Thực hành nuôi tốt hạn chế dịch bệnh EMS
Hội chứng tôm chết sớm (EMS) được gây ra bởi nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở miền Nam Trung Quốc năm 2009 và lan rộng đến các nước ASEAN như Việt Nam (2010), Malaysia, Thái Lan (2011)… Đến 2013, dịch bệnh tôm chết sớm đã lan rộng sang các nước ở Nam Mỹ (Mexico). Bệnh đã ảnh hưởng nặng nề khắp các trang trại nuôi tôm châu Á trong vài năm qua.
Các dấu hiệu lâm sàng của bệnh bao gồm đường tiêu hóa trống, xuất hiện màu nâu của dạ dày, gan tụy nhợt nhạt, tôm lờ đờ và mềm vỏ (Leano and Mohan, 2012). Tỷ lệ chết hàng loạt do bệnh cũng đã dẫn đến giảm sản lượng tôm toàn cầu.
Nguyên nhân phát sinh mầm bệnh
Theo kinh nghiệm của nhiều trang trại, có rất nguyên nhân phát sinh mầm bệnh. Những thay đổi về nhiệt độ có thể là nguyên nhân khởi phát, bởi vi khuẩn gây ra EMS phát triển mạnh khi nhiệt độ tăng; các chất dinh dưỡng cũng là một yếu tố quan trọng; nhiều loại phân bón cho ao kích thích sự phát triển của mầm bệnh EMS; các ao có độ mặn dưới 5 ppt không có khả năng bị EMS, nhưng khi độ mặn tăng sẽ có khả năng xuất hiện bệnh.
Tập đoàn Charoen Pokphand Foods (CPF) cũng đã triển khai nhiều nghiên cứu tìm hiểu về EMS. Một số kết quả cho thấy, mầm bệnh phát triển rất nhanh; nó là tác nhân xâm chiếm (và thường tập hợp lại ở đáy ao) và sinh ra một loại độc tố mạnh.
Thực hành nuôi tốt
Cùng với việc giải quyết các nguyên nhân phát sinh EMS thông qua quản lý ao nuôi tốt thì cũng có các quy trình thực hành khác có thể giúp ngăn ngừa bệnh này.
Sử dụng các lồng trong ao tôm cũng có thể hữu dụng, vì nó ngăn cản tôm tiếp xúc với đáy ao - nơi có nguy cơ gây EMS cao nhất do tác nhân gây bệnh tập hợp ở đáy ao và trong động vật hình rêu (Bryozoan). Hoặc thả tôm post/tôm giống trong các lồng và sau đó chỉ thả vào ao khi đạt ba tuần tuổi có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Áp dụng các hệ thống nuôi ghép, biofloc và thâm canh đều chứng minh thành công đối với nhiều người nuôi trong điều kiện điều chỉnh toàn bộ hệ thống nuôi trồng để kháng bệnh cao hơn.
Tương tự cách áp dụng để phòng tránh bệnh đốm trắng, nuôi cá rô phi trong ao tôm giúp kích thích mức độ tảo nhất định, giảm khả năng cho EMS phát sinh.
Ngoài ra, người nuôi nên tiến hành nuôi ở các ao thâm canh nhỏ vì dễ dàng loại bỏ bùn từ đáy ao và quản lý độ mặn. Hệ thống này cũng đã chứng minh cho năng suất cao.
Dựa trên hoạt động kiểm soát EMS trên quy mô lớn hơn, bệnh này thường được phát hiện ở vùng nước lợ giữa các khu vực nước biển và nước ngọt. Vì vậy, cần quản lý toàn bộ vùng nuôi tốt để ngăn ngừa bệnh này không bị lây lan từ ao này sang ao khác khi sử dụng chung nguồn nước.
Áp dụng các kết quả nghiên cứu
Dịch chiết thân lá thồm lồm giúp phòng trị bệnh EMS
Mới đây, các nhà khoa học Thái Lan lần đầu tiên công bố biện pháp sốc nhiệt (NLHS) làm tăng khả năng chịu đựng bệnh EMS của tôm. Kết quả cho thấy, tôm tiếp xúc với NLHS cấp tính hoặc mãn tính có tỷ lệ sống sót cao hơn (> 50%) so với kiểm soát tôm không được sốc nhiệt (20%) khi được thử thách với vi khuẩn V.parahaemolyticus vào ngày thứ 3 sau gây nhiễm nhân tạo.
Còn tại Trung Quốc, một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả diệt khuẩn của thân và lá cây thồm lồm (Polygonum chinense L.) đối với vi khuẩn V.parahaemolyticus. Thân lá cây thồm lồm được ngâm chiết bằng dung môi ethanol. Phương pháp được áp dụng bao gồm thử kháng sinh đồ khuếch tán trên đĩa thạch của Kirby-Bauer và thử nghiệm trên tôm bằng hình thức cho ăn và ngâm với nồng độ tương ứng 25 - 30 g/100 kg tôm. Kết quả cho thấy, dịch chiết thô thồm lồm có hiệu quả diệt vi khuẩn V. parahaemolyticus với đường kính vòng vô khuẩn đạt 19,8 - 20,6 mm tương ứng với nồng độ sử dụng 66,7 - 200 µg/khoanh. Bên cạnh đó, sử dụng dịch chiết thô bổ sung vào nước nuôi tôm 30 g/m3 tại 2 thời điểm (ngay khi gây bệnh bằng vi khuẩn V. parahaemolyticus với mật độ 105 - 106 cfu/ml và lần 2 cách lần 1 là 24 giờ), tỷ lệ sống của tôm đạt 60% so với lô đối chứng 0%.
Ngoài ra, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Arizona (Mỹ) đã tìm thấy 2 loại gen đột biến có khả năng xóa bỏ gen độc tính (tác nhân chủ yếu gây bệnh) từ vi khuẩn V. parahaemolyticus. Đây là một nghiên cứu mang tính đột phá trong công cuộc hạn chế khả năng gây hại của vi khuẩn V. parahaemolyticus.
Có thể bạn quan tâm
5-aminolevulinic acid (5-ALA) - nguyên liệu mới bổ sung vào thức ăn giúp tăng cường khả năng kháng bệnh của tôm thẻ chân trắng với hội chứng chết sớm
Mới đây, một dòng vi khuẩn Vibrio mới đã được phân lập từ các hệ thống nuôi tôm tại Thượng Hải, Trung Quốc trên những cá thể tôm được xác định là mắc phải EMS
Nghiên cứu ra một chất Poly hydroxyl isocopalane từ loài xốp biển Callyspongia sp có khả năng chống lại virus hội chứng đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng