Tổ, đội trên biển chờ tiếp sức
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam tổ chức tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam).
Tham dự có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, đại diện Tổng cục Thủy sản, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cùng với 180 ngư dân đại diện cho 8 tỉnh, thành khu vực.
Đánh bắt thủy hải sản theo mô hình tổ, đội
“Tôi tiếp thu các ý kiến, đề xuất của ngư dân và sẽ đề nghị các ngành chức năng trả lời thỏa đáng cho ngư dân.
Qua đây, tôi mong rằng ngư dân của khu vực khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững hơn, an toàn hơn, hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ lẫn nhau”.
Ông Kim Văn Tiêu
Phát biểu tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhấn mạnh: Cả nước hiện nay có 3.800 tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ, gồm 22.000 tàu với 135.809 lao động, trong đó 8 tỉnh miền Trung có 1.235 tổ đội, chiếm 33% so với cả nước.
Các tỉnh khu vực miền Trung có lợi thế về nguồn lợi thủy sản xa bờ, chính vì vậy diễn đàn này còn mời các nhà quản lý, nhà khoa học và ngư dân 8 tỉnh, các doanh nghiệp…, để trao đổi, chia sẻ cách giải quyết những bất cập và tồn tại.
“Việc thành lập tổ, đội của các ngư dân nhằm liên kết để tăng cường bảo vệ lẫn nhau.
Xu hướng thành lập tổ, đội theo 4 cùng (cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng dòng họ, bạn bè thân thích) là tất yếu và tạo nên sức mạnh cộng đồng, thành lập tổ đội nhằm mục đích phòng chống thiên tai, phòng chống nhân tai, bảo vệ vùng biển đảo, bảo vệ con người và tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và khai thác, chia sẻ kinh nghiệm với nhau...” - ông Tiêu nhấn mạnh.
Hàng chục mô hình điển hình được báo cáo tại diễn đàn, trong đó có mô hình tổ, đội đoàn kết của xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Ngư dân Đỗ Văn Tiến cho biết: Duy Vinh là xã thuộc vùng Đông của huyện Duy Xuyên, có dân số 10.452 người với 2.545 hộ, đa phần các hộ dân sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ sản.
Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trong năm 2015 đạt 3.710 tấn.
Tổng công suất tàu thuyền của Duy Vinh đạt 6.200CV, tổng số phương tiện tham gia khai thác là 71.
Trong đó, có 4 tàu đóng mới theo Nghị định 67, tổng công suất 3.200CV.
Toàn xã có trên 500 lao động thường xuyên hoạt động cả ngày và đêm ở các ngư trường.
“Nhận thức được tầm quan trọng trên lĩnh vực này, trong 5 năm qua, tại địa phương các tổ, đội đoàn kết khai thác đánh bắt trên biển được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Đến nay, đã có 5 tổ, đội; mỗi tổ, đội có từ 5 đến 10 tàu thuyền, với phương châm 3 cùng: Cùng ngư trường, cùng ngành nghề, cùng làng xóm…” - ngư dân Tiến nói.
Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Tại diễn đàn, đã có hàng chục ý kiến, kiến nghị và mong muốn của ngư dân đến với các cấp, ngành từ tỉnh đến trung ương, với mong muốn để tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển ngày càng lớn mạnh hơn, đem lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân.
Ngư dân đề nghị các tàu dịch vụ hậu cần cần tăng cường hỗ trợ cho hoạt động khai thác hải sản hơn nữa, vì thời gian qua họ chưa liên kết với nhau để ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy hải sản nhằm tránh bị chủ nậu, vựa thu mua ép giá.
Ngư dân Nguyễn Hữu Định (Tổ đoàn kết xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) kiến nghị: “Nhà nước cần ưu tiên và khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn để đánh bắt hải sản xa bờ.
Còn hỗ trợ theo Nghị định 67, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu đối với những tàu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nghề cá xã bờ trong các tổ, đội đoàn kết...”.
Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (huyện Núi Thành, Quảng Nam) phản ánh: “Thời gian qua tình hình tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vào lãnh hải Việt Nam để khai thác trộm hải sản với quy mô và cường độ cao, đã gây khó khăn và tâm lý hoang mang cho ngư dân khi hành nghề.
Vì vậy, Nhà nước nên có sự can thiệp bằng các cơ chế chính sách để cho bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam thừa nhận có việc tàu Trung Quốc thường xuyên gây hấn đối với ngư dân Quảng Nam nói riêng và cả khu vực nói chung.
“Tôi đề nghị các tổ, đội cần tăng cường liên lạc thông thường xuyên với nhau, giảm thiểu tốt nhất va chạm với tàu Trung Quốc.
Còn việc hỗ trợ chính sách sinh hoạt cho ngư dân của tổ, đội, Sở đang đề xuất Bộ NNPTNT và sắp đến trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân” - ông Tấn nói.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Ngư dân Quảng Nam hiện đánh bắt trên biển vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và mới thành lập được 136 tổ, đội với 971 tàu, chiếm 22,6%.
Bình quân chỉ có 7 tàu trong 1 tổ, đội với 58 lao động.
“Theo tôi, các tỉnh miền Trung chúng ta có tiềm năng về biển vô cùng quan trọng và phong phú, nhưng thời gian qua ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, không những thiên tai mà còn nhân tai, tranh chấp ngư trường đánh bắt...
Qua diễn đàn này, tôi mong muốn các cấp ngành T.Ư cần có nhiều cơ chế hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa, cơ sở pháp lý phải rõ ràng.
Làm thế nào huy động tàu vào tổ, đội hoạt động vững chắc, vừa mang tính tự nguyện và có lợi, liên kết tàu thuyền nhiều địa phương với nhau để bảo vệ chủ quyền” - ông Thanh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) ra biển làm ăn theo nguyện vọng của người cha già. Đắng cay nhiều, quả ngọt anh cũng đã nếm, giờ trong giới ngư dân miền Trung, anh nức tiếng với khối tài sản thuộc dạng khủng…
Hàng năm, nước ta cần nhập khẩu 200.000-230.000 con tôm giống bố mẹ để sản xuất ra 130 tỷ con tôm giống thương phẩm (post). Điều này không chỉ khiến chúng ta bị động trong việc sản xuất tôm giống, mà còn không chủ động được về giá cả.
Khi cá đã lớn, mỗi ngày chủ đầm phải chi hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Nhưng khi thu hoạch, mỗi con cá bán được trên 1 triệu đồng.