Tiềm năng sinh trưởng và chất lượng thịt của gà Hmông
Hiện, gà H’mông chủ yếu được nuôi ở quy mô nhỏ, theo phương thúc chăn thả năng suất và sản lượng chưa cao. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa rất quan trọng làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình theo phương thức công nghiệp.
Gà H’mông hay còn gọi là gà Mèo, gà Xương đen, là giống gà địa phương quý, có đặc điểm da đen, thịt đen và xương đen, được người tiêu dùng sử dụng như một giống gà để bồi bổ cơ thể.
Vật liệu nghiên cứu
Tổng số 51 gà H’mông được nuôi theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu sinh trưởng, chất lượng thịt từ 1 - 12 ngày tuổi.
Gà H’mông đang được nhiều địa phương phát triển nuôi
Phương pháp nghiên cứu
Khả năng sinh trưởng
Bố trí 17 gà H’mông thuần vào 3 lô thí nghiệm với cùng quy trình chăn nuôi và phòng bệnh. Gà được nuôi bằng thức ăn công nghiệp và cho ăn tự do. Giai đoạn 1 - 28 ngày tuổi khẩu phần ăn đảm bảo cung cấp 22% protein thô, 3.000 kcal/kg thức ăn. Giai đoạn từ 29 ngày tuổi đến 12 tuần tuổi khẩu phần ăn đảm bảo cung cấp 18% protein thô, 2.950 kcal/kg thức ăn.
Thức ăn được cân và ghi chép theo ngày, khối lượng gà được cân cố định vào 1 ngày trong tuần.
Các chỉ tiêu theo dõi gồm tỷ lệ nuôi sống (%), sinh trưởng tích lũy (g/con), sinh trưởng tuyệt đối (g/con/ngày), sinh trưởng tương đối (%), tiêu tốn thức ăn (kg TA/kg tăng KL).
Khảo sát năng suất thịt
Mổ khảo sát 6 cá thể gà H’mông (3 trống, 3 mái) ở thời điểm 12 tuần tuổi để đánh giá năng suất và chất lượng thịt. Năng suất thịt đánh giá thông qua các chỉ tiêu: Khối lượng thân thịt (g), tỷ lệ thân thịt (%), tỷ lệ thịt lườn (%), tỷ lệ đùi(%), tỷ lệ tim (%), tỷ lệ gan (%)
Đánh giá chất lượng thịt
Mẫu thịt được đánh giá theo phương pháp của Barton et al. (1996), Clinquart A (2004a, 2004b) bao gồm các chỉ tiêu pH15, pH24 (được đo bằng máy đo pH Testo 230 (CHLB Đức). Màu sắc thịt được xác định tại thời điểm sau 24 giờ bảo quản bằng máy đo màu sắc thịt Nippon Denshoker Handy Colorimeter NR - 3000 (Nhật Bản). Độ dai của thịt được xác định bằng máy xác định lực Warner Bratzer 2000D (Mỹ), lực cắt được tính bằng đơn vị kg. Lấy 6 mẫu thịt đùi, 6 mẫu thịt lườn của các cá thể mổ khảo sát để xác định thành phần hóa học của thịt gà H’mông.
Kết quả
Tỷ lệ nuôi sống giai đoạn từ 1 - 12 tuần tuổi
Gà H’mông nuôi theo phương thức công nghiệp có tỷ lệ nuôi sống cao, tính cho cả giai đoạn nuôi đạt 94,1%. Đặc biệt, giai đoạn gà con nuôi úm 1 - 4 tuần tuổi gà không bị hao hụt.
Khả năng tăng khối lượng của gà H’mông từ 1 - 12 tuần tuổi
Khối lượng gà H’mông 1 ngày tuổi con trống đạt 26,7 g/con, con mái đạt 26,9 g/con. Khối lượng này cũng tương tự một số giống gà nội khác như gà nhiều ngón 27,98g/con (Nguyễn Hoàng Thịnh và cộng sự., 2016), gà ri vàng rơm 29,3g/con và gà Ai Cập 29,13 g/con (Nguyễn Huy Đạt và cộng sự., 2008).
Khối lượng gà H’mông 12 tuần tuổi con trống đạt 1.195,7g/con, con mái đạt 1.011 g/con. Kết quả trên cho thấy, gà H”mông có tốc độ sinh trưởng lớn hơn so với gà Ri vàng rơm (868,6 g/con) và gà Ai Cập (953,3 g/con).
