Thương Mại Biên Giới Việt–Trung 6 Tháng Xuất Siêu 800 Triệu USD

Bất chấp tình hình bất ổn trên biển Đông, giao thương tuyến biên giới Việt – Trung vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng.
Đó là đánh giá được đưa ra tại buổi giao ban Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt-Trung 6 tháng đầu năm, ngày 22/7, tại Hà Nội.
Theo Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt-Trung, 6 tháng đầu năm tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua tuyến biên giới đạt 8,59 tỷ USD.
Gạo là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 529.000 tấn, đạt giá trị khoảng 198 triệu USD. Có tới 97% lượng gạo được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, khu vực thí điểm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mặt hàng vải quả tươi với 96.385 tấn, đạt giá trị 62,2 triệu USD. Mặt hàng dưa hấu với 152.628 tấn, đạt 9,1 triệu USD…
Cũng theo Ban chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, thương mại tuyến biên giới Việt-Trung vẫn duy trì được đà phát triển với mức tăng trưởng bình quân 4%/tháng. Tổng giá trị xuất nhập khẩu trực tiếp qua tuyến biên giới đạt 2,61 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Đáng lưu ý, cán cân thương mại xuất nhập khẩu trực tiếp trong thương mại biên giới đều xuất siêu qua các tháng, tổng giá trị xuất siêu trong 6 tháng đạt 800 triệu USD, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Nguyễn Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn- cho biết: Tính đến ngày 15/7, kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 821 triệu USD, nhập khẩu đạt 806 triệu USD.
Như vậy, tính đến nửa đầu tháng 7/2014, thương mại trên tuyến biên giới Việt-Trung qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn cũng đã xuất siêu 15 triệu USD. Tình hình giao thương qua các cửa khẩu khá ổn định, hoạt động kiểm dịch động thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm qua các cửa khẩu được thực hiện chặt chẽ hơn.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng: Mặc dù phải chịu một số tác động nhưng hoạt động thương mại biên giới trên tuyến biên giới Việt-Trung vẫn duy trì được đà phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết, do chính sách về thương mại biên giới hiện chưa được hoàn thiện có hệ thống đã ảnh hưởng đến việc quản lý và điều hành thương mại biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở.
Vì vậy, việc nhanh chóng hoàn thiện, ban hành văn bản sửa đổi Quyết định 254/2006/QĐ-TTg và các chính sách liên qua đến cư dân biên giới là rất cần thiết nhằm giải quyết tình trạng gian lận thuế, đảm bảo cho thương mại biên giới thông suốt.
Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt-Trung đã đưa ra nhiều kế hoạch nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại tuyến biên giới Việt-Trung những tháng cuối năm:
Một là, thiết lập kênh trao đổi thường xuyên, định kỳ và chặt chẽ giữa Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thương mại biên giới với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thương mại biên giới các tỉnh để kịp thời đề xuất hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc.
Hai là, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại ở khu vực biên giới Việt-Trung và tổ chức đoàn công tác liên ngành làm việc với các tỉnh biên giới Trung Quốc giáp với Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.
Ba là, phối hợp trao đổi thông tin về thương mại biên giới với Trung Quốc về tình hình thị trường, doanh nghiệp, cơ chế…
Có thể bạn quan tâm

Anh Nguyễn Văn Đường (ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình, Châu Thành - An Giang) được đào tạo “Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi lươn đồng” do Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức, là một trong số ít nông dân thành công với mô hình làm ăn mới sau khi học nghề. Thông qua việc đầu tư cơ sở “Lươn giống Mười Ngọt”, mỗi năm, anh Đường có thu nhập trên 300 triệu đồng.

Căn cứ vào hoạt động nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát lót bạt tại huyện Van Ninh hiện nay cho thấy thành công của nghề nuôi tỉ lệ thuận với công sức và mức độ đầu tư của người nuôi. Như vậy việc đầu tư bài bản, quản lý tốt, yếu tố môi trường trong nuôi của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát lót bạt đang là kinh nghiệm cho các hộ nuôi tôm trên toàn địa bàn tỉnh.

Sở dĩ đàn bò tăng là do thời gian gần đây, giá thịt bò ổn định và có xu hướng tăng, nên người chăn nuôi đã đầu tư phát triển loại vật nuôi này. Đáng chú ý là tại một số địa phương trên địa bàn thị xã An Nhơn, Phù Cát, Vĩnh Thạnh… nhiều nông hộ đã chọn mua các giống bò có tỉ lệ máu ngoại cao, đầu tư chăm sóc chu đáo đã mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Cụ thể, trứng vịt tươi có giá từ 22.000-24.000 đ/chục, tăng 7.000 đ/chục so với 2 tháng trước. Giá hột vịt lộn từ nửa tháng trước có lúc tụt giá chỉ còn 21.000 đ/chục, nay đã tăng lên từ 26.000-30.000 đ/chục. Giá trứng gà công nghiệp tăng 2.000 đ/chục lên 20.000 đ/chục, trứng gà ta 26.000đ/chục, tăng 6.000 đ/chục.

Một con chim trĩ có giá từ 100.000 - 1 triệu đồng. Chim trĩ đang đẻ trứng thì giá khoảng 1,5 triệu đồng. Giá thịt chim trĩ từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; trứng 45.000 - 50.000 đồng/quả.