Tình hình sản xuất và giá cả mặt hàng cà chua trên thị trường thế giới
Giá cà chua ở khắp các châu lục trên thế giới gần đây tăng khá mạnh do nhiều nguyên nhân: thời tiết bất lợi ở nơi này, dịch bệnh khảm lá ở nơi khác… Có một yếu tố chung tác động tới ngành cà chua của mọi quốc gia, đó là chi phí sản xuất tăng. Bên cạnh giá phân bón tăng cao, chi phí năng lượng tăng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cà chua, bởi nhiều nước bắt đầu vào mùa thắp điện cho vườn cà chua.
Bắc Mỹ: Giá cà chua tốt hơn mọi năm
Ngành sản xuất cà chua ở Mỹ đang có một vụ mùa bội thu nhờ giá cao thúc đẩy người trồng mở rộng sản xuất, nhất là loại cà chua nho. Bên cạnh đó, các giống cà chua bò trên mặt đất và cà chua trồng giàn cũng được đầu tư sản xuất. Nhìn chung, giá cà chua ở Bắc Mỹ hiện cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung cấp cà chua ở thời điểm này tương tự như năm ngoái - có một số thăng trầm trong giai đoạn đại dịch. Diễn biến đó là bất thường, không như những năm trước đó. Nhưng nhìn chung, các nhà cung cấp cà chua tiếp tục cố gắng để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Canada cũng đang sản xuất cà chua trong nhà kính vào thời điểm này, khi nhu cầu đang ở mức cao. Những người trồng cà chua Canada cho biết nhu cầu hiện đang rất tốt, hàng bán rất chạy và người trồng cà chua phải đẩy mạnh sản xuất hơn nữa để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông và mùa lễ hội sắp tới. Tại Canada, nhu cầu cà chua nho cũng tăng cao.
Hà Lan và Bỉ: Khủng hoảng năng lượng và virus khảm lá gây áp lực lên người trồng cà chua
Giá cà chua ở Bỉ và Hà Lan cao từ mùa Hè và tiếp tục tăng qua mùa Thu, trái ngược với xu hướng của những năm gần đây. Thông thường, tháng 11 giá cà chua thường giảm nhẹ vì lượng cà chua nhập khẩu tăng cao, song năm nay mọi thứ không theo quy luật. Giá cà chua ở Hà Lan và Bỉ đều tăng tiếp trong tháng 11.
Tại các nhà kính trồng cà chua của Hà Lan và Bỉ, đèn đã sáng từ cuối tháng 11. Đã đến lúc ánh sáng tự nhiên không đủ cho các loại cây trồng. Thị trường cà chua Hà Lan và Bỉ năm nay có sự đặc biệt do giá liên tục cao kể từ mùa Hè tới nay.
Mùa của những cây trồng không có ánh sáng đã kết thúc, ngoại trừ một số diện tích nhỏ cà chua trồng vào mùa thu, chủ yếu là cà chua leo giàn, được thu hoạch trong một khoảng thời gian ngắn. Ở thời điểm hiện tại, giá năng lượng cao là yếu tố quan trọng nhất khiến giá cà chua không thể hạ nhiệt. Hầu hết những người không sử dụng điện thắp sáng cho cây cà chua hiện đang chuyển sang trồng những loại cây khác, chuẩn bị cho một vụ cà chua mới sau vài tháng tới.
Ngay cả đối với những người sử dụng điện thắp sáng, mùa cà chua năm nay cũng không thuận lợi trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng vẫn tiếp diễn. Một số nông dân ở Bỉ và Hà Lan đã lựa chọn giải pháp từ bỏ những loại cây cần thắp sáng. Một số người khác điều chỉnh chiến lược chiếu sáng hoặc chiến lược canh tác, theo đó giảm bớt lượng điện sử dụng. Do đó, cây trồng phát triển chậm hơn.
