Tìm Giải Pháp Cho Tàu Câu Cá Ngừ Đại Dương
Hiện nay, hàng chục tàu câu cá ngừ đại dương (CNĐD) bằng đèn (câu tay kết hợp ánh sáng) của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đang nằm bờ. Nguyên nhân của tình trạng này là do chi phí tăng cao trong khi giá bán CNĐD thấp nên tàu câu không có lãi, thậm chí thua lỗ sau mỗi chuyến đi.
Tàu câu đèn nằm bờ
Đang là thời điểm tàu thuyền nhộn nhịp ra khơi khai thác CNĐD nhưng tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), không ít tàu của ngư dân Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi vẫn neo lại bờ. Ông Nguyễn Thành Lâm, chủ tàu câu CNĐD ở tỉnh Bình Định chia sẻ: “Tàu tôi vào bờ đã gần 1 tháng nay. Tàu có công suất 180CV, mỗi chuyến câu CNĐD kéo dài khoảng 25 ngày, tiêu thụ hết khoảng 5.000 lít dầu diezel và gần 1.000 cây đá, cộng với chi phí thực phẩm và một số chi phí khác, mỗi chuyến ra khơi chúng tôi phải tốn hơn 150 triệu đồng”. Lý giải về nguyên nhân cho tàu neo lại bờ, ông Lâm cho biết, thời điểm trước Tết, khi CNĐD có giá hơn 150 nghìn đồng/kg, tàu nào ra khơi đánh bắt cũng có lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Như tàu của ông Lâm, mỗi chuyến đi câu được khoảng 2,5 - 3 tấn CNĐD, lãi ròng gần 100 triệu đồng.
Thế nhưng, từ khoảng tháng 3 trở lại đây, giá CNĐD tuột dốc thê thảm, có thời điểm chỉ còn 50 nghìn đồng/kg nên không ít tàu câu thua lỗ nặng. “Ra khơi đánh bắt mà thua lỗ thì đi làm gì. Chuyến này chắc chúng tôi phải tính kế sinh nhai khác”, ông Lâm cho biết.
Tương tự, tàu cá của ông Huỳnh Phi Minh (Hòn Rớ) cũng neo lại bờ. Theo ông Minh, hơn chục năm nay, chưa bao giờ ông thấy giá cá rớt thê thảm đến vậy trong khi chi phí mỗi chuyến đi biển không ngừng tăng. Có đến hơn 40% tàu khai thác CNĐD bằng phương pháp câu đèn ra khơi là thua lỗ, số còn lại may lắm mới hòa vốn hoặc có chút lãi nhưng không đáng kể.
“Tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân mà còn ảnh hưởng lớn đến thương hiệu CNĐD Việt Nam”, ông Minh nhận định. Hiện nay, các chủ tàu đang nghe ngóng tin tức, nếu giá cá tăng trở lại sẽ tiếp tục ra khơi, còn không sẽ cho tàu nằm bờ hoặc chuyển sang các nghề khai thác khác.
Đâu là giải pháp?
Nghề câu đèn bắt đầu xuất hiện từ năm 2011, đến năm 2012 thì phát triển rầm rộ, có địa phương 100% tàu câu vàng truyền thống chuyển sang câu đèn. Tại Khánh Hòa, không chỉ các tàu câu vàng truyền thống mà ngay cả tàu làm nghề khác cũng chuyển sang câu đèn, có thời điểm trên địa bàn tỉnh có hơn 300 tàu câu CNĐD, sản lượng khai thác cao điểm năm 2012 đạt hơn 4.000 tấn. Trong khi đó, những tranh cãi xung quanh chất lượng CNĐD câu đèn vẫn chưa có lời giải đáp.
Ngư dân cho rằng, thương lái lấy cớ chất lượng cá để ép giá; thương lái lại cho rằng, chất lượng cá câu đèn thấp, rủi ro cao, không xuất được giá cao nên phải thu mua với giá thấp. Một số ý kiến khác cho rằng công nghệ bảo quản, cách thức xử lý của ngư dân chưa tốt nên chất lượng CNĐD thấp… Điều đáng nói là thời gian qua, giá CNĐD câu đèn giảm đã kéo theo giá cá câu vàng truyền thống cũng giảm, từ hơn 170 nghìn đồng/kg thời điểm cuối năm 2011 giảm còn khoảng 100 nghìn đồng/kg thời điểm tháng 4-2013.
