Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tổ Hợp Tác Nuôi Cua Thương Phẩm 2/9 Một Hình Mẫu Trong Sản Xuất

Tổ Hợp Tác Nuôi Cua Thương Phẩm 2/9 Một Hình Mẫu Trong Sản Xuất
Ngày đăng: 20/08/2013

“Mấy chú xuống trễ quá, phải cách đây 2 ngày là vui lắm, anh em mới thịt một con heo ăn mừng vụ mùa thành công”, ông Nguyễn Minh Phối, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau), nhanh miệng khoe khi chúng tôi vừa đến thăm.

Là vùng nuôi tôm chuyên canh theo hình thức truyền thống, song, càng về sau năng suất tôm nuôi càng giảm, nhiều hộ lâm vào tình cảnh khó khăn. Thế rồi “cái khó ló cái khôn”, nhờ sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất thông qua THT, con cua đã trở thành cứu cánh cho người dân nơi đây.

Hỗ trợ từ những việc nhỏ nhất

THT nuôi cua thương phẩm 2/9 được thành lập vào tháng 7/2009. “Mục tiêu lớn nhất được xác định ngay từ những ngày đầu thành lập là nhằm giúp đỡ lẫn nhau giữa tổ viên trong quá trình sản xuất. Sau bao năm hoạt động, mục tiêu này vẫn được duy trì. Chính điều đó đã tạo nên thành công hôm nay”, ông Phối bộc bạch.

Ông Phối cho biết, để kịp thời giúp đỡ tổ viên khắc phục khó khăn, mỗi tháng THT tiến hành họp 2 lần vào các ngày 15 và 29. Trong các buổi họp, ngoài việc đóng quỹ để xoay vòng cho tổ viên vay mua giống, phân, thuốc, tổ còn thông tin về tình hình nuôi cua, tôm của các thành viên.

Trong buổi họp, các tổ viên sẽ báo cáo quá trình phát triển cua, tôm nuôi của mình. Từ đó, nếu cua, tôm của hộ nào có vấn đề thì THT sẽ cử nhóm kỹ thuật xuống khảo sát và bàn bạc tìm giải pháp khắc phục. Ngoài việc hỗ trợ vốn để tổ viên mua con giống, THT còn có một tổ phó phụ trách việc tìm mua giống tốt cho tổ viên.

Là tổ phó chịu trách nhiệm khâu chọn giống cho tổ viên, ông Mai Văn Màng tâm sự, khi tổ viên có nhu cầu mua giống, đích thân ông sẽ tìm đến những trại giống có uy tín để chọn mẫu, khảo sát giá cho anh em.

Sau khi đã có con giống tốt, bộ phận kỹ thuật sẽ hướng dẫn tổ viên tiến hành vèo, chăm sóc và cho ăn để tỷ lệ cua thả đạt cao nhất.

Đồng thời, THT còn cử đại diện tổ viên giao kèo với các trại giống sau 5 ngày bắt giống mới thanh toán tiền, nếu giống không đạt theo yêu cầu thì chỉ trả 50% tiền vốn, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

“Một điều thuận lợi là trong 12 tổ viên của THT có 7 đảng viên chính thức nên mọi quy định, điều lệ của tổ đặt ra đều được những đảng viên gương mẫu, tiên phong thực hiện trước. Đó là một trong những nguyên nhân góp phần vào thành công của THT”, ông Phối chia sẻ.

Được biết, hiện nay THT còn tiến hành thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên bờ bao vuông tôm. Loại cây trồng nào cho giá trị kinh tế, phù hợp với thổ nhưỡng sẽ tiến hành nhân rộng trong tổ viên.

Hướng tới làm giàu

Hiện nay, chỉ tính thu nhập từ con cua thả nuôi trên diện tích 1 ha đã mang về cho tổ viên từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, do giống được thả gối đầu nên hầu như tháng nào tổ viên cũng có cua bán. Những lúc vào con nước, một lái (đi bằng xe máy) chỉ có thể mua cua của 2 hộ là đã đầy xe.

Những lúc cua tới lứa chỉ cần rút cống một người ngồi vớt là bảo đảm 2 người trói không kịp. Từ đó, đời sống của các tổ viên nâng lên đáng kể. Khi mới thành lập, THT có 3 tổ viên đời sống vô cùng khó khăn, nhưng đến nay họ đã có của ăn, của để như mọi người.

