Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tiềm năng cây nghệ ở Tây Nguyên

Tiềm năng cây nghệ ở Tây Nguyên
Tác giả: Trần Long
Ngày đăng: 18/04/2017

Thị trường tiêu thụ nghệ tại Việt Nam là rất lớn, ước tính mỗi năm lên tới 40.000 tấn nghệ khô; 268.000 tấn nghệ tươi (tức là diện tích trồng nghệ trên 10.000 ha/năm).

Cần có kế hoạch cụ thể để phát triển cây nghê ̣bền vững

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam về đề tài “Xây dựng, phát triển và thực hiện các giải pháp tổng thể sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ Việt Nam phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên”.

TS Dương Ngọc Tú, Phó Giám đốc kiêm Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên Việt Nam (ICNaP), Trưởng phòng Sinh dược, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, thị trường tiêu thụ nghệ tại Việt Nam là rất lớn, ước tính mỗi năm lên tới 40.000 tấn nghệ khô; 268.000 tấn nghệ tươi (tức là diện tích trồng nghệ trên 10.000 ha/năm).

Tây Nguyên là vùng có thể tận dụng diện tích lớn đất trống đồi núi trọc để phát triển trồng nghệ. Với 24 triệu người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số có mức sống còn thấp, việc phát triển cây nghệ thành một trong những cây trồng chủ lực của vùng sẽ góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện đời sống của đồng bào.

Khoa học đã chứng minh các tác dụng có lợi từ cây nghệ có được nhờ tinh chất curcumin trong củ nghệ. Tại Việt Nam, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng dây chuyền chiết xuất curcumin theo công nghệ và tiêu chuẩn châu Âu.

Gần đây, dự án hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Vương quốc Anh do Hội đồng Anh - Việt Nam tham gia tài trợ đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm chiết xuất từ củ nghệ vàng bằng công nghệ xanh hóa học có tên Nacumin.

Theo TS Dương Ngọc Tú, để có được 20gram tinh chất curcumin phải cần từ 5 - 7kg nghệ tươi. Điều này cho thấy tác dụng vượt trội của sản phẩm Nacumin so với các sản phẩm nghệ truyền thống khác. Mặt khác, tinh chất curcumin tự nhiên của nghệ là rất khó hòa tan trong nước, nhưng Nacumin có khả năng tan tới 88% (theo kết quả kiểm nghiệm của Tổng cục Đo lường chất lượng).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao kết quả có được từ dự án nghiên cứu và khẳng định vai trò của cây nghệ đối với con người là rất rõ ràng. Việc phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại chế biến sản phẩm công nghệ cao từ nghệ là cần thiết tại thời điểm hiện tại khi chúng ta đã xác định là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ nghệ. Những sản phẩm này sẽ cho hiệu quả cao hơn nhiều so với sản phẩm sơ chế theo phương thức truyền thống, nhờ đó tận dụng tối đa giá trị của cây nghệ.

Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là dây chuyền sản xuất sẽ được triển khai ở đâu, cụ thể các bước thực hiện từ khâu trồng trọt, thu mua, chế biến và tiêu thụ sẽ được thực hiện như thế nào thì cần phải xác định rõ. Thứ trưởng nhận định vai trò của các viện khoa học là nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, vì vậy cần xác định, đánh giá đối tượng thực hiện. Tránh trường hợp để dân trồng rồi không biết bán cho ai.

Hiện tại, quy trình trồng nghệ theo tiêu chuẩn GACP tại các vùng dự án sẽ được Trung tâm Trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội - Viện Dược liệu triển khai và chuyển giao cho nông dân. Cty TNHH Techbifarm và Techbio là những đối tác thực hiện đầu tư sơ chế, thu mua nguyên liệu và chiết xuất, sản xuất các sản phẩm có giá trị cao từ củ nghệ. Tuy nhiên trong đề tài phát triển cây nghệ vùng Tây Nguyên cần bổ sung rõ ràng hơn nhiệm vụ cụ thể của từng bên liên quan để tăng tính thuyết phục và khả thi.

“Nông dân trồng nghệ giống mới năng suất cao sẽ chưa biết trồng ở đâu, trồng thế nào, chăm sóc ra sao...? Do đó cần có thời gian chuyển giao công nghệ, xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến và bảo quản. Thị trường tiêu thụ phải có doanh nghiệp hỗ trợ...”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Tinh chất nghệ (curcumin) sử dụng ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc với khối lượng hàng năm ước tính 20 - 30 tấn (tương đương gần 90.000 tấn nghệ tươi). Chất lượng curcumin nhập khẩu không ổn định nên nhiều doanh nghiệp có xu hướng mua sản phẩm curcumin chiết xuất trong nước. Nội địa hoá các sản phẩm từ nghệ nói riêng và sản phẩm từ các cây dược liệu khác nói chung là một hướng đi rất tích cực. Tuy nhiên việc chủ động hoàn toàn từ khâu ươm trồng đến thu hoạch, chế biến và tiêu thụ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kế hoạch cụ thể và đầu tư dài hạn.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ sư 8x trồng nấm bào ngư thu trăm triệu đồng Kỹ sư 8x trồng nấm bào ngư thu trăm triệu đồng

Từ kỹ sư chuyên về cây lúa, anh Võ Phước Giàu đã khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư xám, sạch và tận dụng các phụ phẩm để trồng nấm rơm

17/04/2017
Nông dân Lạng Sơn gật gù với B-TE1 Nông dân Lạng Sơn gật gù với B-TE1

Bởi vì là giống mới nên rất thận trọng, Trạm Khuyến nông Bắc Sơn vụ mùa đó đã xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho cây lúa".

18/04/2017
Bộ đôi giống lúa có năng suất, chất lượng vượt trội Bộ đôi giống lúa có năng suất, chất lượng vượt trội

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, giống lúa Đài Thơm 8 và Kim Cương 111 phù hợp với chân đất SX 2 vụ lúa/năm.

18/04/2017