Mới đây, tại Phú Yên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị bàn giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác CNĐD. Nhiều ý kiến cho rằng, nên cấm hoặc hạn chế phát triển nghề câu tay kết hợp đèn cao áp; cần bảo vệ uy tín và thương hiệu CNĐD của Việt Nam trên thị trường thế giới; có chính sách khuyến khích phát triển, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác cá ngừ; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác cá ngừ trên biển và trên bờ, nhất là khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh: “Từ khi nghề câu CNĐD bằng tay kết hợp với đèn cao áp manh nha, chúng tôi đã cảnh báo đây là nghề câu tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thế nhưng, vì ham sản lượng, hàng ngàn tàu, thuyền, thậm chí nhiều tàu công suất nhỏ, không rành kỹ thuật bảo quản CNĐD cũng ra biển để đánh bắt bằng đèn. Tôi cho rằng, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên hạn chế tối đa hoặc cấm hẳn việc đánh bắt bằng phương pháp này; về lâu dài cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nghề này để có định hướng cho ngư dân”.
Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cùng các nhà nghiên cứu ở Khoa Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nha Trang), có ít nhất 3 yếu tố ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng sản phẩm sau thu hoạch của nghề câu tay CNĐD. Theo đó, tốc độ thu câu càng nhanh, cá phản kháng càng nhiều, chất lượng càng kém; cá trước khi sơ chế càng lâu chết, vùng vẫy càng nhiều, chất lượng càng kém; việc xả máu cá càng triệt để, bỏ mang và nội tạng, được ngâm lạnh trước khi bảo quản thì chất lượng càng cao. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng CNĐD dựa trên 3 yếu tố có ảnh hưởng này.
Các giải pháp được nêu ra cụ thể như: Nghiên cứu sử dụng thiết bị giảm hiện tượng cá giẫy giụa, va đập khi đưa lên tàu. Cần trang bị hoặc nghiên cứu tạo ra dụng cụ làm cá chết nhanh, tránh va đập, bố trí các tấm nệm mút lót trên boong tàu, thành tàu, nơi tiến hành kéo cá lên tàu và sơ chế cá; nước đá dùng để bảo quản phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và đảm bảo đủ độ lạnh, đủ lượng dùng cho một chuyến biển; đầu tư thực hiện phương pháp ngâm hạ nhiệt sản phẩm CNĐD trước khi đưa sản phẩm xuống hầm bảo quản...
Từ ngày 30-6 đến nay, giá CNĐD được thương lái tại cảng Hòn Rớ thu mua đã tăng trở lại. Hiện, giá CNĐD câu đèn khoảng 70 nghìn - 75 nghìn đồng/kg; cá câu vàng khoảng 130 nghìn - 150 nghìn đồng/kg. Giá cá tăng, nhiều chủ tàu đang rục rịch chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới với hy vọng chuyến đi sẽ có lãi.
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Văn Nổi, 50 tuổi là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn Hòa Thạnh. Anh dày công đầu tư cải tạo vùng đất cát trắng phau ven biển trở thành trù mật cho những mùa cây trái bội thu. Trồng củ cải kết hợp chăn nuôi bò lai sind cung cấp sức kéo là con đường vươn lên làm giàu của anh Nổi trên vùng đất cát ven biển thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước.
Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.
Theo các chuyên gia ngành mía đường, tuy diện tích trồng mía mỗi năm một tăng, năng suất, chất lượng cây mía Việt Nam có được cải tiến nhưng còn chậm, dẫn đến năng lực cạnh tranh của ngành mía đường không cao.
Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Nga ở khóm Hải Hoà (thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) đúng vào dịp ông đang tiến hành thu hoạch hồ tiêu.
Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu.