùa mưa xuống là dịp để các vùng này thau mặn, đón nước ngọt để trồng lúa; nếu không kịp thả tôm thì lúa cũng bị nhỡ mùa vụ, ảnh hưởng đến cả nuôi tôm và trồng lúa, vì vậy đây cũng là đối tượng cần tập trung hỗ trợ.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đã đề nghị các địa phương tích cực sử dụng biện pháp ương gieo, thả tôm giống trong ao nhỏ rồi ương lên đến lúc điều kiện thời tiết thuận lợi thì bung thả nuôi lớn. Các địa phương cần chủ động hỗ trợ trực tiếp con giống tốt cho các hộ nuôi bị thiệt hại, phải là giống lớn để các hộ thả nuôi bắt kịp thời vụ; chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị con giống lớn để kịp cung ứng cho người nuôi. Hiện nay, một số vùng ở ĐBSCL đã có mưa lớn, độ mặn đang giảm dần. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương khôi phục sản xuất.
Tình hình khó khăn về nuôi tôm ở các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là 3 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu dự báo sẽ còn kéo dài trong bao lâu thưa ông?
- Đỉnh điểm của đợt hạn mặn là cuối tháng 4 đến giữa tháng 5, năm nay đến cuối tháng 5 mưa đã xuất hiện, các điểm hạn nặng phần nào sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên thông thường sau hiện tượng El Nino là La Nila với biểu hiện là mưa lũ, những đợt mưa lũ bất thường sẽ ảnh hưởng tới diện tích nuôi tôm, vì vậy các địa phương cần theo dõi sát dự báo thời tiết để đưa ra các giải pháp ứng phó với thời tiết bất thường.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Thả nuôi theo kiểu tự phát, khi bị dịch bệnh thì giấu nhẹm là những nguyên nhân khiến tôm, cua nuôi ở Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt vì dịch bệnh lây lan.
Chỉ chưa đầy 1 tháng thả nuôi, hàng trăm ao tôm thẻ chân trắng, tôm sú của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) bỗng dưng chết đột ngột, mà nguyên nhân được xác định ban đầu là do tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng.
Trong tuần cuối tháng 5, đầu tháng 6, các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời đã thả nuôi 3,2 tấn cá đồng. Đây là nguồn cá giống của nông dân đã chuẩn bị để làm nguồn tái tạo cho vụ mùa 2017.