Mức tăng khối lượng của gà H’mông qua các tuần tuổi là tuân theo quy luật sinh trưởng chung của loài gà. Sinh trưởng tuyệt đối tăng dần từ 1 tuần tuổi đến 10 tuần tuổi, sau đó có xu hướng giảm dần. Sinh trưởng tuyệt đối của gà H’mông ở tuần thứ 10 gà trống đạt 17,43g/con/ngày, gà mái đạt 15,03 g/con/ngày, sau đó giảm dần đến 12 tuần tuổi, sinh trưởng tuyệt đối của gà trống đạt 14,9 g/con/ngày, gà mái đạt 13,2 g/con/ngày. Sinh trưởng tương đối của gà H’mông giảm dần qua các tuần tuổi và có xu hướng giảm mạnh từ tuần tuổi thứ 10 trở đi.
Hiệu quả chuyển hóa thức ăn
Ở 1 tuần tuổi, mức tiêu thụ thức ăn trung bình 7,4 g/con/ngày và mức tiêu tốn 1,3 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Sau đó lượng thu nhận thức ăn tăng dần đều, tính cho cả giai đoạn 1 - 12 tuần tuổi gà H’mông thu nhận trung bình 42,81 g thức ăn/ngày và mức tiêu tốn thức ăn là 3,1 kg thức ăn/ kg tăng khối lượng cơ thể. Theo Phạm Công Thiếu và cộng sự. (2009), gà H’mông nuôi theo phương thức công nghiệp có mức tiêu tốn thức ăn là 3,76kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Còn theo Trần Văn Phùng và Trần Huê Viên (2006), gà H’mông nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên có mức tiêu tốn thức tinh bổ sung là 5,22kg thức ăn/kg tăng khối lượng. Nguyễn Bá Mùi và cộng sự. (2012) cho biết mức tiêu tốn thức ăn của gà Lông Cằm trung bình là 3,34 kg.
Năng suất thịt của gà H’mông
Gà trống H’mông được khảo sát năng suất thịt tại thời điểm 12 tuần tuổi có khối lượng là 1.206,7 g, tỷ lệ thân thịt đạt 72,4%, thịt đùi 21,1% và thịt lườn 16,1%. Gà mái H’mông tại thời điểm khảo sát có khối lượng là 1.026,7 g, tỷ lệ thân thịt 72,6%, thịt đùi 20,9 %, thịt lườn 15,6%. Kết quả về năng suất thịt của gà H’mông trong nghiên cứu này tương đương với kết quả nghiên cứu của Phạm Công Thiếu và cộng sự. (2009) với tỷ lệ thịt xẻ đạt 72,47%, thịt đùi 21,52% và thịt lườn 16,98%. Theo Hồ Xuân Tùng và Phan Xuân Hảo (2010), gà Ri ở 11 tuần tuổi có khối lượng là 1.016,67 g, tỷ lệ thân thịt 67,77%, thịt đùi 20,38 và thịt lườn 14,72%. Gà Lông Cằm tại thời điểm 15 tuần tuổi cho tỷ lệ thân thịt, thịt đùi và thịt lườn là 14,39% (Nguyễn Bá Mùi và cộng sự., 2012). Như vậy, tỷ lệ thân thịt, thịt đùi và thịt lườn của gà H’mông trong nghiên cứu này nằm trong phạm vi các công bố gần đây trên gà nội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, gà H’mông thuộc nhóm gà địa phương kiêm dụng, là giống gà ưa vận động nên phần thịt đùi phát triển, tỷ lệ thịt đùi lớn hơn 1,3 lần thịt lườn, tương tự như gà ri và gà Lông Cằm, tỷ lệ thịt đùi lớn hơn tỷ lệ thịt lườn 1,3 - 1,5 lần.
Chất lượng thịt gà H’mông
Tỷ lệ mất nước bảo quản của thịt đùi ở gà H’mông mái và trống lần lượt là 4,3 và 4,5%, ở thịt lườn lần lượt của gà trống và gà mái tương đương nhau là 2,5%. Tỷ lệ mất nước chế biến ở thịt đùi của gà mái và gà trống lần lượt là 21,5 và 22,4%, ở thịt lườn là 23,5%và 23,3%. Theo Lê Thị Thúy và cộng sự. (2010), tỷ lệ mất nước bảo quản của thịt gà H'mông ở cùng tuần tuổi là 2,4%, mất nước chế biến là 24,54%.
Có thể bạn quan tâm
Đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa trấu (hoặc mùn cưa), bột ngô và men Balasa No1 nhằm phân hủy chất thải trong chuồng nuôi dưới sự hoạt động của các vi sinh vật
Ngày nay, những tiến bộ trong y học đã cho phép điều chế ra các hợp chất đặc biệt, dùng để chống lại những căn bệnh nan y như viêm gan, ung thư hay đa xơ cứng.
Ngày nay, bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm là bệnh phổ biến trên toàn thế giới, nhất là các nước có ngành chăn nuôi gà, gà tây theo lối thả vườn