Chắc chắn đối với những người bắt đầu trồng cà chua vào tháng 12 thì chi phí sản xuất tăng rất nhiều bởi giá năng lượng năm nay tăng cao. Dự đoán mùa Xuân tới giá cà chua sẽ biến động rất mạnh, có lúc cao kỷ lục và cũng có lúc thấp kỷ lục.
Ngoài khó khăn về giá năng lượng cao, virus gây bệnh cho cây cà chua cũng đang góp phần giữ giá ở mức cao. Virus ToBRFV đã tấn công quả cà chua ở cả Hà Lan và Bỉ. Đã có hàng chục ổ dịch bệnh khảm lá ở cây cà chua tại cả Hà lan và Bỉ, buộc nhiều người nông dân phải phá bỏ những cánh đồng cà chua đi để chuyển sang trồng dưa chuột hoặc ớt ngọt.
Đức: Nhiệt độ thấp khiến nhu cầu cà chua giảm
Do nhiệt độ thấp ở Đức, nhu cầu đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, nguồn cung về số lượng và chủng loại vẫn cao hơn bao giờ hết nên nhu cầu có thể được đáp ứng một cách dễ dàng. Nguồn cung từ Hà Lan giảm đáng kể trong khi nguồn cung từ Tây Ban Nha tăng lên.
Người Tây Ban Nha cũng nhận thấy giá khí đốt ở Hà Lan đang tăng và đang điều chỉnh giá thị trường của họ cho phù hợp. Do đó, giá một số giống cà chua Tây Ban Nha cao hơn đáng kể so với cà chua Hà Lan mới nhất. Nguồn cung còn lại chủ yếu đến từ Maroc, Bỉ và Italy.
Italy: Chi phí sản xuất tăng và dịch ToBRV gây khó cho ngành sản xuất cà chua
Theo dữ liệu, trong năm kết thúc vào tháng 9/2021, hơn 23,3 triệu gia đình Italy (89% tổng dân số) đã mua cà chua ít nhất 1 lần. Người Italy mua cà chua trung bình 17,2 lần/năm với chi phí trung bình là 2,1 euro
Ngành sản xuất cà chua Italy cũng gặp nhiều khó khăn kể từ mùa Hè, khi nhiệt độ cao khiến các loại bệnh như virus hại trái cà chua xuất hiện. Nắng nóng đã làm giảm một nửa sản lượng cà chua của Italy, trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng. Giá cà chua trung bình ở Italy lên tới 1,5 euro/kg nhưng cũng chưa đủ trang trải chi phí cho người sản xuất.
Năm nay, đến mùa Thu, nhu cầu từ các thị trường nước ngoài, chẳng hạn như Đức và Áo, đã suy yếu do dịch bệnh bùng phát trở lại. Do triển vọng thị trường không chắc chắn, nhiều nhà sản xuất có thể sẽ quyết định giảm diện tích trồng cà chua trong vụ tới.
Tây Ban Nha: Diện tích sản xuất cà chua giảm do áp lực từ nhiều phía
Giá các loại cà chua bắt đầu tăng từ tháng 11, ngoại trừ cà chua nho giá đã duy trì cao từ trước đó. Theo ước tính sơ bộ, trong vụ này, diện tích trồng cà chua sẽ giảm 3% so với vụ trước, khi gần đạt 8.400 ha. Chi phí sản xuất cao, đặc biệt là lao động, cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, chủ yếu từ Maroc, cũng như các vấn đề do virus hại cây, đã ảnh hưởng rất lớn đến người trồng cà chua. Một số người đang dần thay thế cây cà chua bằng những loại cây có chi phí thấp hơn như ớt hay bí xanh.
Nam Phi: Mưa lớn ảnh hưởng đến thu hoạch cà chua Nam Phi
Giá cà chua đã giảm đáng kể từ tháng 11 do nguồn cung cho thị trường dồi dào. Giá bán cà chua tai các chợ cuối tháng 11 đã giảm 42% xuống 4,47 Rupi (0,25 euro)/kg do nguồn cung tăng, nhưng dự kiến giá sẽ sớm đảo chiều tăng trở lại do mưa cản trở việc thu hoạch ở các tỉnh phía Bắc.
