Tìm hướng phát triển nuôi tôm bền vững
Xuất khẩu tôm tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng cái khó hiện nay là tình trạng dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương ĐBSCL làm tôm chết tràn lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy chế biến tôm Minh Phú ở Cà Mau
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm là thế mạnh về kinh tế của vùng ĐBSCL, vì vậy trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều địa phương ven biển đã chọn con tôm để phát triển. Con tôm cũng được kỳ vọng tạo nên sự đột phá về xuất khẩu trong thời gian tới…
Vẫn còn nỗi lo
Theo Bộ NN-PTNT, trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 2,8 tỷ USD, tăng 10,4% so cùng kỳ, trong đó mặt hàng tôm tiếp tục đóng vai trò chủ lực. Xuất khẩu tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng cái khó hiện nay là tình trạng dịch bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương ĐBSCL làm tôm chết tràn lan.
Ông Lê Văn Khởi, ngụ xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) lo lắng: “3 ao tôm của gia đình tôi rộng hơn 1ha, vừa thả nuôi chỉ mới 25 ngày tuổi thì 2 ao xuất hiện dịch bệnh làm chết đồng loạt, dù điều trị nhiều cách vẫn không khỏi, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng…”. Ông Bùi Hoàng Anh, Bí thư chi bộ ấp Hòa Muôn, xã Ngọc Tố cho biết: “Không ngờ những ngày qua tôm bị bệnh và chết trên diện rộng làm hàng loạt hộ nuôi thiệt hại lớn. Hiện nay, người dân rất lo lắng và chưa dám thả nuôi trở lại”. Theo thống kê của UBND xã Ngọc Tố, đến thời điểm này, toàn xã thả nuôi được khoảng 800ha tôm trên tổng diện tích 2.100ha, những ngày qua có hơn 194ha tôm bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Đa phần tôm chết từ 18 - 32 ngày tuổi, do ô nhiễm môi trường, mưa trái mùa, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn…
Tại Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang… tình hình cũng tương tự. Ông Lê Văn Kỳ, ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại (Bến Tre) cho hay: “Năm 2017, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn giảm, nhưng mưa trái mùa cứ liên tục diễn ra làm nhiệt độ không ổn định, vì thế tôm dễ nhiễm các loại bệnh. Dù người nuôi đã có bước đề phòng nhưng tình trạng tôm chết vẫn không thể tránh khỏi. Giải pháp hiện nay là tạm ngưng nuôi, tiến hành cải tạo vệ sinh ao hầm, chờ thời tiết ổn định trở lại mới thả nuôi tiếp”.
Cùng với nạn tôm chết thì giá tôm nguyên liệu gần đây cũng sụt giảm. Hiện tôm thẻ loại 100 con/kg giá chỉ còn khoảng 90.000 đồng/kg, loại 80 con/kg giá 102.000 đồng/kg; tôm sú loại 30 con/kg giá 270.000 - 280.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 230.000 đồng/kg… giảm bình quân 20.000 - 40.000 đồng/kg, so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với mức giá này, những hộ nuôi vẫn có lời...
Đầu tư đồng bộ cho con tôm
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay sản phẩm tôm của Việt Nam được xuất khẩu sang 90 thị trường trên thế giới, trong đó kim ngạch năm 2016 đạt hơn 3,1 tỷ USD; kế hoạch xuất khẩu tôm năm 2017 khoảng hơn 3,3 tỷ USD, tăng 9% so năm trước. UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: Nhiều năm qua, Cà Mau chọn con tôm là thế mạnh để đột phá phát triển. Hiện toàn tỉnh thả nuôi khoảng 278.000ha tôm/năm, sản lượng 146.000 tấn, cung ứng cho 34 nhà máy chế biến xuất khẩu với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD/năm. Hiệu quả của con tôm là rất cao, song trước tình trạng dịch bệnh thường xuyên xuất hiện… gây khó khăn không nhỏ, vì thế tỉnh đang đầu tư đồng bộ để phát triển bền vững nghề này.
Theo đó, Cà Mau sẽ tập trung chuyển đổi một số diện tích sản xuất cây, con kém hiệu quả sang nuôi tôm. Tỉnh xây dựng đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững nghề nuôi tôm đến năm 2020 và định hướng năm 2030, với mục tiêu là ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển nghề nuôi tôm hiện đại, hiệu quả. Cà Mau sẽ đa dạng hóa các loại hình nuôi tôm như: nuôi siêu thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi tôm - lúa, tôm - rừng… tùy điều kiện từng nơi mà áp dụng phù hợp. Tỉnh sẽ đầu tư mạnh hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ nuôi tôm; tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng con tôm.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: “Qua đợt hạn mặn dữ dội vào năm 2016 khiến Kiên Giang thiệt hại hơn 56.000ha lúa, mất khoảng 1.489 tỷ đồng; vì vậy, tới đây tỉnh sẽ tập trung chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả, vùng bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt… sang nuôi thủy sản mà chủ yếu là con tôm. Diện tích tôm hiện nay khoảng 113.000 ha, dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới, bởi hiệu quả con tôm cao hơn cây lúa. Kiên Giang sẽ tăng diện tích tôm công nghiệp và bán công nghiệp ở vùng Tứ giác Long Xuyên, tăng năng suất tôm - lúa ở vùng U Minh Thượng; đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển cho nghề nuôi tôm; tăng cường ứng dụng thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…”
>> Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nước biển dâng sẽ làm nhiều nơi bị nhiễm mặn gây khó cho một số cây trồng khác, nhưng chuyển đổi sang tôm sẽ thích ứng - nhất là vùng ĐBSCL rất phù hợp để nuôi tôm. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ tôm trên thế giới rộng lớn và chưa có ngưỡng giới hạn, giá tôm hầu như chưa bị rớt hoặc khủng hoảng. Vấn đề hiện nay là rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh diện tích nuôi hợp lý, cơ cấu lại vùng nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để hình thành chuỗi giá trị. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt khoảng 10 tỷ USD, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng nằm ven vịnh Bắc bộ - vùng biển có trữ lượng sứa kinh tế lớn nhất nước ta, chiếm 88% tổng trữ lượng sứa nên có nhiều tàu thuyền khai thác và cơ sở chế
Năm 2016, Trạm Khuyến nông TP Vinh (Nghệ An) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trắm, chép giòn trong ao đất bằng thức ăn đậu tằm tại xã Hưng Lộc.
Nghiên cứu tác dụng diệt khuẩn của dịch chiết lá sim và hạt sim đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm nuôi nước lợ.