Tín hiệu tích cực từ nuôi tôm hai giai đoạn
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau triển khai mô hình nuôi tôm hai giai đoạn; mô hình nhận được nhiều tín hiệu tích cực, giúp nâng cao hiệu quả cho người nuôi.
Nuôi tôm hai giai đoạn có nhiều ưu điểm như nuôi được mật độ cao, cỡ tôm lớn, năng suất cao
Nhiều ưu điểm
Theo Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm hai giai đoạn có nhiều ưu điểm như nuôi được mật độ cao, cỡ tôm lớn, năng suất cao, bình quân 40 - 60 tấn/ha; nuôi được nhiều vụ trong năm do rút ngắn thời gian cải tạo, hạn chế dịch bệnh do nuôi quy trình khép kín, hạn chế tối đa việc xả thải ra môi trường, do có hệ thống thu gom chất thải đưa vào túi biogas làm khí đốt…
Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện và TP Cà Mau triển khai lắp đặt hoàn chỉnh 54/54 bể ương trên địa bàn. Đến nay, hầu hết các bể ương đã vận hành: Có 40/54 bể ương thả lần một, 22/54 bể ương thả lần hai, 9/54 bể ương thả lần ba, 3/54 bể ương lần thứ tư, các bể ương hoạt động khá tốt, thời gian ương 13 - 25 ngày. Tỷ lệ sống trung bình ở các bể ương đạt 80 - 90%, cỡ bình quân khi chuyển sang nuôi giai đoạn 2 khoảng 2 - 2,5 cm, mật độ ương 1.000 - 4.800 con/m2; cung cấp cho các thành viên trong tổ hợp tác, các hộ nuôi lân cận trong vùng với 327 hộ thả nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố. Tôm giống thả ương, nuôi được chọn từ các công ty có uy tín và được chọn lọc kỹ trước khi thả: Việt - Úc, Gành Hào, Đồng Khởi…
Nhiều hộ dân triển khai mô hình chia sẻ, mô hình đem lại hiệu quả hơn hẳn so nuôi tôm một giai đoạn như trước kia. Bà Nguyễn Thị Kiều (ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), phấn khởi: Trước đây, gia đình thả giống trực tiếp xuống vuông tôm, hiệu quả thấp, do lượng tôm hao hụt nhiều; nhưng từ khi sử dụng giống tôm qua ương hai giai đoạn, hiệu quả mang lại rất rõ: Tỷ lệ hao hụt thấp, tôm nhanh lớn, đạt đầu con; tăng cả năng suất và chất lượng. Đặc biệt là với mô hình lúa - tôm thì hiệu quả mang lại cũng rất cao.
Có thể nhân rộng
Thực tế tại địa phương những mô hình nuôi tôm trên đã và đang hình thành 2 hình thức tổ chức sản xuất: Hình thức thứ nhất, HTX, THT cùng nhau ương tôm giống, khi thu hoạch tính giá thành và chia lại tôm giống. Hình thức tổ chức sản xuất này mang tính cộng đồng nhưng rất khó tổ chức, vì ương tôm phải theo quy trình, đồng thời cần phải đúc kết kinh nghiệm trong quá trình ương. Hình thức thứ hai là trong THT giao cho một thành viên thực hiện, cá nhân này quyết định tất cả mọi việc kể cả chất lượng và sự thành công hay thất bại, khi trong THT có nhu cầu thả tôm thì thành viên được giao thực hiện ương tôm cung cấp cho THT với giá ưu đãi hơn. Hình thức tổ chức sản xuất này mang tính thương mại nhưng tính hiệu quả và bền vững cao hơn.
Ông Tiết Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, chia sẻ: Nuôi tôm hai giai đoạn giúp kiểm soát được mật độ, hạn chế áp lực về tôm giống, chi phí thả giống thấp, kiểm soát được thức ăn tự nhiên, dễ áp dụng, hiệu quả và bền vững... có khả năng nhân rộng trên địa bàn Cà Mau.
Nhìn chung, qua kiểm tra, tìm hiểu tình hình triển khai nuôi tôm 2 giai đoạn được các ban, ngành, đoàn thể và người dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Bước đầu đã có nhiều người dân tìm tôm sú giống qua ương để thả nuôi. Qua kiểm tra một số hộ, nuôi 50 ngày cỡ tôm đạt 40 con/kg. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã tổ chức triển khai, tập huấn, phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 28.145 ha, với 23.471 hộ nuôi.
Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ giao cho các đơn vị liên quan tập huấn cho các hộ nuôi về kỹ thuật ương, nhân rộng mô hình, khuyến cáo những hộ dân đủ năng lực ương tôm để cung ứng cho thị trường. Ngành chức năng cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình.
>> Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử: Qua kiểm tra, khảo sát thực tế, lấy ý kiến người dân thì mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của các loại hình nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh đã cho thấy hiệu quả, đặc biệt là đối với mô hình nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến. Bởi tỷ lệ tôm sống cao hơn không qua ương.
Có thể bạn quan tâm
Tập trung cá bằng thả chà là một công việc vừa mang tính "khoa học" độc đáo, vừa mang tính truyền thống, dân dã…
Tận dụng diện tích khoảng 6m2 nền chuồng heo, ông Đỗ Quang Cảnh bước đầu đã thành công mô hình nuôi sinh khối ấu trùng ruồi lính đen“Hermetia illucens”
Người đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng các thiết bị hiện đại vào mô hình nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi.