Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tỉ Phú Xoài Miền Tây

Tỉ Phú Xoài Miền Tây
Ngày đăng: 20/10/2014

Niềm đam mê cùng với ý chí làm giàu đã giúp ông Đinh Văn Phương vượt qua khó khăn, trở thành “vua xoài ” với thu nhập tiền tỉ

Men theo con đường nối TP Cần Thơ đến TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, rẽ vào ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, chúng tôi bắt gặp ngôi nhà tường ba gian khang trang nằm nép mình dưới những tán cây xanh. Đó là cơ ngơi của ông Đinh Văn Phương, còn gọi Sáu Phương (60 tuổi), một lão nông trồng xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng.

Phải lòng với xoài

Dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng 7 ha được phủ xanh với những tán xoài rợp lá, thẳng tắp, đưa tay lau những giọt mồ hôi trên trán và dõi mắt nhìn về phía những cây xoài đang mùa trổ bông, giọng ông phấn khởi: “Mưa gió bất thường, nhà vườn lo nhất là xoài rụng hết bông. Như con thấy đó, các vườn kế bên bông rụng trắng, nhìn mà xót cho bà con. Riêng vườn của chú đến giờ hoa vẫn giữ nụ, vàng ươm và chắc chắn sẽ đậu trái”.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, ngay từ nhỏ ông không được học hành, phải làm đủ nghề để kiếm sống.

Từ nấu rượu, bán cà-rem đến nuôi vịt chạy đồng, sau đó chuyển sang trồng mía, trồng lúa, vất vả trăm bề nhưng cuộc sống chẳng dư dả là mấy. Như một cơ duyên, trong một lần ghé thăm người quen, nhìn vườn xoài cát Hòa Lộc trĩu quả, lại được gia chủ mời thưởng thức những lát xoài thơm, ngọt và mềm, ông phải lòng và quyết tâm theo đuổi việc trồng xoài từ đó.

Dồn hết 18 triệu đồng vốn ít ỏi tích cóp được từ nghề nông, năm 1993, ông mua 150 gốc xoài cát Hòa Lộc về phủ kín 1 ha đất vườn và tự tay chăm sóc. Năm đầu khởi nghiệp, ông liên tục đối mặt với muôn vàn khó khăn do thiếu kinh nghiệm chăm sóc.

Có lúc, chứng kiến chỉ sau một trận mưa mà bông xoài rụng trắng vườn, ông “chết đứng”. Tạm gác nỗi buồn qua một bên, suốt nhiều năm trời, ông vừa học hỏi kinh nghiệm vừa mày mò làm theo cách riêng của mình. Vụ đầu tiên trúng đậm, ông mừng rơi nước mắt.

Cứ thế, lấy ngắn nuôi dài, từ 150 gốc xoài ban đầu, nay ông đã có trong tay hơn 2.000 gốc, chủ yếu là xoài cát Hòa Lộc. Ngoài ra, ông còn sở hữu hàng trăm gốc xoài Tứ Quý, xoài Đài Loan trải dài trên 7 ha với thu nhập mỗi năm tròm trèm 1 tỉ đồng.

Bám trụ với nghề

Xoài cát Hòa Lộc vốn nức tiếng thơm ngon và có giá trị xuất khẩu cao nên được nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long chọn trồng. Thế nhưng, để thành công cũng không đơn giản, bởi việc trồng xoài không chỉ đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải có duyên. “Cũng trồng một loại xoài như nhau nhưng thu nhập của mỗi nhà vườn mỗi khác, ăn thua do kỹ thuật chăm sóc. Tùy vào vẻ ngoài bắt mắt và chất lượng trái mà giá cả sẽ có sự chênh lệch” - ông Sáu Phương cho biết.

Ngồi xếp bằng dưới gốc xoài cạnh chiếc chòi nhỏ dùng để giữ vườn, thong thả rót nước mời khách, ông bật mí: “So với các loại cây ăn trái khác, xoài là loại chịu ngập úng tốt nhất. Đất nhẹ kém màu mỡ giúp cây dễ cho nhiều bông và đậu trái trong khi đất quá màu mỡ đủ nước chỉ giúp cây phát triển tốt nhưng lại ít trái”. Thực tế, xoài cát dễ trồng và sinh trưởng tốt nhưng thường bị sâu rầy phá hoại và thường rụng bông khi mưa lớn hoặc vô vụ trái mùa.

Với 21 năm theo nghề, theo lão nông dạn dày kinh nghiệm này, việc bảo vệ bông là khâu quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ năng chăm sóc lẫn kiến thức ở người trồng. “Có thể phun thuốc bảo vệ bông 1 lần khi phát bông dài từ 2 - 3 cm để ngừa côn trùng chích hút. Lần hai chỉ phun khi bông đạt kích thước tối đa, sau đó ngưng phun để bảo vệ những loại côn trùng có ích giúp bông thụ phấn” - ông Sáu Phương chia sẻ.

Tôi thắc mắc vì sao lại phải bọc kín hết trái, ông giải thích: “Xoài ngon chính là xoài ít sử dụng thuốc. Muốn có xoài ngon, đạt chất lượng xuất khẩu và bán cho thương lái thì khi xoài phát triển lớn bằng ngón chân cái, mình chỉ phun thuốc dưỡng trái rồi bọc lại để tránh sâu bọ, tránh mưa, đồng thời bảo quản để trái xanh, đẹp cho tới lúc chín, như vậy mới được giá”.

Nhờ chỉn chu trong việc chăm sóc mà trong vài năm trở lại đây, dù thời tiết diễn biến bất thường, trong khi nhiều nhà vườn lao đao thì vườn xoài ông vẫn ra trái đều đặn. Hiện tại, với 7 ha diện tích đất trồng xoài, mỗi năm ông thu hoạch 2 đợt với 50 tấn trái. Với giá bán thấp nhất 15.000 đồng/kg và cao nhất 45.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí, ông thu về từ 800 - 900 triệu đồng/năm.

Không chỉ thành công với việc trồng xoài, ông còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện tại địa phương. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông thường góp tiền giúp đỡ người nghèo. Đặc biệt, ông Sáu Phương luôn sẵn lòng truyền đạt kinh nghiệm trồng xoài cho bà con có nhu cầu. Lối sống chân tình, luôn hết lòng với mọi người ấy của ông khiến người dân trong vùng mến phục.

Trồng xoài không chỉ đơn thuần là một công việc mà còn là cả đam mê và chính điều đó đã giúp tôi thành công” - ông Sáu Phương thổ lộ.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh Nuôi Cá Chẽm Ở Thạch Sơn Ở Hà Tĩnh

Sau khi dự án ngọt hóa sông Nghèn đi vào hoạt động, hàng trăm hộ dân ở 2 xóm Sông Tiến và Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã làm giàu nhờ mô hình nuôi cá chẽm.

06/05/2013
Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp) Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Thái Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao Ở Lai Vung (Đồng Tháp)

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

23/11/2012
Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

07/05/2013
Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn Thiếu Cá Tra Nguyên Liệu Đạt Chuẩn

Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

28/11/2012
Tập Huấn Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolaise Ở Hà Tĩnh Tập Huấn Bò Thịt Chất Lượng Cao Charolaise Ở Hà Tĩnh

Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.

07/05/2013