Tiềm ẩn dịch bệnh từ nuôi tôm trái vụ
Theo kế hoạch của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại địa phương phải ngưng vụ đến đầu tháng 3, có vùng đến đầu tháng 4. Tuy nhiên, thời điểm này, rất nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng lại đang bắt đầu xuất bán hoặc thả nuôi từ 1 đến 2 tháng. Do nuôi trái vụ nên không ít diện tích đã phát sinh dịch bệnh.
Ông Lê Văn Thạnh - Xã Phước Dinh – Thuận Nam – Ninh Thuận cho biết:
“ Nói chung cũng có dịch bệnh nhưng mùa này mình nuôi mình phòng bệnh mạnh hơn, mình sử dụng thuốc nhiều hơn. Nói chung nó cũng kiểu như đánh bạc, một ăn một thua là chính”.
Đáng lo ngại là đa phần các hộ nuôi tôm không có ao chứa nước thải. Khi xảy ra dịch bệnh, các chất thải từ môi trường ao nuôi đều được xả thẳng ra biển. Từ đây mầm bệnh được phát tán và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các vụ nuôi tôm tiếp theo.
“Hễ có dịch là xả thẳng ra biển chứ có ai có hầm dút đâu, ống lúc nào cũng ngoài biển không mà, xả ra biển không mà, ý là mình xả dưới đáy nó có ống đó, ống đáy đó xả nó hút đi luôn ra biển”- Ông TrầnVăn Rớt - Xã Phước Dinh – Thuận Nam – Ninh Thuận nói:
Ông Võ Văn Hải - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thủy sản An Hải– Ninh Thuận cho biết:
“Cái việc nuôi trái vụ cái dịch bệnh xảy ra thì cái mầm bệnh nó sẽ lưu truyền trong thời điểm này, và nếu chúng ta không có biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tốt, không có dập được cái mầm bệnh thì nó sẽ lưu giữ trong môi trường nước cũng như trong môi trường đất làm ảnh hưởng đến vụ tiếp theo”
Theo khuyến cáo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Ninh Thuận, mỗi năm, người nuôi tôm phải ngưng vụ từ 3-4 tháng để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ao nuôi. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khuyến cáo này chưa được người nuôi tôm quan tâm.
Ông Phan Đình Thịnh - Chi cục trưởngChi cục Nuôi trồng thủy sản Ninh Thuận cho biết:
“Vấn đề quản lý Nhà nước đặt ra cũng rất mạnh, thậm chí cưỡng chế, xử phạt, tuy nhiên, khi người ta đã bất chấp rồi thì cái việc quản lý nhà nước bằng cưỡng chế xử phạt rất là khó, rất là phức tạp. Cái thứ hai trong nuôi tôm, đặc biệt là ở một số vùng nuôi tôm trên cát nếu như chúng ta chỉ sản xuất trong thời điểm chính vụ mà vụ trái không sản xuất thì rất khó khăn trong công tác quản lý ao đìa, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống bạt lót dưới đáy ao”
Theo thống kê, năm ngoái, tỉnh Ninh Thuận có 120 hecta ao tôm bị thiệt hại do dịch bệnh. Năm nay, với việc thả nuôi không theo mùa vụ và xả thải gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh ở các vùng nuôi tôm trong vụ sản xuất chính sắp tới đang ở mức rất cao.
Tags: dich benh, nuoi tom trai vu, nuoi trong thuy san