Các nhà sản xuất cà chua ở các khu vực phía bắc của đất nước (Limpopo, Mpumalanga, các tỉnh ở phía Tây Bắc, nơi trồng nhiều cà chua) đang ở trong tình trạng khẩn trương: đã có mưa lớn trên diện rộng. Nếu mùa hè có lượng mưa trên mức trung bình, như dự đoán, điều đó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng (như đã xảy ra năm ngoái), chưa kể làm gia tăng sâu bệnh, sẽ khiến sản lượng giảm đi.
Trung Quốc: Thời tiết xấu và chi phí sản xuất tăng cao
Từ mùa Hè cho đến nay, giá cà chua Trung Quốc luôn duy trì cao. Cách đây một thời gian, Sơn Đông, Hà Bắc, Thiểm Tây, Sơn Tây, Hà Nam và những nơi khác bị mưa lớn liên tục trong nhiều ngày khiến tỷ lệ đậu trái ở cây cà chua thấp hơn bình thường, làm giảm đáng kể lượng cung cà chua cho thị trường so với những năm trước.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng, kéo giá thành sản xuất tăng; giá dầu tăng cũng khiến chi phí vận chuyển tăng, góp phần đẩy giá rau nói chung và cà chua nói riêng tăng mạnh.
Hiện tại, giá bán cà chua ở Trung Quốc nhìn chung vẫn ở mức cao, khoảng 6 nhân dân tệ/500 gram.
Trong những năm gần đây, nhu cầu cà chua bi cao cấp ở các thành phố cấp một của Trung Quốc đã tăng mạnh. Chẳng hạn như ở Thượng Hải, do diện tích trồng trọt ở khu vực thành thị hạn chế nên nguồn cung cà chua bi hiện tại chưa bằng 1/5 tổng lượng tiêu thụ. Vì vậy, một số công ty đã bắt đầu xây dựng nhà kính tại các khu đô thị trong thành phố để giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung cà chua bi tại địa phương.
Ấn Độ: Giá cà chua tăng mạnh do mưa lớn
Giá cà chua đã tăng chóng mặt ở Chennai. Tại chợ rau bán buôn Koyambedu, giá một kg cà chua là 120 Rupee, còn tại các chợ bán lẻ trên toàn thành phố, giá lên tới 150 Rupee/kg.
Lượng mưa lớn ở nhiều vùng của Andhra, Karnataka và quận Krishnagiri của Tamil Nadu, nơi trồng cà chua trên diện rộng, đã bị ngập trong nước. Tại nhiều vùng của Andhra, toàn bộ vụ mùa bị mất trắng hoặc hơn 80% diện tích canh tác bị thiệt hại.
M. Palanimaickam, Tổng thư ký, Hiệp hội các nhà buôn rau và trái cây, Koyambedu, cho biết: "Cà chua đang được bán ở mức giá 20 Rs/kg, nhưng đột nhiên mưa lớn diễn ra, dẫn đến mất trắng toàn bộ vụ mùa ở Karnataka và Andhra cũng như ở các vùng của Tamil Nadu”.
Có thể bạn quan tâm
Giá gạo IR NL 504 ổn định ở 7.600 đồng/kg; Gạo TP IR ở mức 8.300 đồng/kg; tấm 1 IR 7.200 đồng/kg và cám vàng 7.350 đồng/kg.
Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa ngày 21/12 đã lui về mức 78.500 – 81.000 đồng/kg. Như vậy kể từ đợt giảm đầu tháng 11/2021
Giá gạo IR NL 504 ổn định ở 7.600 đồng/kg; Gạo TP IR ở mức 8.300 đồng/kg; tấm 1 IR 7.200 đồng/kg và cám vàng 7.350 đồng/kg.