Tín hiệu mới từ sàn giao dịch hồ tiêu
Bây giờ mới lập là chậm?
Tại hội nghị ngành hồ tiêu Việt Nam tổ chức mới đây, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch VPA cho biết, trước đó Bộ NNPTNT cùng đại diện VPA đã tham quan mô hình hoạt động của sàn giao dịch hồ tiêu của Ấn Độ và thấy sàn giao dịch này hoạt động hiệu quả. Vì thế, tại cuộc họp Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) lần thứ 43 vào cuối tháng 11 tại Ấn Độ, Việt Nam và Ấn Độ đã có biên bản ghi nhớ về việc cùng hợp tác để xây dựng sàn giao dịch hồ tiêu đặt tại TP.HCM.
Phía Ấn Độ cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn xây dựng sàn giao dịch. “Sàn này sẽ giao dịch cả hàng thật lẫn “hàng giấy”, khi đó chúng ta có thể bán tiêu theo hình thức giá đấu giá chứ không phải đàm phán giá mua và bán như lâu nay. Như vậy, sẽ giúp giá hồ tiêu của Việt Nam cao hơn so với hiện nay” - ông Nam giải thích thêm.
Liên quan đến đề xuất của VPA gửi Bộ NNPTNT về thành lập sàn giao dịch hồ tiêu Việt Nam, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, bây giờ mới thành lập sàn giao dịch đã là rất chậm. Cụ thể, theo ông Bính, Chính phủ Ấn Độ và nhất là Bộ Nông nghiệp, Hiệp hội Gia vị Ấn Độ cùng đề xuất phía Việt Nam thành lập sàn giao dịch vì thực tế sàn giao dịch bên Ấn Độ không có “hàng thật” mà chỉ có “hàng giấy”. Muốn sàn này tồn tại thì phải có đủ cả 2 loại hàng này mà Việt Nam đang rất có lợi thế bởi đang là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 60% sản lượng xuất khẩu).
Cũng theo ông Bính, cái khó khi thành lập sàn giao dịch là về thủ tục pháp lý, quy trình, công tác tổ chức điều hành… còn về phía người nông dân trồng tiêu thì cực kỳ có lợi. Lâu nay người nông dân chỉ biết sản xuất và bán cho thương lái, bây giờ có sàn giao dịch thì họ có thể trực tiếp giao dịch trên sàn và chủ động được giá bán.
"Dự báo trong 8 năm tới của Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC), Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu nên việc thành lập sàn giao dịch này sẽ giúp Việt Nam có thêm sức mạnh chi phối thương mại hồ tiêu toàn cầu”.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê
Tuy nhiên, sáng 23.5, ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng VPA cho biết, đề xuất thành lập sàn giao dịch đã được VPA gửi nhưng chưa có phản hồi từ Bộ NNPTNT.
Nông dân kỳ vọng
Liên quan đến đề xuất thành lập sàn giao dịch hồ tiêu Việt Nam, anh Trần Hữu Thắng - nông dân trồng tiêu giỏi (có 3,2ha tiêu ở ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) nói, lâu nay sản phẩm tiêu được nông dân bán qua thương lái hoặc giới thiệu từ công ty này, công ty kia. Vì vậy giá thành nhiều khi cũng không ổn định, lên xuống theo nhu cầu của thương lái, doanh nghiệp. “Vì vậy tôi cũng mong muốn mau chóng có sàn giao dịch để người nông dân có thể chủ động về giá cả chứ không còn phụ thuộc người mua nữa” - anh Thắng nói.
Tương tự, ông Đặng Văn Chính - người trồng tiêu ở xã Tân Thành (Bù Đốp, Bình Phước) cũng cho biết, nếu có sàn giao dịch mà chủ động được giá bán thì ông rất ủng hộ. Tuy nhiên, ông chỉ sợ ở đây sẽ có quy định về sản lượng giao dịch thì sẽ khó cho nông dân, và nếu giá chỉ “nhỉnh” hơn tý mà mất chi phí vận chuyển nữa thì sẽ không thu hút nông dân tham gia.
Đây cũng chính là điều mà các chuyên gia kinh tế quan tâm, tính hiệu quả của sàn. Bởi trước đây đã có nhiều sàn giao dịch cà phê, cao su, điều... - những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thì hiệu quả mang lại không như kỳ vọng vì có rất ít nông dân sau khi thu hoạch mang sản phẩm của mình đến những sàn giao dịch này để mua bán. Nông dân “ngại” tiếp xúc công nghệ, “ngại” vận chuyển tốn chi phí… Thay vào đó, họ chọn gọi điện cho thương lái để thống nhất giá và thương lái chỉ việc mang xe đến nhà chở nông sản đi. Đây cũng là bài toán cần được giải khi thành lập sàn hồ tiêu.
Có thể bạn quan tâm
Theo nhiều doanh nghiệp và ngành chức năng các địa phương vùng ĐBSCL, thông tin Thái Lan xả kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn trong thời gian tới sẽ không đáng lo ngại với tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ lúa gạo Việt Nam.
Để nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên sẽ quy hoạch những vùng sản xuất tập trung, những cây, con chủ lực, bên cạnh đó khoa học công nghệ cũng được ứng dụng trong các công đoạn sản xuất.
Nhà ở phố nhưng ông Huỳnh Văn Lam (trú phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu Pháp. Hiện nay, gia đình ông Lam sở hữu trên 300 cặp bồ câu Pháp, mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng.