Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thừa Thiên Huế xả nước ngọt cứu cá

Thừa Thiên Huế xả nước ngọt cứu cá
Tác giả: NGUYỄN KHÁNH
Ngày đăng: 11/05/2016

Sáng 6/5, đi dọc các bờ biển từ Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) qua thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), không còn ghi nhận tình trạng cá biển, cá lồng chết nữa. Vùng nuôi cá lồng trên đầm phá Tam Giang sát cửa biển Thuận An, tình trạng cá nuôi lờ đờ, cá chết đã giảm hẳn sau khi UBND tỉnh yêu cầu mở cửa đập Thảo Long, cung cấp nguồn nước ngọt trên sông Hương về đầm phá để “cứu” cá.

Ông Phan Anh Tuấn (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An), một hộ nuôi cá lồng cho biết: “Tui nuôi 4 lồng cá hồng với khoảng 5.000 con. Từ chiều 3/5, có mấy chục kg cá trong lồng nuôi bị chết, tui vớt mang đi chôn. Sau đó ít ngày cũng xảy ra tình trạng cá chết rải rác từ 5-10 con/lồng. Từ khi đập Thảo Long xả nước về trên phá thì hiện tượng cá chết không còn nữa. Việc xả nước khiến số lượng cá bị lờ đờ cũng sống khỏe lại”.


Ngành chức năng thu gom cá chết tiêu hủy tại thị trấn Thuận An chiều 3/5

Ông Tuấn cùng hàng trăm hộ nuôi cá lồng ở Thuận An đều bị thiệt hại khá lớn sau khi tình trạng cá lồng nuôi chết hàng loạt những ngày trước. Theo thống kê, có 600/800 lồng bị ảnh hưởng. Đến nay, hiện tượng cá chết đã giảm hẳn, người nuôi đang ra khu vực sát bờ phá chăm sóc những lồng nuôi còn lại và thường xuyên cập nhật khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, cơ quan chức năng nhằm tránh thiệt hại những lồng còn lại.

Trong 4 ngày qua, các địa phương thu gom khoảng gần 1 tấn cá biển chết trôi dạt vào bờ và khoảng vài tấn cá lồng nuôi của các hộ dân ở Thuận An, Hải Dương. Các cơ quan chức năng phối hợp cùng các địa phương bị thiệt hại đã tiến hành chôn lấp, tiêu hủy và nghiêm cấm người dân sử dụng hải sản chết trôi dạt vào bờ làm thực phẩm.

Ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho biết, ngay từ trưa 3/5, trước hiện tượng cá nuôi lồng của người dân tại Thuận An có dấu hiệu lờ đờ và chết sau khi thủy triều rút, ông đã đề xuất mở cửa đập Thảo Long ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà khi làm việc với lãnh đạo để xả nước ngọt vào hệ phá Tam Giang. Đây là con đập chắn giữa phá Tam Giang và sông Hương để ngăn mặn giữ ngọt. Được biết, vùng nuôi cá của người dân bị chết nằm cách đập khoảng 3 km. “Tuy nhiên, vấn đề này cần cân đối lại nguồn nước, nếu mở cửa đập xả nhiều thì sẽ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp trong vụ hè thu sắp tới”, ông Nhuận nói.

Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, bắt đầu từ 14 giờ ngày 3/5, Công ty TNHH Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh bắt đầu mở từ 1 - 3 cửa đập để xả nước ra phá Tam Giang. “Lượng nước ngọt phần nào đẩy được nước độc ra ngoài biển nên nhiều loại cá có hiện tượng lờ đờ đã khỏe trở lại” - ông Nhuận cho biết.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: “Từ 14 giờ chiều 3/5 đến nay, tùy theo mực nước thủy triều, chúng tôi đã tiến hành mở từ 1-3 cửa đập để xả nước ngọt trên sông Hương ra phá Tam Giang qua đập Thảo Long với lưu lượng khoảng 15 triệu m3. Hiện tại, đang tiến hành đóng các cửa đập lại vì nước ngọt ở thượng nguồn các địa phương phản ánh đang thiếu cho sản xuất nông nghiệp”.

Theo ông Đính, những ngày tới, tùy theo mực nước mà đơn vị sẽ cân đối phù hợp sau khi Sở NN&PTNT làm việc với các thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn, xả nước về bổ sung, đơn vị sẽ có nguồn nước điều tiết, giúp giảm độ mặn trong khu vực đầm phá, gần điểm nuôi cá lồng của bà con vùng cửa thị trấn Thuận An. Về nguy cơ ngọt hóa, ông Đính cho rằng, đã cân đối mực nước, độ mặn đo được vùng đầm phá là 30/1000, sau khi tiến hành xả đập đo được 20/1000, nên góp phần làm sạch môi trường vùng nước.

Hiện, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, Sở TNMT phối hợp với đoàn công tác của các bộ, ngành trung ương, kiểm tra môi trường biển, xác định nguyên nhân cá chết. Đồng thời, khuyến cáo ngư dân bãi ngang không đánh bắt và tiêu thụ hải sản cách bờ 20 hải lý.

Sáng 6/5, đoàn chuyên gia nước ngoài của Đức và Nhật Bản đã về khu vực cửa biển thị trấn Thuận An, xã Quảng Ngạn tìm hiểu sự việc và lấy mẫu nước 3 điểm ở mỗi địa phương để kiểm tra.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tôm nuôi rất cao

Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh thông tin, tính đến ngày 6/5, tại các vùng nuôi tôm trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai thuộc các huyện Phú Vang, Quảng Điền và tôm trên cát Phong Điền có khoảng 30ha bị dịch bệnh, trong đó gần 23 ha bị đốm trắng. Nguyên nhân chính là do nắng nóng kéo dài, thời tiết diễn biến bất thường, môi trường thay đổi đột ngột, một số nơi bị ô nhiễm nguồn nước… Cảnh báo thời gian đến, nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh rất cao. Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh yêu cầu các địa phương, người dân tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ tôm nuôi mùa nắng nóng. (HOÀNG TRIỀU)


Có thể bạn quan tâm

Hòa Bình xã Vầy Nưa chuyển đổi giống cá nuôi vùng hồ Hòa Bình xã Vầy Nưa chuyển đổi giống cá nuôi vùng hồ

Vầy Nưa là xã lòng hồ của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) có địa hình đồi núi cao, ruộng canh tác ít, đi lại khó khăn. Từ bao đời nay, cuộc sống mưu sinh của người dân phụ thuộc vào trồng rừng và đánh bắt cá trên vùng hồ. Tuy vậy, dù có cố gắng rất nhiều cộng với sự quyết tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực không ngừng của người dân nhưng cuộc sống vẫn chưa thể bứt phá.

11/05/2016
Để nghề nuôi thủy sản ở Hải Hòa phát triển bền vững Để nghề nuôi thủy sản ở Hải Hòa phát triển bền vững

Nằm ở phía đông nam ven biển Hải Hậu, xã Hải Hòa (Nam Định) được thiên nhiên ưu đãi có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản, cả nước ngọt và mặn lợ, giúp nâng cao hiệu quả đời sống của người dân.

11/05/2016
Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có trên 1.600ha tôm nuôi bị dịch bệnh Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có trên 1.600ha tôm nuôi bị dịch bệnh

Phòng NN và PTNT huyện Đầm Dơi (Cà Mau) cho biết, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, trên 1.600ha tôm quảng canh và trên 50ha tôm công nghiệp bị thiệt hại. Huyện đã hỗ trợ trên 11.000kg cholorine để xử lý ao nuôi tôm công nghiệp bị bệnh.

11/05/2016