Thu tiền triệu mỗi ngày từ chăn nuôi bò sữa
Khởi nghiệp với 2 con bò sữa, sau 5 năm gắn bó với nghề, anh Tạ Quang Trung (SN 1982) ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành phát triển tổng đàn lên 30 con. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi, anh Trung được mệnh danh là người nuôi bò sữa “3 nhất” ở địa phương, đó là: Nuôi bò sữa nhàn nhất, bò cho sản lượng sữa nhiều nhất và có giá bán sữa cao nhất.
Đàn bò sữa cho thu nhập tiền triệu mỗi ngày của gia đình anh Trung.
Chúng tôi đến thăm khi anh Trung đang chở thức ăn vào chuồng nuôi, đến từng ô, anh dừng xe xuống cào thức ăn. Anh Trung cười nói: “Làm thế này cũng chưa chuyên nghiệp lắm đâu, nhưng với quy mô nuôi bò sữa nông hộ thì cách này cũng tiết kiệm khá nhiều thời gian và sức lao động”.
Anh Trung cho hay, mỗi ngày đàn bò sữa “ngốn” hơn 2 tấn thức ăn, nếu không có “mẹo” thì riêng việc chuẩn bị thức ăn cho bò cũng mất cả ngày. Để tiết kiệm sức lao động và thời gian, anh đầu tư máy vắt sữa bò, máy cắt cỏ, máy thái thức ăn công suất lớn, máy hút phân và đường ống dẫn thẳng ra ruộng để bón cỏ. Anh mua 2 xe ba gác và thiết kế máy thái thức ăn đặt trên cao. Một xe dùng để chở cỏ cắt từ đồng về bốc đưa lên máy thái cỏ, xe còn lại đặt sẵn ở dưới hứng cỏ đã thái, đầy xe thì chở thẳng vào chuồng. “Trước đây, cần đến 2 người xúc, bây giờ tôi chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ là xong tất cả mọi khâu từ cắt, thái cỏ, cho bò ăn. Thời gian rảnh rỗi, tôi dành cho quầy tạp hóa buôn bán ở chợ tăng thêm thu nhập”, anh Trung chia sẻ.
Để đàn bò khỏe mạnh, cho năng suất và chất lượng sữa cao, anh lắp đặt hệ thống làm mát, phun sương cho 200m2 chuồng trại, gắn thẻ ở tai để tiện theo dõi, chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh và đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi. Theo đó, anh Trung cho bò ăn đúng giờ, ngày 2 bữa chính và 1 bữa phụ, chủ yếu là cỏ, cám ngô, đỗ, khẩu phần bảo đảm đủ thức ăn thô và xanh. Đối với mỗi con bò đang cho sữa, tiền thức ăn tốn khoảng 120 nghìn đồng/ngày. Việc vắt sữa bò cũng rất quan trọng, phải đúng giờ, đúng địa điểm và cố định người vắt. Sau khi vắt nên vệ sinh sạch sẽ, mát xa đầu vú để kích thích bò tiết nhiều sữa.
Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm gia đình anh ký kết với Công ty Vinamilk thu mua sữa với giá từ 12.000-14.000 đồng/kg (giá phụ thuộc vào chất lượng sữa bò). Do có chất lượng tốt, sữa bò của gia đình anh luôn được Công ty về tận nơi thu mua với giá 14.000 đồng/kg. Hiện, gia đình anh có 15 con bò đang cho khai thác 300kg sữa mỗi ngày, trừ hết chi phí còn thu lãi khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Đông Ngô Ngọc Đức cho biết: Gia đình anh Trung là một điểm sáng về phát triển chăn nuôi nông hộ. Để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò sữa, Hội tạo điều kiện cho gia đình anh Trung cùng 9 hộ khác vay 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Qua đó, giúp các hộ có thêm vốn phát triển sản xuất, đưa cơ giới hóa vào các khâu, làm nền tảng để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, góp phần nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều câu hỏi của nông dân về phát triển cây ăn quả có múi được các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn giải đáp tại diễn đàn
Rầy, khô vằn, đen lép hạt... hại trên lúa mùa, lúa vụ 10 + 12 giai đoạn đẻ nhánh - thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,... hại trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ
Mô hình nuôi gà Ai Cập trên nền đệm lót sinh học ở xã Tam Phước (Phú Ninh), bước đầu thu được kết quả khả quan.