Tiện ích khi nuôi vịt trời kết hợp vịt xiêm Pháp
Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Long Phú, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình nuôi vịt trời kết hợp với vịt xiêm Pháp của anh Nguyễn Hùng Sơn, ấp Tân Lập, xã Long Phú (Long Phú). Mô hình này bước đầu cho hiệu quả khả quan.
Theo quan sát, sở dĩ anh Sơn nuôi vịt trời thành công bởi anh có quỹ đất rộng lớn, với hơn 2.000m2, có ao để vịt tha hồ bơi lội. Ra phía sau nhà, chúng tôi thấy cả đàn vịt gần 40 con cắm đầu xuống tấm bạt nilông để tranh ăn, tuyệt nhiên không có tiếng kêu la, ăn xong chúng nhảy ào xuống ao cạnh chuồng để uống nước và bơi lội. Còn phía trên bờ, đàn vịt xiêm Pháp vẫn tranh nhau ăn.
“Tôi cũng chỉ mới nuôi khoảng 5 năm nay. Trước đây, nuôi vịt xiêm và vịt siêu thịt nhưng thấy hiệu quả không cao nên tôi chuyển đổi sang nuôi vịt xiêm Pháp, có tầm vóc to lớn, thịt nhiều phù hợp nuôi bán thịt, mỗi năm lời khoảng 32 triệu đồng. So với vịt truyền thống, việc nuôi vịt xiêm Pháp cần phải có tay nghề, am hiểu tập tính giống vịt thì mới có thể thành công” - anh Sơn tâm tình.
Anh Nguyễn Hùng Sơn, ấp Tân Lập, xã Long Phú (Long Phú) khoe đàn vịt trời cho thu nhập khá.
Riêng về con vịt trời, anh Sơn cho biết: “Với 200 con vịt trời nhận về, tôi áp dụng quy trình nuôi tương tự vịt xiêm Pháp bằng cách ủ ấm vịt và làm chuồng khép kín, tiêm phòng vắc xin theo đúng định kỳ, vịt phải nuôi nhốt trên khô tầm 1 tháng, khi có đầy đủ lông mới cho xuống nước”. Theo anh Sơn, nếu để vịt xuống nước sớm, do vịt còn nhỏ, lông chưa đầy đủ ngấm nước dễ nhiễm bệnh, rất khó phòng trị. Riêng về thức ăn cho vịt, lúc nhỏ cho vịt ăn thức ăn, khi vịt qua 1 tháng tuổi bắt đầu cho ăn lúa và bổ sung thêm một số loại rau như: rau muống, lục bình... Nhờ áp dụng cách nuôi vịt như trên, nên đàn vịt trời 200 con xuất bán không bị hao hụt, 70 ngày nuôi, vịt đạt trọng lượng 1,2kg, vịt bán theo hình thức nguyên con, giá bán 120.000 đồng/con. Anh Sơn bán được 140 con, trừ chi phí lợi nhuận 3,5 triệu đồng, số vịt còn lại để làm giống sinh sản để nuôi tiếp vụ sau.
Anh Sơn dự kiến sẽ tiếp tục mua thêm 200 con vịt trời nuôi thịt để có thêm kinh nghiệm. Từ đó sẽ nhân rộng mô hình bằng cách tự nuôi vịt sinh sản bán vịt con và hướng người dân gầy dựng đàn vịt tại địa phương với số lượng lớn, rồi tìm kiếm nơi tiêu thụ ổn định và tiến tới thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã khi đã có đàn vịt lớn nhằm tạo “điểm nhấn” của địa phương trong việc nuôi vịt trời.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú Lâm Văn Vũ cho biết: “Trong năm 2018, đơn vị đã xây dựng 14 mô hình sản xuất chuyển giao đến hộ dân nhằm nhân rộng và để người dân học hỏi áp dụng thực hiện, điển hình như: mô hình nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học, trồng màu trong nhà lưới, đặc biệt có mô hình mới là nuôi vịt trời tại hộ anh Nguyễn Hùng Sơn, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Người dân địa phương và một số xã khác rất thích con vịt trời, bởi qua tìm hiểu, đàn vịt trời gần thiên nhiên, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu địa phương và thức ăn của vịt cũng dễ tìm như các loại cá, ốc, lục bình… đều có sẵn tại các ao hồ, vịt nuôi ít dịch bệnh, chỉ cần tiêm vắc xin đúng liều lượng là yên tâm, vịt phát triển tốt đến lúc xuất chuồng”.
Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình ra cho hộ dân trên địa bàn, nếu hộ dân có nhu cầu sẽ hướng hộ dân tại khu vực gần hộ anh Sơn nuôi vịt trời để thành lập tổ hợp tác nhằm có số lượng đàn vịt ổn định cung ứng cho thị trường, vì thịt vịt trời rất được khách hàng ưa chuộng. Có số lượng vịt lớn thì việc liên kết đầu ra mới thuận tiện cũng như hộ dân có số vịt nuôi nhiều mới đảm bảo lợi nhuận sau vụ nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Những loài sâu bệnh gây hại cây lâm nghiệp với nhiều mức độ khác nhau, từ đó, triển khai từng mô hình thí nghiệm để hoàn chỉnh quy trình phòng trừ kịp thời.
Năng suất trong nông nghiệp hữu cơ luôn là cớ cho những người phản đổi hình thức sản xuất này đưa ra tranh biện.
Tại các tỉnh Bắc bộ, Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm tiếp tục vũ hóa, bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, chuột, tuyến trùng rễ... hại cục bộ.