Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ

Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, sống chung với lũ
Tác giả: Minh Trí
Ngày đăng: 21/11/2017

Trong những ngày này, về thăm khu vườn sầu riêng của ông Huỳnh Văn Sẵn, cư ngụ tại ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy ai cũng phải trầm trồ trước những cây sầu riêng trĩu trái, chuẩn bị cho thu hoạch.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Huỳnh Văn Sẵn. 

Gia đình ông Sẵn canh tác 7.000 m2 (0,7 ha) đất trồng chuyên canh giống sầu riêng chất lượng cao RI6. Vụ này, theo đánh giá, ông đạt sản lượng khoảng 12 tấn quả, bán thu gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi không dưới 600 triệu đồng. 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Long Tiên, nhờ vườn chuyên canh sầu riêng, gia đình ông Huỳnh Văn Sẵn từ chỗ nghèo khó, thiếu trước hụt sau những năm lũ lớn đầy gian nan, vất vả trước đây đã đổi đời, giàu có hẳn lên, trở thành triệu phú nông thôn miệt vườn vùng lũ lụt Tiền Giang. 

Ông Huỳnh Văn Sẵn cho biết, khu vực nơi ông canh tác trước kia có tên là cánh đồng Xóm Tre, kề bên con sông Đìa Đưng vốn nổi tiếng chua phèn và thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt, triều cường gây hại hàng năm. 

Sản xuất nông nghiệp do vậy rất bấp bênh. Những năm thiên tai gây hại coi như mất trắng. Điển hình như trận lũ năm 2000 gần như các huyện phía Tây tỉnh bị nhấn chìm trong đó xã Long Tiên bị thiệt hại rất nặng. 

Nhận thấy không thể bám víu mãi vào cây lúa để cuối cùng “nghèo vẫn hoàn nghèo” đồng thời đúc kết kinh nghiệm xương máu sau trận lũ lụt lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông quyết định chuyển đổi từ làm ruộng sang lập vườn trồng chuyên canh sầu riêng để thích ứng với biến đổi khí hậu và cụ thể hóa chủ trương “chung sống với lũ”. 

Ông Huỳnh Văn Sẵn chia sẻ, để thành công với cây trồng mới trên nền đất lúa không phải đơn giản. Thời kỳ đó, kinh nghiệm trồng sầu riêng của nhiều nông dân vùng ngập lũ gần như chỉ là con số 0. Bản thân ông, với ý chí vươn lên làm giàu từ những khó khăn của thiên nhiên, địa bàn, thổ nhưỡng đồng thời quyết tâm của một nông dân năng động, ông tìm hiểu kỹ thuật canh tác, học hỏi biện pháp thâm canh sầu riêng, từ quy cách lên líp, mật độ trồng, giống và kỹ thuật chăm sóc,…qua nhiều kênh: cán bộ khuyến nông, tài liệu, phương tiện thông tin đại chúng, những nông dân sản xuất giỏi đi trước,… 

Ông Huỳnh Văn Sẵn (trái) trao đổi kỹ thuật thâm canh sầu riêng với cán bộ lãnh đạo xã Long Tiên.

Định hướng đúng và kiên trì chịu khó, ông Sẵn đã thành công sau 4 năm lứa sầu riêng trong vườn đã có thể cho trái bói (lứa trái đầu tiên). Những năm về sau, cây càng lớn năng suất càng cao, bình quân mỗi ha sầu riêng đạt năng suất từ 15 tấn/ha trở lên. Đáng mừng là đầu ra của sầu riêng thuận lợi, những năm trước có lúc thương lái thu mua với giá kỷ lục: 100.000 đồng/kg, mỗi ha cho lợi nhuận hàng tỷ đồng. 

Để tránh điệp khúc “trúng mùa, mất giá”, ông Sẵn còn quan tâm xử lý để vườn cây cho thu hoạch vào mùa nghịch, luôn bán được giá cao. Hiện nay chính là thời điểm các khu vườn chuyên canh sầu riêng ở vùng ngập lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang bước vào vụ nghịch. Tùy thời điểm, giá sầu riêng đang dao động từ 70.000 đến 85.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. 

Theo ông Sẵn, trong những năm qua, nhờ chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình trồng chuyên canh sầu riêng “chung sống với lũ”, nông dân các huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, nơi có trên 8.000 ha sầu riêng đều giàu có hẳn lên bởi thu nhập loại quả đặc sản này rất cao. Bà con thu lãi hàng tỷ đồng/ha sầu riêng sau một vụ bội thu. Bản thân ông cũng nhờ vườn cây sầu riêng mà đổi đời, cất nhà cửa khang trang và trở nên người giàu có miệt vườn hôm nay. 

Không chỉ sản xuất giỏi, biết phát huy những tiềm năng đất đai, lao động dựng nên cơ nghiệp bền vững trên vùng ngập lũ khi xưa, ông Huỳnh Văn Sẵn còn là một tấm gương về chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Long Tiên. 

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Long Tiên, hưởng ứng chủ trương của địa phương về huy động công sức nhân dân kiện toàn giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia, gia đình ông Huỳnh Văn Sẵn đã tự nguyện hiến phần đất chiều rộng 2 m và chiều dài 50 m, tổng diện tích 100 m2 để ấp Mỹ Thuận mở rộng và nâng cấp, bê tông hóa đường dân sinh trên địa bàn phục vụ đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo nông thôn mới giàu đẹp tại địa phương. 

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cũng cho biết, từ những hạt nhân như ông Huỳnh Văn Sẵn, xã nhận được hàng trăm trường hợp nhân dân góp quỹ đất kiện toàn giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến nay Long Tiên đã đạt 100% tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đang chờ để được thẩm định và ra mắt xã nông thôn mới vào cuối năm nay, rút ngắn 3 năm so với lộ trình đề ra. Để có được như thế, phải kể đến công lao đóng góp của những nông dân giỏi giang và tích cực làm công tác xã hội, hết lòng vì cộng đồng như ông Huỳnh Văn Sẵn ở ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên.


Có thể bạn quan tâm

Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ trồng cây chanh máu đỏ lạ mắt, thơm ngon nức tiếng Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ trồng cây chanh máu đỏ lạ mắt, thơm ngon nức tiếng

Kỹ thuật trồng cây chanh máu đỏ cũng không khác gì so với các loại chanh thông thường có điều nên lựa chọn điều kiện đất, thời tiết và cách chăm sóc

16/11/2017
Kính nể vườn cam thu 5 tỷ đồng/năm của 'vua' cam Khe Mây Kính nể vườn cam thu 5 tỷ đồng/năm của 'vua' cam Khe Mây

Mỗi vụ cam ông Oánh thu về xấp xỉ 5 tỷ đồng nhờ biết cách “xếp” quả cho 10.000 gốc cam trên diện tích 20ha tại vùng kinh tế trang trại Khe Mây.

17/11/2017
Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ngày Nhà giáo Việt Nam: "Thầy giáo tỷ phú" có 8ha cam VietGAP

Là người đầu tiên đưa giống cam về trồng trên đất Kiêu Kỵ, đến nay ông Trần Văn Bình ở thôn Báo Đáp đã có 8ha trồng cam theo quy trình VietGAP

20/11/2017