Thu tiền tỷ mỗi năm từ trồng dưa lưới công nghệ cao
1 sào lúa (360m2) trong một vụ khoảng 115 ngày, nông dân thu lãi trung bình 400.000 đồng. Cũng trên mảnh đất ấy, khi tích tụ ruộng đất và đưa công nghệ cao vào sản xuất, lợi nhuận có thể gấp 100 lần. “Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao rất tốn kém, vì thế, rất cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất...".
Những ngày trồng cây…
Mấy tháng gần đây, cánh đồng thôn 1, xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng trông thật mới lạ. Một khu nhà kính rộng lớn màu trắng vừa mọc lên trên cánh đồng trước đây là những ô ruộng nhỏ. Đây là khu vực sản xuất nông nghiệp theo công nghệ Israel của ông Đào Quang Trịnh ở thôn 1. Ở đây đang có 4.000m2 nhà kính trồng dưa lưới.
Trong ảnh: Vườn dưa mới trồng
Gặp ông Trịnh bên những luống dưa đang độ thu hoạch, quả xếp hàng đều tăm tắp, chúng tôi được chủ nhân cho biết, khu vực rộng 8.000m2 này do ông mua đất ruộng của người dân với giá 90 triệu đồng/sào. Hoạt động sản xuất bắt đầu từ tháng 9 vừa qua. Ông đã đổ vào đây hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu nhà kính và cơ sở hạ tầng đi kèm, gồm nhà máy nước mini, trạm điện, đường sá, hệ thống tưới tiêu…
Ông Trịnh chân thành chia sẻ: “Thực tế thực phẩm bẩn bủa vây cuộc sống người dân khiến tôi có nhiều trăn trở. Để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra được sản phẩm sạch, cần vốn lớn mà phần lớn nông dân không có điều kiện đáp ứng. Tôi nghĩ, mình có khả năng làm được, tại sao mình lại không làm? Vậy là tôi quyết định làm gì đó để góp phần giúp người dân tiếp cận được sản phẩm sạch, an toàn. Tôi không hy vọng mình làm được hết, mà chỉ mong góp một phần nhỏ trong công cuộc này”.
Để hái được trái ngọt hôm nay, ông Trịnh đã phải rất kỳ công. Ông dành thời gian đi tham quan, học hỏi các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều nước: Israel, Séc, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan… Mô hình nhà kính tại xã Đông Sơn có sự giúp sức của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước (Israel, Nhật Bản, Séc) hỗ trợ, tư vấn.
… Đến ngày hái quả
Hiện ở đây có gần 7.000 cây dưa lưới giống AB Sweet Gold, chia thành 40 luống, mỗi luống 2 hàng. Mỗi cây trồng trong một bịch giá thể đặt trong luống đã được lót bạt nilon cách ly với nền đất để tránh mầm bệnh.
Kỹ sư Tạ Trọng Nguyên, nhân viên kỹ thuật tại đây cho biết, dưa lưới chịu nắng tốt nhưng không chịu được mưa, nếu gặp mưa, quả sẽ bị nứt. Nhà kính Israel không những giúp che mưa, điều chỉnh nhiều yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, độ ẩm mà còn ngăn côn trùng, chuột… xâm nhập gây hại. Việc không gieo hạt trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất. Mỗi bịch giá thể có trọng lượng 2 - 2,5kg, gồm xơ dừa trộn với phân trùn quế.
Nhà kính lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc cây. Nước chứa chất dinh dưỡng được tưới 8 lần mỗi ngày, mỗi lần 100 - 200ml, đều chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển rất đồng đều. Theo anh Nguyên, dưa trong nhà kính rất ít bị sâu bệnh, năng suất cao và ổn định. Hơn nữa, quá trình sản xuất tốn ít nhân công, trung bình chỉ cần 4 người/4.000m2. Đặc biệt, có thể trồng các vụ nối nhau liên tiếp mà không cần phải luân canh để cải tạo đất.
Hệ thống tưới nhỏ giọt tự động dẫn nước đến từng gốc cây
“Khí hậu ở Israel nhiều nắng nên mỗi cây dưa họ để 2 quả, còn ở Việt Nam ít nắng hơn, ta chỉ để 1 quả. Ở nước ta, dưa lưới được trồng phổ biến hơn ở miền Nam vì khí hậu phù hợp hơn. Nhờ có nhiều nắng hơn nên ở miền Nam, một lứa dưa là 65 - 72 ngày, một năm có thể trồng 4 vụ, trong khi ở miền Bắc, nhất là mùa này ít nắng, nên một vụ cần hơn 80 ngày, mỗi năm trồng được 3 vụ. Ở miền Nam dưa trồng ở mật độ cao hơn, mỗi 1.000m2 trồng 2.200 - 2.500 cây, ở miền Bắc phải trồng thưa hơn, chỉ 2.000 cây”, anh Nguyên so sánh.
Dưa của nhà vườn khi thu hoạch đạt 1,5 - 2,2kg/quả, có quả nặng 2,5kg, năng suất trung bình hơn 3 tấn/1.000m2. Dưa đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, bảo quản được lâu. Sản phẩm được bán lẻ trực tiếp cho người dùng với giá 55.000 đồng/kg.
Nói về hiệu quả của mô hình nhà kính Israel, ông Đào Quang Trịnh khẳng định, nếu đầu tư bài bản, việc áp dụng công nghệ này giúp nâng cao năng suất lên gấp hàng chục lần sản xuất thông thường, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi ha. Ông Trịnh đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất với nhiều giống cây trồng khác như lan hồ điệp, lily, cẩm tú cầu… Tết Nguyên đán năm nay, ông có 15.000 cây lily Sorbonne trồng trong nhà kính cung cấp cho thị trường.
Mùa hái quả
“Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao rất tốn kém, vì thế, rất cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thì mới có thể kích cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Trịnh nói.
Tham qua mô hình này, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đánh giá: “Đây là mô hình mới về nhiều mặt, áp dụng công nghệ mới, cách thức tiếp cận mới, công tác quản lý mới. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đến nay, có thể khẳng định mô hình thành công cả về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất và định hướng cho thị trường. 1ha đầu tư trong 1 vụ 85 -90 ngày cho thu về 1,5 tỷ đồng. Một năm nếu làm 3 vụ, thu 4,5 tỷ đồng, là niềm mơ ước của nhiều người dân”.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Liệu (52 tuổi, ở phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đã thành công với mô hình nuôi gà siêu trứng, thu nhập 2 triệu đồng/ngày.
Dựa vào điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, lão nông Phạm Đạt ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã mạnh dạn phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn trái
Năm 2015, sản lượng gà của anh Trần Văn Đa đạt 16 tấn mang về cho anh thu nhập khoảng 2,4 tỷ đồng, trừ đi chi phí, anh vẫn lãi trên 2 tỷ đồng.