Tiền Giang: Làm giàu trên vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền
Xã Phú An, huyện Cai Lậy nằm trong vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang. Trước đây, ở khu vực này, lũ lụt lớn gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi cây trồng vật nuôi, “sống chung với lũ”, ông Võ Văn Tràng, sinh năm 1973, ngụ tại ấp 6, xã Phú An đã mạnh dạn chuyển 5.000 m2 đất trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập ổn định, không những thoát nghèo mà còn trở thành tấm gương làm giàu ở địa phương.
Trong năm 2017, mít Thái siêu sớm luôn giữ ở mức giá cao. Thương lái đến tận vườn thu mua giá từ 35.000 đ đến 40.000 đ/kg, tùy chất lượng, cao gấp ba lần cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, mỗi ha mít sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 500 triệu đến hàng tỉ đồng. Ảnh: Minh Trí-TTXVN
Cây trồng ông Võ Văn Tràng chọn đầu tư là mít thái siêu sớm. Giống mít này dễ trồng, sớm cho trái, năng suất cao và chất lượng ngon, thị trường ưa chuộng. Ông Võ Văn Tràng cho biết, với quyết tâm làm giàu từ mô hình mới, ông không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của nhiều bà con đi trước. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng tạo điều kiện cho ông tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây ăn quả đặc sản do Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật... phối hợp tổ chức.
Ngoài ra, ông còn thường xuyên đi tham quan các mô hình để học hỏi, đúc kết kinh nghiệm về áp dụng trong thực tiễn canh tác của gia đình. Theo ông Võ Văn Tràng, nắm vững kỹ thuật canh tác tiên tiến, nâng cao trình độ thâm canh… là những yếu tố cần thiết giúp mô hình của gia đình ông thành công
Mít thái siêu sớm trồng chỉ sau hai năm đã cho trái bói. Những năm về sau, năng suất ổn định ở mức hàng chục tấn quả/ha/năm. Thời gian qua, mít thái siêu sớm có giá, có thời điểm đạt 40.000 đồng/kg, lúc thấp điểm cũng đạt 15.000 đồng/kg. Với 5.000 m2 vườn mít thái siêu sớm, năm 2017, ông thu hoạch được 10 tấn quả, bán giá bình quân 20.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi ròng gần 150 triệu đồng.
Nhờ vườn mít chuyên canh, từ một nông dân nghèo ông Tràng đã tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng trên vùng ngập lũ ngày nào. Năm 2017, ông Võ Văn Tràng được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện Cai Lậy.
Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, ông Tràng còn là tấm gương hết lòng vì cộng đồng. Thông qua việc sinh hoạt tổ, nhóm hội viên nông dân cơ sở, ông Võ Văn Tràng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi sản xuất thành công để mọi người cùng nghiên cứu áp dụng. Ngoài ra, ông tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phối hợp chính quyền địa phương tổ chức như: Dọn cỏ rác lục bình khai thông dòng chảy khắc phục ô nhiễm môi trường kênh rạch, làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, ông tích cực hưởng ứng đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn…
Ông Lý Văn Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy biểu dương tấm gương cần cù lao động và nhạy bén chuyển đổi sản xuất của ông Võ Văn Tràng ở xã Phú An. Ông Lý Văn Cẩm cho biết, mô hình canh tác của ông Tràng cần được các cấp Hội Nông dân nhân rộng nhằm giúp nông dân vượt khó, thoát nghèo và làm giàu trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động, góp phần đổi mới diện mạo nông nghiệp, nông thôn.
Theo gương ông Võ Văn Tràng, hiện nay, nông dân huyện Cai Lậy đã chuyển đổi hàng ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả phía Nam Quốc lộ 1 sang trồng các cây ăn quả đặc sản, chủ lực là sầu riêng, mít thái siêu sớm.
Có thể bạn quan tâm
Ông Long đã bắt đầu chuyển đổi 6.000m2 đất lúa sang trồng cam sành chất lượng cao vốn là thế mạnh của huyện Trà Ôn từ bao đời nay
Rau diếp cá được cắt vào trong bao, trước khi thương lái đến thu mua. Thu hoạch rau diếp cá chờ thương lái đến mua
Những em học sinh tham gia trồng rau không chỉ biết được giá trị lao động mà còn rèn ý thức khởi nghiệp, cách làm việc nhóm, bảo vệ môi trường sống...