Ông Mai Văn Thọ là một trong những hộ khó khăn ban đầu, nhớ lại: “Do gia đình chỉ có 7.000 m2 đất nên nuôi tôm không hiệu quả. Hồi ấy (trước năm 2009), mỗi con nước chỉ xổ được vài con tôm, lúc đó tự nghĩ thầm, nếu cứ đà này chỉ có con đường chết đói mà thôi.

Thế nhưng, với 600.000 đồng hỗ trợ mua cua giống cùng với sự giúp đỡ về kỹ thuật của THT, đợt nuôi cua đầu tiên thành công đã mở ra hướng đi mới cho gia đình. Nhiều đợt tiếp sau cũng mang lại hiệu quả, không chỉ giúp cuộc sống gia đình được cải thiện mà còn đủ điều kiện để con trai ông đi học nghề. Giờ đây, chỉ riêng tiền nuôi cua cũng mang về cho gia đình mỗi năm trên 60 triệu đồng”.

Không riêng gì ông Thọ, ông Màng cũng là một trong những trường hợp vượt khó. Ông Màng cho biết: “Đã qua rồi cái thời khốn khó, giờ đây 7.000 m2 đất nuôi cua, tôm kết hợp tôi có thu nhập từ 120 - 130 triệu đồng/năm”.

Đời sống của bà con phát triển, con em có điều kiện học hành nhiều, người dân càng tích cực góp phần xây dựng quê hương. Điển hình như ông Nguyễn Văn Diện, chính con cua đã giúp ông mua được miếng đất trên 270 triệu đồng.

Đời sống phát triển, tạo điều kiện cho ông đóng góp công sức, vật chất cho sự phát triển của địa phương bằng cách hiến đất xây trường học cho con em.

Con cua Cà Mau hiện nay không chỉ nổi tiếng trong cả nước mà còn có mặt trên thị trường quốc tế. Việc phát triển nuôi cua thương phẩm bổ sung nguồn thu từ con tôm đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tổ chức sản xuất với mô hình kinh tế tập thể như THT 2/9 sẽ góp phần phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên, cơ cấu lao động nông thôn, nhất là đẩy mạnh công tác giảm nghèo của địa phương.

Tổ hợp tác nuôi cua thương phẩm 2/9 hiện có 12 tổ viên, với diện tích canh tác trên 18,8 ha. Hộ có diện tích nhỏ nhất là 4.000 m2, hộ có diện tích lớn nhất là 22.000 m2. Bình quân mỗi năm thu nhập từ con cua của tổ hợp tác từ 1,5-1,7 tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Hơn 2,2 triệu tôm giống ở Thái Bình chết sau khi nuôi thả Hơn 2,2 triệu tôm giống ở Thái Bình chết sau khi nuôi thả

Thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thái Bình, tính đến hết ngày 7-5 dịch bệnh đốm trắng trên tôm sú và tôm thẻ phát sinh tại hai xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) và Đông Minh (Tiền Hải) có diễn biến phức tạp. Diện tích ao nuôi có tôm chết là 4,274 ha với số lượng giống thả là 2,215 triệu con.

11/05/2015
Mũi nhọn hội nhập, 'thua trận' khắp nơi Mũi nhọn hội nhập, 'thua trận' khắp nơi

Giữ vị trí lớn thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 5 về xuất khẩu chè và thứ 4 về xuất khẩu tôm, song, những ngôi vị huy hoàng này đang có nguy cơ tuột khỏi Việt Nam. Thiếu thông tin, tổ chức sản xuất yếu là nguyên nhân chính.

11/05/2015
Đại gia cao su rao bán cả nghìn hécta Đại gia cao su rao bán cả nghìn hécta

Cao su liên tục rớt giá mạnh khiến từ nông dân cho tới doanh nghiệp điêu đứng, thậm chí phải chặt bỏ hoặc rao bán.

11/05/2015
Khi nông dân liên kết Khi nông dân liên kết

Dù chỉ chăn nuôi heo ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng nhiều hộ nông dân tại xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã biết liên kết với nhau để cùng mua cám với số lượng lớn. Sự liên kết này đã giúp họ mua được cám với giá rẻ của đại lý, nên chi phí chăn nuôi giảm và lợi nhuận tăng đáng kể.

11/05/2015
Kỹ thuật chăm sóc dê mùa khô hạn Kỹ thuật chăm sóc dê mùa khô hạn

Mùa khô hạn, chuồng trại nuôi dê phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh được nóng và ẩm ướt. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50 – 80cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2m2, dê thịt 0,6m2. Cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống hàng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng 2 tuần/lần.

11/05/2015