Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thủy sản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế Sóc Trăng

Thủy sản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế Sóc Trăng
Tác giả: Văn Hòa
Ngày đăng: 06/05/2016

Trong giai đoạn hiện nay, thủy sản vẫn là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sản lượng tôm nuôi đạt trên 90.000 tấn một năm. Nghề nuôi tôm nước lợ đã giúp phát triển vùng đất ngập mặn ven biển, cải tạo gần 50.000ha đất hoang hóa, đất canh tác kém hiệu quả trở thành vùng có lợi thế trọng yếu của Sóc Trăng. Nghề nuôi tôm nước lợ phát triển hơn 20 năm qua đã tạo điều kiện cho hơn 60.000 hộ dân vùng nhiễm mặn, nhiễm mặn theo mùa có cuộc sống tốt hơn. Ông lê Văn Trọng ở xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Trước đây đất nông nghiệp của xã chỉ làm được 1 vụ lúa/năm. Từ khi phát triển thêm được con tôm thì đời sống người dân được nâng lên rất rõ. Theo tôi, nếu nông dân phát triển nghề nuôi tôm theo đúng cách và đúng quy trình, lịch thời vụ, thì con tôm góp phần cho người dân vùng này có cuộc sống no ấm là điều nằm trong tầm tay”.

Không thể phủ nhận vai trò của con tôm nước lợ đã làm thay đổi cuộc sống của nông dân vùng nhiễm mặn. Ở huyện Trần Đề, với diện tích nuôi tôm nước lợ trên 4.200ha đã cho sản lượng tôm trên 18.000 tấn. Thị xã Vĩnh Châu với sản lượng khoảng 40.000 tấn từ 23.000ha nuôi tôm, riêng vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên với 18.000ha cũng đóng góp hàng năm trên 12.000 tấn. Huyện Cù Lao Dung với hơn 1.500ha nhưng lại có sản lượng gần 10.000 tấn, huyện Long Phú cũng đạt trên 3.000 tấn mỗi năm. Giá trị tôm nuôi mỗi năm ở Sóc Trăng từ 9.000 tỉ đến 10.000 tỉ đồng, giá trị chế biến xuất khẩu trên 500 triệu USD. Những vùng nuôi thâm canh trọng điểm như Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung, bà con đã không ngừng chuyển đổi phương thức, quy trình công nghệ nuôi để đạt được sản lượng cao, an toàn sinh học. Ông Trần Hoàng Dũng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề, cho biết: “Huyện Trần Đề xác định vị thế của con tôm trong cơ cấu kinh tế rất là quan trọng ở cả hai lĩnh vực nuôi trồng và khai thác. Chính vì thế mà ngành Nông nghiệp luôn vận động, tuyên truyền nông dân ứng dụng đúng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, để nghề nuôi đạt hiệu quả cao nhất”.

Ngành nông nghiệp Sóc Trăng không chỉ chú trọng đến diện tích mà còn tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi tiên tiến, an toàn hơn. Những lớp tập huấn kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, như quy trình nuôi Biofloc, quy trình nuôi 2 giai đoạn, nuôi sinh thái để người nuôi chọn lựa ứng dụng. Ông Diệp Thành Nhơn ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề, cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi, trong nuôi tôm hiện nay là phải ứng dụng các kỹ thuật cao hơn, làm phải đúng theo thời vụ thì mới đạt hiệu quả cao. Không nên chạy theo giá cả mà thả nuôi ồ ạt, không đúng quy trình, không theo thời vụ thì nguy cơ thiệt hại rất cao”.

Tôm nước lợ mang lại lợi nhuận cao, song cũng luôn tiềm ẩn rủi ro do dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Chính những yếu tố đó mà người nuôi đã không ngừng ứng dụng quy trình kỹ thuật cao hơn để hạn chế rủi ro, như quy trình nuôi tôm trong nhà kín, quy trình nuôi 2 giai đoạn, xử lý đáy ao thường xuyên, lót bạt đáy ao…. Người nuôi tôm không còn quan tâm nhiều đến diện tích nuôi mà chọn lựa quy trình nuôi an toàn, hiệu quả, lợi nhuận cao.


Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi tôm.

Vụ nuôi tôm năm 2016, người nuôi thâm canh bắt đầu chuyển sang quy trình nuôi 2 giai đoạn, tăng diện tích ao lắng, áp dụng kỹ thuật xử lý đáy ao thường xuyên từ biện pháp xi – phông đáy ao. Những quy trình nuôi kỹ thuật ao đang được mở rộng ở các vùng trọng điểm, đây là xu thế chuyển đổi phương thức nuôi đang được khuyến cáo. Ông Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, nhận xét: “Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, thì nghề nuôi tôm đang đứng trước nhiều khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn các dịch bệnh trên tôm là rất lớn, nên người nuôi cần phải chuyển đổi phương thức nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng, loại bỏ dần những tập quán nuôi cũ, nuôi theo hướng tự phát. Ngoài ra, ngành chức năng sẽ tăng cường tổ chức nhiều lớp, nhiều đợt chuyển giao quy trình kỹ thuật cao tận ao nuôi cho bà con. Có như vậy thì nghề nuôi mới phát triển và khống chế được những bất lợi do thời tiết, khí hậu và nuôi sẽ an toàn, hiệu quả hơn”.

Nghề nuôi tôm nước lợ phát triển gắn với công nghiệp chế biến và tạo việc làm, chính vì vậy mà các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển giao quy trình kỹ thuật tiên tiến để nghề nuôi được an toàn, bền vững là mục tiêu tăng trưởng trọng yếu trong giai đoạn hiện nay. Cùng với phát triển về năng suất, sản lượng thì ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật là nền tảng để thủy sản Sóc Trăng ngày càng phát triển mạnh và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Nghề tay trái hái ra tiền Nghề tay trái hái ra tiền

Ngoài việc kinh doanh các sản phẩm bánh kẹo, sữa, cà phê, nước giải khát, nước mắm, dầu ăn, ông Phạm Văn Sinh còn có nghề “tay trái” khác là nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây cũng là nghề đang giúp ông “hái ra tiền”.

06/05/2016
Mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt cho năng suất cao Mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt cho năng suất cao

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) hiện có 22 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp trải bạt đáy ao, với diện tích 15ha cho năng suất và lợi nhận rất cao.

06/05/2016
Bạc Liêu cần hơn 7.800ha tôm nuôi thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn Bạc Liêu cần hơn 7.800ha tôm nuôi thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh Bạc Liêu có 7.861ha tôm nuôi bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.

06/05/2016