Thương Hiệu Hóa Cá Tra

Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra mới được ban hành, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, đang thu hút sự quan tâm của giới thương nhân, người nuôi... Theo đó, hoạt động nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra thương phẩm là một ngành kinh doanh có điều kiện. Con cá tra Việt Nam được gắn “vòng kim cô” tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc...
Có người ví Nghị định 36 đã tạo một con sông lớn- chuỗi sản xuất, chế biến nội địa- để con cá tra Việt Nam thuận dòng bơi một cách đầy tự tin ra biển cả- thị trường thế giới. Vì sao vậy?
Nhìn ngược thời gian, chỉ trong thời gian ngắn, cá tra Việt Nam đã “vượt vũ môn”, “bơi” đến 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, riêng EU và Mỹ chiếm gần 1/2 sản lượng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2010 chỉ 1,1 tỷ USD, năm 2011và 2013 nhảy vọt lên 1,8 tỷ USD, năm 2014 dự báo khoảng 1,6 tỷ USD.
Thế nhưng, thực tế vẫn chưa vui. Nhiều năm qua, con cá tra Việt Nam luôn tự luồn lách trong những lạch lớn, sông nhỏ, gặp vô vàn trở ngại trước khi ra đến biển.
Một nước xuất khẩu cá tra gần như “độc tôn” thế nhưng chuỗi giá trị cá tra bị đứt gãy không kiểm soát được! Quy hoạch vùng nuôi nhiều bất cập. Chất lượng không đồng đều. Người nuôi nhiều khi thua lỗ, treo ao. Nhà máy chế biến lắm lúc đói nguyên liệu, chạy cầm chừng. Quan hệ nhà nông- doanh nghiệp được gắn kết bằng... khẩu hiệu. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mạnh ai nấy làm, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Còn nhiều, nhiều lắm những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi... vẫn thế” khác nữa.
Điều tất yếu xảy ra: Cá tra Việt Nam đã vấp phải những hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu dựng lên với những vụ kiện chống bán phá giá, những cuộc điều tra, những phán quyết bất công, những quy định ngặt nghèo về chất lượng, xuất xứ..., thậm chí có thị trường đã “cấm cửa”... Vượt qua những rào cản đó vô cùng cam go, có những lúc bất khả thi!
Vì vậy, vấn đề nâng tầm con cá tra Việt Nam đã được đặt ra từ lâu. Nghị định 36 đã được lấy ý kiến đóng góp trong gần 5 năm qua. Có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có cả những lời than thở “cá tra quằn quại với một núi tiêu chuẩn”... Nhưng cuối cùng, một văn bản pháp lý ở tầm vĩ mô cũng được ra đời.
Nghị định 36 được kỳ vọng sẽ xác lập trật tự mới, gắn kết chuỗi giá trị, thương hiệu hóa cá tra..., thật sự là một “con sông lớn” cho những đàn cá tra Việt Nam tự tin bơi ra biển lớn!.
Có thể bạn quan tâm

Ðể có được những giọt mật ngon, những người nuôi ong ngày này qua tháng nọ phải lang bạt khắp nơi để đưa đàn ong đi tìm mật. Nhiều rủi ro bất trắc trên đường di chuyển, nhưng bù lại nghề này có thể cho thu nhập rất cao nếu tìm được vùng hoa có nhiều mật.
Mặc dù chỉ mới hoạt động hơn 1 năm, song Tổ dịch vụ (TDV) bao trái xoài ở phường 6, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tạo được hiệu ứng tốt trong việc nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất xoài theo hướng an toàn tại địa phương

Người tiên phong đó là chị Nguyễn Thị Thanh (47 tuổi, ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Đến nay, sau gần 20 năm, mô hình này đã thành công, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đầu vào đã không tự chủ được và ngày càng bị lấn át bởi các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan, đầu ra cũng bị cạnh tranh khốc liệt, không có thế mạnh xuất khẩu mà chỉ tiêu thụ trong nước, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR nhận xét.

Đó là chia sẻ của TS Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khi nhận định về những khó khăn, thách thức mà ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt khi gia nhập các hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.